Bão 12 càn quét, mưa lớn kéo dài làm sạt lở núi, chia cắt giao thông khiến hàng nghìn người dân vùng cao Quảng Ngãi phập phồng sống trong lo sợ đất, đá vùi lấp, uy hiếp tính mạng.
Sau bão số 12, mưa lớn liên tục kéo dài khiến tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng hơn trên tuyến Tỉnh lộ 622B từ huyện Trà Bồng đi Tây Trà; gây chia cắt giao thông từ trung tâm huyện về các xã ở vùng cao Tây Trà.
Ông Hoàng Như Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết mưa lớn kéo dài làm xuất hiện hàng chục điểm sạt lở núi nghiêm trọng trên tuyến Tỉnh lộ 622B từ đèo Eo Chim về trung tâm huyện. Tuyến đường huyết mạch về các xã cũng xuất hiện 8 điểm sạt lở núi gây chia cắt giao thông, trong đó xã Trà Xinh bị cô lập hoàn toàn hơn 3 tuần qua khiến cuộc sống 750 người dân lâm cảnh khốn khó.
Núi sạt lở gây hỏng nặng ngôi nhà bà Hồ Thị Nguyện (ngụ xã Trà Phong, huyện Tây Trà). "Tuần trước, đất, đá từ trên núi ầm ầm đổ xuống gây sập vách phía sau nhà, mái ngói rơi vỡ vùi lẫn trong bùn đất. May mà hai vợ chồng cùng các con kịp chạy ra ngoài thoát chết", bà Nguyện kể lại.
Bà Nguyện thất thần lo âu bên ngôi nhà dưới chân núi lở. "Mưa lớn những ngày qua, vợ chồng và các con tôi phải sơ tán đến nhà bà con dân làng sống tạm vì lo sợ núi tiếp tục sạt lở vùi lấp mất mạng", bà cho biết thêm.
Hàng trăm khối đất, đá đổ ập xuống vùi lấp ngôi nhà vợ chồng ông Châu Nguyễn Thương ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong. "Mùa mưa lũ năm ngoái núi lở cũng gây sập hoàn toàn ngôi nhà. Năm nay, đất, đá lại trôi xuống gây sụp vách, phá nát 2/3 ngôi nhà của tôi. May mà hai vợ chồng kịp chạy ra ngoài thoát thân", ông Thương bộc bạch.
Căn nhà ông Thương bỗng chốc trở thành đống đổ nát, gạch vỡ vùi trong bùn đất sau trận lở núi hôm bão số 12 quét qua.
Liệt kê hàng loạt vụ lở núi kinh hoàng sau bão số 12, ông Hồ Văn Quân (ngụ xã Trà Khê, huyện Tây Trà), cho rằng dân làng còn ám ảnh vụ lở núi chiều ngày 7/11 hất văng ba thanh niên đang chạy xe máy trên tuyến đường Trà Phong - Trà Thanh trôi xuống dòng suối Tiên cuồn cuộn nước lũ chảy xiết. "Hai thanh niên bơi được vào bờ, còn Hồ Văn Vin (ngụ Trà Khê) vừa kêu cứu thảm thiết vừa đu bám vào bụi lồ ô bị nước lũ quăng quật trôi dạt 2 km. Rất may ba thanh niên thoát chết, còn hai xe máy bị lũ cuốn trôi biệt tăm", Quân thuật lại.
Núi lở cô lập hoàn toàn suốt hơn 3 tuần qua, dân làng xã Trà Xinh vượt núi, băng rừng qua điểm sạt lở nguy hiểm kiếm củi, hái rau hoặc đi bộ hơn 10 km về trung tâm huyện Tây Trà mua nhu yếu phẩm cho sinh hoạt gia đình.
Cán bộ công chức cũng đi bộ vượt núi, băng rừng qua điểm sạt lở nguy hiểm từ trung tâm huyện đến xã Trà Xinh làm việc. Ông Hồ Văn Tuấn (ngụ xã Trà Phong) mỗi lần đi qua điểm sạt lở núi phập phồng lo sợ đá tảng từ trên cao bất ngờ lăn xuống đè chết nhưng vì công việc nên phải đi.
Ngày 28/11, tuyến đường Trà Phong về xã Trà Thanh vẫn còn nhiều điểm sạt lở núi gây ách tắc giao thông. Người dân phải dừng lại đợi xe xúc, xe ủi giải phóng đất, đá hàng giờ ở những địa điểm sạt lở núi nơi đây.
Đá tảng nặng hàng chục tấn từ trên núi cao lăn xuống nằm ngổn ngang trên tuyến Tỉnh lộ 622B từ huyện Trà Bồng đi Tây Trà.
Đá tảng chiếm gần 2/3 lòng đường trên tuyến Tỉnh lộ 622B trở thành 'cái bẫy' nguy hiểm cho người đi đường.
Cơ quan dựng biển cảnh báo đường sạt lở nhằm giảm thiểu nguy hiểm cho người đi đường.
Sau bão 12, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi phối hợp các địa phương huy động nhân lực, phương tiện khoan, dùng mìn phá đá nỗ lực khai thông những điểm ách tắc giao thông do sạt lở núi.
Nhiều ngày qua, huyện Tây Trà huy động nhiều xe xúc, xe đào tập trung giải phóng điểm sạt lở núi nghiêm trọng gần cầu sông Tang từ thôn Trà Nga (xã Trà Phong) đi xã Trà Xinh. Lãnh đạo địa phương này lo ngại, núi tiếp tục sạt lở kéo theo đất, đá vùi lấp khiến việc khai thông, giải phóng đường ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Điều này đồng nghĩa gần 526 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu
ở xã Trà Xinh lâm cảnh cô lập kéo dài, cuộc sống dân làng nơi đây càng khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm nhất là vận chuyển người bệnh lên tuyến trên cấp cứu.
Huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi), nơi xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng. Ảnh: Google Maps.
Vụ sạt lở núi tại xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) đã vùi lấp 5 người trong gia đình và 3 người khác cùng xóm. Lực lượng chức năng đang tìm kiếm những người mất tích còn lại.
Sáng 10/11, trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines) xuất hiện cơn bão mới có tên quốc tế là Toraji. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/h), giật cấp 12.