Nhận biết cơn sốt như thế nào?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể. Đây thường là một dấu hiệu của nhiễm trùng.
Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng khi mới có dấu hiệu sốt. Thông thường không cần điều trị khi bị sốt nếu người bệnh không có các triệu chứng nguy hiểm.
Để phân biệt giữa sốt và không sốt, cách tốt nhất là theo dõi nhiệt độ cơ thể. Trong đó, người bình thường có mức trung bình là 37 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể chúng ta có thể dao động từ 36,1-37,2 độ C hoặc hơn.
Sự thay đổi này tùy thuộc vào việc hoạt động của từng cá nhân hoặc thời gian khác nhau trong ngày. Thông thường, người cao tuổi có nhiệt độ thấp hơn so với người trẻ tuổi.
Bác sĩ Chính cho hay, người bị sốt sẽ có nhiệt độ tại trực tràng, tai hoặc động mạch thái dương từ 38 độ C trở lên. Nhiệt độ đo tại miệng sẽ là mức từ 37,8 độ C trở lên, còn tại nách là 37,2 độ C.
Khi nào cần điều trị sốt?
Vẫn theo bác sĩ Chính, điều trị sốt không làm rút ngắn song cũng không làm kéo dài quá trình bệnh. Khi người bệnh cảm thấy ốm, mục đích điều trị nhằm giúp họ giảm khó chịu và khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn.
Riêng với trẻ nhỏ, thậm chí khi bị sốt khá cao, người lớn vẫn có thể không nhận thấy do dấu hiệu ít đặc trưng.
Do đó, các bố mẹ cần quan sát kỹ con mình. Nếu trẻ thấy không thoải mái hoặc bồn chồn, trước tiên, bạn nên khuyến khích trẻ uống nước, cho con mặc quần áo nhẹ và thoáng mát. Trong trường hợp, trẻ cảm thấy ớn lạnh, bạn có thể đắp chăn nhẹ cho trẻ đến khi hết ớn lạnh.
Về thuốc uống tại nhà, bạn chỉ nên cho trẻ uống thuốc acetaminophene (Tylenol...) hoặc ibuprofen (Advil...) nhưng phải theo chỉ dẫn trên nhãn. Song, trẻ dưới 6 tuần tuổi không được dùng các loại thuốc này. Lưu ý tuyệt đối không dùng aspirin cho người dưới 18 tuổi.
Với người lớn sốt từ 39-40 độ C sẽ dễ nhận biết hơn trẻ em. Khi đó, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như trên.
Khi nào cần đi khám?
Bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo, các trường hợp cần đi khám vì sốt bao gồm:
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi và có sốt.
- Trẻ em từ 3-6 tháng có sốt lên đến 38,9 độ C kèm theo cáu gắt bất thường, thờ ơ hoặc khó chịu.
- Trẻ em từ 3-6 tháng tuổi có sốt từ 38,9 độ C
- Trẻ em từ 6-24 tháng tuổi có sốt trên 38,9 độ C kéo dài hơn một ngày nhưng không có triệu chứng khác.
- Trẻ em từ 2-17 tuổi có sốt lên đến 38,9 độ C, cáu gắt bất thường, thờ ơ và khó chịu.
- Trẻ em từ 2-17 tuổi có sốt trên 38,9 độ C kéo dài hơn 3 ngày hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị.
- Người lớn có sốt nhưng không đáp ứng thuốc điều trị, sốt liên tục 39,4 độ C hoặc sốt liên tục trong 3 ngày.
Đặc biệt, cần đi khám cấp cứu ngay lập tức nếu trẻ em bị sốt sau khi bị bỏ trong ô tô nóng hoặc trẻ sốt không đổ mồ hôi, đau đầu dữ dội, co giật, đau cổ, lú lẫn. Với người lớn, bất cứ triệu chứng đáng lo ngại, khác thường và bất thường cũng đều cần đi khám cấp cứu.