Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sống lại ký ức Trung thu tuổi thơ qua các trò chơi dân gian

Trung thu ngọt ngào và tròn đầy nhất có lẽ vẫn là những mùa Trung thu của ngày thơ bé, với rước đèn phá cỗ, múa lân, nặn tò he, làm lồng đèn ông sao, lồng đèn lon sữa bò...

Trong nhịp sống hiện đại hối hả, tưởng như người ta dễ dàng quên đi những ký ức ấy. Nhưng chỉ cần trong khoảnh khắc khí thu se se thổi vào tháng 7, nhiều người lại bất giác nhớ về những mùa Trung thu xưa. Khi ấy, trẻ con được tham gia những trò chơi dân gian thú vị mà mỗi lần gặp lại, ta đều nhớ về những mùa Trung thu truyền thống ấm áp, tròn ước mơ thơ trẻ.
Đó là những đêm phá cỗ trăng rằm, trong khi người lớn ngồi ôn lại chuyện xưa bên khay bánh và chè mạn, trẻ em nô nức rước đèn múa lân. Tinh nghịch hơn, lũ trẻ còn được thỏa thích đeo mặt nạ các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, theo chân đoàn lân dọc các con đường. Trong không khí rộn ràng, cả dàn hợp ca trẻ con thi nhau hát "Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh..." - câu hát mà bây giờ, đôi khi ta chỉ được nghe qua băng đĩa và trẻ con thì ít khi thuộc.

banh Trung thu Kinh Do anh 1
Múa lân - "linh hồn" của Tết Trung thu.

 

Vui nhất là trước ngày chuẩn bị rước đèn, trẻ con rủ nhau tự tay vót tre, làm đèn lồng ông sao, cá chép từ giấy màu, giấy kính, giấy báo hay làm lồng đèn lon bia, lồng đèn bằng lon sữa bò... Cả đám hí hửng góp tiền mua nến xanh đỏ đủ màu, chờ đến đêm để thắp. Ánh sáng tỏa ra từ đèn lồng có lẽ là thứ ánh sáng lấp lánh nhất, đẹp đẽ nhất trong ký ức tuổi thơ. Đâu cần lồng đèn nhựa nhấp nháy chạy bằng pin như ngày nay, trẻ con khi xưa vẫn cảm thấy đủ đầy với những chiếc đèn lồng bình dị.

banh Trung thu Kinh Do anh 2
Những chiếc đèn ông sao bình dị, gần gũi.

 

Nếu là thế hệ 7X, 8X, hẳn bạn sẽ nhớ đến những trò chơi dân gian như: ô ăn quan, kéo co, đánh quay, nặn tò he, làm cào cào bằng lá dừa… Dưới ánh trăng tròn vành vạnh, lũ trẻ tụ tập ở sân lớn, vừa trông trăng, vừa tụm năm tụm bảy, thỏa thích bày đủ các trò chơi mà đôi khi trẻ con thành thị phải thèm. Để rồi theo tháng năm, những trò chơi vẫn vẹn nguyên trong ký ức bao thế hệ người Việt, nhắc nhở rằng nét đẹp Trung thu truyền thống cần được bảo tồn.

banh Trung thu Kinh Do anh 3
Nặn tò he - nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt.

 

Ngày nay tại một số tỉnh thành, múa lân và rước đèn vẫn được duy trì và cũng là hoạt động chính trong ngày hội của trẻ thơ. Ở các đô thị lớn, dù cuộc sống xã hội thay đổi và làm mai một phần nào những nét đẹp của Tết Trung thu, nhưng giá trị truyền thống của ngày hội vẫn được chắt chiu giữ gìn. Với những ký ức Trung thu tuổi thơ đẹp đẽ, hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng muốn con mình có được cái tết Trung thu tròn ước mơ, một cái Tết mà trẻ được chơi phá cỗ, đón trăng, được tự làm lồng đèn, chơi ô ăn quan, nặn tò he, ném còn, được bố mẹ chia bánh, kể chuyện chị Hằng, chú Cuội… Với trẻ thơ, đây chắc chắn là trải nghiệm Trung thu trọn vẹn nhất dù không có đèn lồng đắt tiền hay những món đồ chơi xa xỉ. Nuôi dưỡng con bằng những ký ức tuổi thơ ngọt ngào luôn là món quà quý giá nhất mà cha mẹ nào cũng muốn dành cho con. Đó cũng là cách để giữ gìn những giá trị quý báu của Tết Trung thu truyền thống. Một mùa Trung Thu nữa lại về, bạn có muốn mang cả gia đình về lại với không khí của Tết Trung thu cổ truyền?

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm