Mới đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, thông tin đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng.
Gần nhất, một bệnh nhân nam 83 tuổi tiền sử tăng huyết áp, khởi phát bệnh 10 ngày trước vào viện với biểu hiện sốt cao, có cơn rét run kèm theo đau đầu và ho. Người bệnh đã được điều trị tại bệnh viện huyện và tỉnh với chẩn đoán viêm phổi - phế quản, suy tim nhưng không đỡ, ngày càng nặng hơn.
Bệnh nhân được chuyển đến khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức trong tình trạng ý thức lơ mơ, kích thích vật vã, sốt cao liên tục, huyết áp tụt thấp, khó thở. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một vết loét điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng bìu với kích thước 1x1,5 cm, hình bầu dục, vẩy thâm.
Bác sĩ Đỗ Văn Đông, Việm Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sốt mò biến chứng suy đa tạng (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu). Người bệnh được áp dụng các biện pháp điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch nâng huyết áp,...
Sau 7 ngày điều trị, người bệnh hết sốt, bỏ được máy thở và rút ống nội khí quản, ngừng thuốc vận mạch, chức năng gan thận cải thiện. Bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày trong tình trạng đã hồi phục hoàn toàn.
Sốt mò (scrub typhus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước vùng nhiệt đới - cận nhiệt đới. Ảnh: Zeckenstich. |
Theo bác sĩ Đông, sốt mò (scrub typhus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước vùng nhiệt đới - cận nhiệt đới. Bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết và phát ban, vết loét ngoài da đặc trưng do ấu trùng mò đốt, sưng đau hạch ngoại vi gần nơi vết loét.
Tác nhân gây sốt mò là Orientia tsutsugamushi, một loại vi khuẩn gram âm thuộc họ Rickettsiacea. Nguồn bệnh và trung gian truyền bệnh là loài mò Leptotrombidium. Bệnh sốt mò lưu hành ở những nơi có cây cỏ thấp, là sinh cảnh tự nhiên của quần thể mò, chuột, thường ở vùng nông thôn.
Bệnh thường xuất hiện lẻ tẻ, có thể gặp quanh năm, cao điểm là các mùa như xuân, hè, thu. Chẩn đoán sốt do mò đôi khi khá dễ dàng nếu phát hiện người bệnh có vết loét đặc trưng do ấu trùng đốt ngoài da, tuy nhiên lại hay bị bỏ sót vì vết loét thường nằm ở vùng kín đáo của cơ thể và không đau.
Điều trị sốt mò bao gồm kháng sinh đặc hiệu, thường là doxycycline hoặc chloramphenicol và các điều trị hỗ trợ khác tùy theo mức độ tổn thương các cơ quan.
"Nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong", bác sĩ Đông cho hay.