H
àng chục người dân thôn Liên Sơn 1 và Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước, Ninh Thuận) tụ tập chặn xe chở thức ăn, yêu cầu trại nuôi heo Châu Hưng tại thôn Liên Sơn 2, đóng cửa vì mùi hôi vào hôm qua, 20/10.
Bịt mũi ngồi học
Anh Huỳnh Nhất Nhịn (ngụ tại thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh) cho biết từ khoảng 3 tháng nay, người dân nơi đây phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ trại nuôi heo Châu Hưng của ông Huỳnh Quốc Châu. Mùi hôi thối khó chịu gây đau đầu, khó thở, không thể nghỉ ngơi hay ăn uống.
Trại heo Châu Hưng tại thôn Liên Sơn 2, không có hệ thống xử lý chất thải, gây ra mùi hôi thối khiến người dân bức xúc. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Bưng chén cơm, ly nước đưa lên miệng cũng nghe mùi hôi, rất gớm, không muốn ăn. Nhà phải đóng cửa nhưng cũng không thoát được mùi hôi, thối chịu không nổi, đi làm về không thể nghỉ ngơi”, anh Nhịn bức xúc nói.
Không chỉ ô nhiễm về mùi hôi, người dân ở đây cho biết nước từ các hồ chứa chất thải của trại heo thoát theo mương nước, chảy vào hồ nước giữa làng. Đây là nguồn nước sinh hoạt chung của cả làng, người dân tắm giặt thì bị ngứa, gia súc uống nước thì bị bệnh đường ruột.
Đặc biệt, 210 em học sinh trường Tiểu học Liên Sơn 2 – Bảo Vinh, nằm cách trại heo khoảng 500 m, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi. Thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Sơn 2 - Bảo Vinh, cho hay mùi hôi từ trại heo hàng ngày tra tấn thầy trò nhà trường.
Theo thầy Phúc, nhiều phụ huynh đã đến trường đưa con em về nhà không cho học vì mùi hôi. Nhiều người còn cho biết sẽ cho con em nghỉ học nếu tình trạng hôi thối không chấm dứt. Trước tình hình đó, nhà trường đã gửi đơn lên xã, huyện yêu cầu giải quyết.
Người dân tụ tập yêu cầu trại heo đóng cửa sau thời gian dài gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Các em học sinh đòi bỏ học vì quá hôi, nhất là những lúc có gió. Thầy cô phải động viên các em và đóng kín cửa để dạy nhưng các em cũng phải vừa bịt mũi vừa học”, ông Phúc cho biết.
Di dời khẩn cấp 2.000 con heo ra khỏi trại
Bức xúc vì nhiều lần kiến nghị trại heo ô nhiễm môi trường nhưng không được giải quyết rốt ráo, tối 19 đến sáng 20/10, hàng chục người dân đã tổ chức chặn xe chở thức ăn vào trại và yêu cầu đóng cửa trại heo.
Theo tìm hiểu của Zing.vn, trại heo Châu Hưng đang nuôi hơn 2.000 con. Trại heo chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải được xả ra các hồ chứa phủ bạt sơ sài, có hồ không phủ bạt, bốc mùi hôi thối.
Ông Huỳnh Quốc Châu, chủ trại heo Châu Hưng, cho rằng do những người dân làm nông xung quanh trại xin nước thải từ trại để tưới rẫy, gặp trời mưa nước thải chảy xuống khu dân cư gây ô nhiễm, hôi thối.
“Tạm thời chúng tôi sẽ cho di chuyển toàn bộ đàn heo ở trại đi để không gây ra mùi hôi. Sau đó sẽ hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải” ông Châu nói.
Nước thải được xả trực tiếp ra các hồ che đậy sơ sài gây mùi hôi thối. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đến tận nơi chỉ đạo giải quyết vụ việc, ông cho hay đã yêu cầu doanh nghiệp trong vòng một tuần phải di dời toàn bộ đàn heo, chấm dứt cảnh ô nhiễm. Sau đó, doanh nghiệp phải xây dựng lại hệ thống xử lý chất thải, đánh giá tác động môi trường trình huyện, tỉnh phê duyệt đồng ý mới được tiếp tục hoạt động.
"Bùng nổ" trại nuôi heo
Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay toàn tỉnh hiện có 48 cơ sở nuôi heo với hơn 30.000 con. Ninh Thuận có nhiều khu đất rộng, giá rẻ và xa khu dân cư, điều kiện khí hậu nắng nhiều cho heo phát triển tốt và ít bệnh dịch. Với những điều kiện đó, các nhà đầu tư từ các nơi liên tục vào Ninh Thuận để mở trang trại nuôi heo.
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận đang rất cân nhắc vì vấn đề ô nhiễm môi trường từ những trại nuôi heo. Tỉnh đã đóng cửa một số trang trại gây ô nhiễm môi trường, không đủ năng lực để xử lý môi trường như nước thải, mùi hôi.
Theo Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, các nhà đầu tư hiện nay chủ yếu nuôi gia công cho các công ty lớn nên không chú trọng đến vấn đề môi trường. Do đó, tỉnh đã giao Sở TN&MT, các huyện, xã tích cực kiểm tra, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt việc xử lý chất thải, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Xã Phước Vinh (trong viền đỏ), huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ảnh: Google Maps. |