Zing trích dịch bài đăng trên Inkstone về nỗi lo của nhiều sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ giữa bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc gia tăng do dịch Covid-19.
Yue Qu không ngờ mình sẽ phải trải những tháng cuối của năm đầu đại học trong căn phòng ở khu ký túc vắng vẻ tại California, Mỹ.
Nhưng anh chẳng có nhiều lựa chọn. Dù nỗ lực đặt nhiều vé về quê nhà ở Thành Đô, Trung Quốc, các chuyến bay liên tục bị hủy vì lệnh hạn chế đường hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 đang leo thang.
"Tôi đặt được hai vé vào tháng 5 nhưng không chắc những chuyến bay này có hoạt động không. Chẳng có lý do gì để tôi ở đây cả, thật căng thẳng khi ở đây một mình", Yue Qu nói.
Yue Qu nằm trong số khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học tại Mỹ, nhóm sinh viên nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này.
Nhiều sinh viên Trung Quốc và sinh viên châu Á nói chung là nạn nhân của phân biệt chủng tộc khi học tập tại Mỹ. Ảnh: AP. |
Không rõ bao nhiêu người còn ở lại hay đã về nước để học online, nhưng nhiều sinh viên Trung Quốc chia sẻ đại dịch này gây ra nhiều tác động đến họ hơn là chỉ gián đoạn các kế hoạch học tập và du lịch. Đặc biệt, họ phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ngày càng nghiêm trọng.
Giữa tình cảnh này, nhiều sinh viên Trung Quốc không khỏi lo lắng về tương lai của mình trên đất Mỹ.
Một sinh viên tốt nghiệp ở Tennessee cho biết khi đang đi mua đồ tạp hóa, anh tình cờ nghe thấy hai người đàn ông gọi mình là "virus Trung Quốc".
"Sau khi cụm từ đó bắt đầu được sử dụng trên mạng xã hội, tôi bị hai người đàn ông Mỹ gọi như vậy khi bước ra khỏi xe và đeo khẩu trang", anh nói.
Nam sinh viên chia sẻ việc đeo khẩu trang khiến bản thân cảm thấy được an toàn, nhưng gốc gác nơi sinh ra lại đang khiến anh gặp nguy hiểm.
"Điều đó khiến tôi thay đổi nhận định về Mỹ. Tôi hy vọng mình có thể được tôn trọng và không bị tấn công khi sống ở đây. Thành thật mà nói, sống ở Mỹ bây giờ khiến tôi cảm thấy không an toàn", nam sinh viên giấu tên chia sẻ.
Nhiều người Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm về các du học sinh châu Á. Ảnh: AFP. |
Sự gia tăng nạn phân biệt chủng tộc đối với người châu Á và người Mỹ gốc Á ở Mỹ đã được ghi nhận. Theo ABC News, FBI đã cảnh báo về sự gia tăng tội ác thù địch đối với người Mỹ gốc Á trong một báo cáo tình báo gửi cho các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc.
Theo một phân tích được công bố vào ngày 8/4, khi theo dõi các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội, Viện nghiên cứu truyền nhiễm (Mỹ) phát hiện ra sự gia tăng nhanh chóng trong việc thù ghét dân tộc và bài Trung Quốc trên nhiều diễn đàn phổ biến.
Một nền tảng theo dõi việc phân biệt đối xử liên quan đến virus corona được thành lập vào cuối tháng 3 cũng ghi nhận hơn 1.000 báo cáo sự cố trong 2 tuần.
Để tránh trở thành nạn nhân, nhiều sinh viên Trung Quốc cho biết họ đã thay đổi thói quen hàng ngày của mình.
Eva Chen, một sinh viên mới tốt nghiệp hiện làm việc tại New York, quyết định không đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm để tránh thu hút sự chú ý.
Cô cảm thấy sự gia tăng của nạn phân biệt chủng tộc có liên quan đến những chỉ trích của Mỹ về việc Bắc Kinh quản lý tình hình dịch, dẫn đến việc một số cá nhân bắt đầu đổ lỗi cho người Trung Quốc.
Nhiều sinh viên Trung Quốc không dám đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng vì sợ kỳ thị. Ảnh: Getty. |
Lyujiang Chen- sinh viên năm 2 Đại học New York - ngừng hẳn đi tàu điện ngầm sau khi nghe câu chuyện về những người bạn bị quấy rối vì đeo khẩu trang trên tàu.
Nam sinh viên nói mình yêu New York và hy vọng được làm việc ở đây sau khi tốt nghiệp, nhưng anh cũng lo lắng về việc bản thân sẽ được đối xử như thế nào.
"Điều mà tôi quan tâm là ý kiến của người dân bản địa về Trung Quốc như thế nào. Họ có nghĩ bởi vì dịch bùng phát ở Trung Quốc nên nước tôi phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này không? Đó là điều tôi lo lắng", Chen nói.
Calvin Lei, sinh viên Đại học Vassar ở New York, cho biết bản thân cảm nhận được vẫn có nhiều người Mỹ dành cho mình tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, chứng kiến sự phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng và sự bất bình đẳng trong hệ thống y tế đã khiến anh hiểu hơn nhiều về đất nước mình đang sinh sống.
"Điều đó khiến tôi có thêm suy nghĩ về việc ở lại đây. Mỹ vốn tự hào là đất nước của tự do và sự đa dạng, nhưng nạn phân biệt chủng tộc ở đây không phản ánh tinh thần đó", Lei nhận xét.