Gần 11 năm về trước, tôi vẫn là một cô bé, dù với nhiều người, họ nói tôi lớn trước tuổi vì “ăn nói già dặn” quá. Nhưng nếu cho tôi được nói thật lòng thì có lẽ tôi vẫn muốn được hồn nhiên như bao bè bạn khác.
Oanh khi còn là tân sinh viên trong căn nhà côi cút , mồ côi cha mẹ. |
Vào một buổi chiều tháng 8/2004, khi tôi đang ngồi bên cửa sổ nói chuyện cùng cô bạn về những dự định cho con đường học đại học sắp đến thì có một chú phóng viên đến tìm...
Cảm giác lúc đó của tôi như thế nào nhỉ? Tôi đã khá thờ ơ.
Tuổi 18, cái tuổi mới lớn, cái tuổi ngại ngùng, mặc cảm hoàn cảnh với bạn bè, nên tôi không muốn có nhiều người biết đến mình, không muốn nhìn ánh mắt thương cảm của người khác.
Tôi cũng ghét cái cảm xúc thấy mình thua thiệt với bạn bè. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi được gặp những người bạn dù không giống cảnh mồ côi như tôi và tôi nghĩ họ còn khổ hơn mình, mạnh mẽ hơn mình và mình cũng cần phải có nỗ lực.
Những câu chuyện, lời động viên ngày ấy như cơn gió mát cho tâm hồn dễ bỏng rát của tôi.
Tôi bắt đầu mở lòng mình hơn, nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Các cô chú đang cố gắng nhen nhóm, thổi bùng ngọn lửa quyết tâm cho chúng tôi, lẽ nào tôi lại không vượt qua được bốn năm đại học và sự thật là bốn năm đại học của tôi cũng trôi qua nhẹ nhàng.
Một buổi đi học, thời gian còn lại tôi dành đi dạy kèm cho các em để trang trải sinh hoạt phí. Rồi tôi cũng đứng trên bục giảng, trở thành một giảng viên. Đây là lúc tôi dành thời gian chú ý đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tôi mới ra trường, lại muốn tiếp tục học lên thêm nên tôi cũng không giúp gì được cho các em về mặt kinh tế. Nhưng khi tôi kể cho các em về hoàn cảnh của mình, tôi nhận được món quà là sự quyết tâm của các em. Tôi cũng muốn gieo niềm tin cho các em như tôi đã từng nhận được.
Những ngày cầm phấn trên bục giảng, nhìn thấy những lời động viên của mình đã giúp các em sinh viên thế nào, tôi càng quyết tâm phải học, học để vững vàng trong sự nghiệp trồng người, để tiếp lửa cho những cảnh đời khó khăn khi bước chân vào giảng đường.
Oanh đang ở Hàn Quốc, cô đang làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Mạng máy tính tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc). |
Tiền bạc có thể kiếm được nhưng niềm tin đã mất thì sẽ không làm được gì. Tôi tin rằng ngoài kia còn nhiều bạn với sự giúp đỡ đã và đang thành công trong cuộc sống. Mọi thành công đó, bắt đầu từ một triết lý thành thơ: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Và chúng tôi sẽ viết tiếp câu chuyện ấy...
Trần Kim Oanh là tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào năm 2004. Quê Oanh ở Cồn Tiên (Gio Linh - Quảng Trị), mồ côi cả bố lẫn mẹ.
Khi chúng tôi tìm gặp Oanh để xác minh hồ sơ trao học bổng, Oanh sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, côi cút giữa rừng cao su. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế ngành Công nghệ thông tin với kết quả học tập xuất sắc, Oanh trở thành giảng viên khoa công nghệ thông tin CĐ Công nghiệp Huế.
Hiện Oanh làm nghiên cứu sinh chuyên ngành mạng máy tính tại Đại học Kyung Hee - Hàn Quốc từ tháng 3/2014, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ bảo vệ học vị tiến sĩ.