Khi nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu, không tiếp xúc được, bại tứ chi...
Do bệnh nhân không có điện thoại di động, giấy tờ, thân nhân nên các bác sĩ phải đặt tên là “vô danh 2”. Ở thời điểm ấy, không ít y bác sĩ của khoa ngoại thần kinh Bệnh viện 175 đã lo lắng có khi nào cuộc đời của người thanh niên trẻ này sẽ phải đi đến một kết thúc đau lòng như bệnh nhân “vô danh 1”.
Moong Văn Lấp cố gắng nở nụ cười với mọi người trước khi về quê Nghệ An ngày 14/8. |
Bệnh nhân vô danh
Bệnh nhân “vô danh 1” cũng bị chấn thương sọ não rất nặng do tai nạn giao thông cách đây hơn 11 tháng, phải sống đời thực vật do mất hoàn toàn ý thức, ngôn ngữ, liệt chân tay.
Không có giấy tờ tùy thân nên từ khi nhập viện cấp cứu, các y bác sĩ không biết bệnh nhân tên gì, nhà cửa ở đâu, có thân nhân hay không, đành phải đặt tên là “vô danh 1”. Bệnh viện đã nhiều lần nhờ cơ quan thông tin đại chúng thông báo về bệnh nhân vô danh này với nhân dạng, chiều cao, tuổi tác ước đoán nhưng không thấy ai tới tìm, tới nhận.
Nhân viên của khoa ngoại thần kinh còn đưa thông tin về bệnh nhân lên Facebook của mình nhưng tất cả đều không có manh mối. Giờ đây, thân hình của bệnh nhân “vô danh 1” đã biến dạng, chân tay co quắp, suy kiệt, nằm thoi thóp cô quạnh, chờ ngày giã biệt kiếp người. Mấy ai ngờ chỉ cách đây gần một năm, khi được ai đó đưa vào viện cấp cứu, bệnh nhân “vô danh 1” là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, lực lưỡng, cao 1,7m, nặng chừng 70kg.
May mắn hơn bệnh nhân “vô danh 1”, bệnh nhân “vô danh 2” đã tỉnh lại sau hơn hai tháng được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa. Mừng quá, các chị điều dưỡng, hộ lý tìm mọi cách khơi gợi xem bệnh nhân “vô danh 2” có nhớ được gì không. Thế nhưng, thời gian đầu tỉnh lại, bệnh nhân chỉ ngơ ngác, ú ớ, không biết mình là ai. Hơn một tháng sau, bệnh nhân mới nhận biết được và ngọng nghịu nói ra quê ở miền Bắc.
Chị Bông, hộ lý, liền viết hết tên các tỉnh miền Bắc vào tờ giấy và chỉ tên từng tỉnh một cho bệnh nhân nhìn nhưng bệnh nhân cứ lắc đầu. Khi chỉ đến tỉnh Nghệ An, bệnh nhân mới gật. Nhưng hỏi đến huyện thì bệnh nhân phát âm không thể hiểu được và cũng không ai biết hết tên các huyện của Nghệ An.
Chị Nguyễn Thị Thu nấu thức ăn chay để phát cho bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện 175. |
Hôm sau, các chị hộ lý lại mang vào bộ chữ cái lắp ráp đổ ra giường, bảo bệnh nhân nhặt từng chữ ghép vào và ra tên huyện Kỳ Sơn. Thông tin cũng chỉ đến đó rồi tắc. Giữa tháng 7, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt hơn và nhớ được tên mình là Moong Văn Lấp, 19 tuổi, người dân tộc Khơ Mú. Nửa tháng sau, Lấp đột nhiên nhớ ra được số điện thoại của xã Mường Típ, nơi Lấp sinh sống trước đó.
Thông tin này lập tức được báo cho lãnh đạo Bệnh viện 175. Bệnh viện cho người gọi ngay về xã Mường Típ nhờ xác minh có người nào tên, tuổi như vậy không ở địa phương và nhờ báo tin cho thân nhân biết. Sau thời gian xác minh, cán bộ xã đã tìm được gia đình Lấp. Ngày 11/8, người nhà của Lấp đã đến Bệnh viện 175 nhận diện.
Sáng 14/8, tại khoa ngoại thần kinh, ai cũng bận rộn, tíu tít quanh Lấp. Lấp ngồi trên giường bệnh, mặt lơ ngơ nhìn mọi người sắp xếp đồ đạc đưa anh về quê. Từ các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, thân nhân người bệnh nằm cùng phòng, đến người thân của Lấp là chú họ Moong Văn Dư, em họ Moong Văn Dong... ai cũng vui.
Cưu mang
Bạn gái của Lấp âu yếm ngồi bên, cắt móng tay, móng chân cho Lấp. Ông Dư kể hai chú cháu cùng làm việc và ở chung với chủ tại một cơ sở may gia công tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Ngày 10/3, không thấy Lấp về nhà, ông cứ nghĩ Lấp bỏ đi làm việc ở chỗ khác. Sau mấy ngày tìm không thấy thì gọi điện thoại báo tin cho gia đình Lấp ở Nghệ An. Gia đình đã điện thoại hỏi thăm người quen khắp nơi nhưng Lấp vẫn biệt tăm.
Suốt mấy tháng nằm viện, Lấp được tập thể y bác sĩ của khoa hồi sức cấp cứu, khoa ngoại thần kinh của bệnh viện hết lòng điều trị, săn sóc, đặc biệt là bác sĩ Phan Đình Đôn và bác sĩ Cường. Mọi chi phí điều trị cho Lấp từ thuốc men, ăn uống, chẩn đoán, xét nghiệm, bệnh viện lo toàn bộ. Nhưng vất vả nhất là các chị hộ lý, điều dưỡng của khoa ngoại thần kinh. Suốt mấy tháng trời, các chị thay nhau tắm rửa, vệ sinh, thay tã cho Lấp mỗi khi tiêu tiểu như chăm sóc một người thân trong gia đình.
Lấp còn được các chị Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Anh và nhiều anh chị khác của nhóm bếp ăn từ thiện Bệnh viện Quân y 175 và thân nhân những bệnh nhân khác cưu mang. Đầu tháng 5/2014, qua một bác sĩ của bệnh viện, chị Thu mới biết có hai bệnh nhân vô danh ở khoa ngoại thần kinh. Chị vội tìm đến.
Xót xa nhìn bệnh nhân “vô danh 1” đang nằm chờ chết, chị nghĩ nếu không giúp đỡ bệnh nhân “vô danh 2” thì bệnh nhân này rồi cũng như bệnh nhân “vô danh 1”. Sau thời gian bán rau ở chợ, chị tất tả vào bệnh viện lo cho Lấp bằng tất cả tình yêu của một người mẹ dành cho con. Nhờ những món ăn đầy đủ dưỡng chất của chị Thu nấu mang vào mỗi ngày, chỉ sau hai tháng Lấp đã tăng được năm ký, còn chị Thu thì sụt mất... bốn ký.
Nhiều người hỏi Lấp về quê có nhớ "mẹ Thu" không, sau này vào Sài Gòn có đến thăm "mẹ Thu” không, Lấp gật đầu, ngọng nghịu nói “có”. Em họ Moong Văn Dong mắt rưng rưng, nghẹn ngào mãi mới nói được mấy câu: “Chưa bao giờ con gặp người nào tốt như mẹ Thu. Con không biết nói gì, làm gì để đền ơn mẹ Thu”. Dong cho biết “mẹ Thu” và mấy cô trong nhóm từ thiện đã mua ba vé ôtô giường nằm cho mấy chú cháu về Nghệ An, còn cho thêm cả quần áo, sữa, thuốc và 7 triệu đồng.
Tấm lòng từ thiện
Hơn ba năm qua nhóm từ thiện của chị Thu (gồm 14 chị) đã mở rộng vòng tay cưu mang rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các chị không giàu, cuộc sống vừa đủ ăn đủ mặc, có người nhà ở còn phải đi thuê, hằng ngày ra chợ bán rau kiếm sống nhưng vẫn tự nguyện quyên góp mỗi người một tháng 500.000 đồng để duy trì bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện 175.
Chị Thu tâm niệm: “Có duyên tới đâu thì làm tới đó, khi nào hết tiền thì thôi”. Thế nhưng nhờ có bạn bè, mạnh thường quân ủng hộ nên nhóm từ thiện của chị mỗi tháng được hỗ trợ thêm hơn chục triệu đồng để xoay xở chi phí làm từ thiện. Rất rõ ràng, ai đóng góp bao nhiêu tiền, gạo, thực phẩm... chị đều lên Facebook thông báo, ghi sổ rõ ràng chi xuất bao nhiêu, cuối tháng công bố cả nhóm cùng biết.
Chị Thu nói sẽ lo chuyện hậu sự cho bệnh nhân “vô danh 1”, hòm và quần áo liệm chị đã chuẩn bị sẵn. Chị muốn khi ông mất phải có quần áo đàng hoàng như bao nhiêu người có gia đình chứ không phải bất hạnh và đưa xác đi thiêu rồi gửi tro cốt vào chùa.
Một tuần chị Thu và bạn bè trong nhóm vào bệnh viện nấu cơm từ thiện hai ngày (thứ tư nấu mặn, chủ nhật nấu chay) với vài trăm suất phục vụ bệnh nhân ở ba khoa ung thư, bỏng và thận. Không chỉ nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo, tháng nào nhóm từ thiện của chị Thu cũng hỗ trợ tiền, thuốc cho 2-3 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.