PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay sốt mò thường xuất hiện ở một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, bệnh xảy ra ở cả vùng thành thị lẫn nông thôn, miền núi, thường vào mùa mưa và nóng, thời điểm từ tháng 5-10.
Ấu trùng sốt mò. Ảnh: Thiên Lam. |
Sốt mò nguy hiểm ra sao?
Nguyên nhân gây bệnh là ấu trùng sốt mò. Loại này hay ký sinh ở những con vật có xương sống, một số loại chim. Những con vật đó có thể để lại ấu trùng trên bụi cây, bụi cỏ và truyền lại cho người.
“Sốt mò là bệnh do Rickettsia (một loại trung gian giữa virus và vi khuẩn) gây ra. Khi tiếp xúc qua đường da, chúng làm xuất hiện không những tổn thương tại chỗ (mụn nước, loét da,...) mà còn gây sốt rất cao, nổi hạch toàn thân, gây các tổn thương ở các cơ quan nội tạng bên trong như tim, gan, phổi, thận... Lý do là nó tiết ra các hoạt chất hóa học, giải phóng các chất có thể gây rối loạn đông máu và các tổn thương khác, gây ra tình trạng khá nặng, có thể gây tử vong cho bệnh nhân”, PGS Đoàn cảnh báo.
Sau khi dính ấu trùng sốt mò, sau vài tiếng đến vài ngày, bệnh nhân sẽ có tổn thương trên da đầu tiên, sau đó sốt rất cao, dần nổi hạch toàn thân, tổn thương các cơ quan nội tạng khác.
Theo chuyên gia, đây là một bệnh do ký sinh trùng gây ra nhưng rất nặng, cần phải được lưu ý. Khi xuất hiện sốt rất cao, đau nhức người, có tổn thương ở da, người bệnh lập tức phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc mới giải quyết được nếu mắc bệnh sốt mò.
Để phòng bệnh, cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò… Người đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc túm chặt ở ống quần, mang giày, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo hoặc đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi làm về, nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Bệnh nhân sốt mò thường bị sốt lâu ngày, dễ bị rối loạn nước và điện giải, nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó khi có biểu hiện nghi ngờ, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
3 dấu hiệu tố của sốt mò
Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý. Sau vài ngày người bệnh sẽ có biểu hiện:
Sốt cao trên 38-40 độ C, liên tục, kéo dài, có khi rét run 1-2 ngày đầu, kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
Nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò): Thường xuất hiện ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ,… đôi khi ở vị trí trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).
Đặc điểm của nốt loét là không đau, không ngứa. Người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2-3 nốt, hình tròn hay bầu dục, đường kính từ 1 mm tới 2 cm; có vảy đen, cứng, phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng, nếu vảy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch, không tiết dịch, không có mủ.
Hạch và ban rát sẩn: Hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2-3 ngày. Ban rát sẩn mọc cuối tuần thứ nhất, đầu tuần thứ hai, mọc khắp người, trừ lòng bàn tay, bàn chân, tồn tại vài giờ đến một tuần, đôi khi có đốm xuất huyết…