Theo Variety, vụ hàng loạt người tham gia Squid Game: The Challenge (show do nước Anh sản xuất, dựa trên bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc) một lần nữa cho thấy hiểm họa đằng sau quá trình sản xuất chương trình truyền hình thực tế.
Time cho rằng truyền hình thực tế không chỉ định hình lại thế giới, làm thay đổi toàn bộ nền văn hóa, mà còn tác động tiêu cực đến cả người chơi lẫn hàng tỷ khán giả theo dõi qua màn hình.
Nỗi khổ khi tham gia show thực tế
Đầu tháng 2, John, Marlene và một người chơi tố Netflix - đơn vị đứng sau Squid Game: The Challenge - đưa ra điều kiện vô nhân đạo, yêu cầu quay hình dưới thời tiết âm độ C nhưng không đảm bảo các biện pháp bảo vệ.
The Sun sau đó xuất bản bài báo "Trò chơi con mực kinh dị ở Vương quốc Anh", miêu tả cách các thí sinh bị bỏ mặc lạnh cóng ra sao trong nhà chứa máy bay ở Bedford, miền Đông nước Anh. Trong khi John kể bị chóng mặt và "đầu đau như búa bổ", Marlene thấy khoảng 4 người bị ngất. Sau khi đội ngũ y bác sĩ được gọi đến lần thứ 11, tất cả thí sinh mới được nghỉ ngơi vì quá lạnh.
"Đây không phải chương trình sống còn của Bear Grylls. Nếu nhà sản xuất thông báo trời sẽ lạnh như vậy, không ai phải ngất xỉu", John bức xúc.
Hàng loạt người chơi Squid Game: The Challenge ngất xỉu vì thời tiết quá lạnh. Ảnh: Los Angeles Times. |
Trong Splash!, người chơi được đào tạo để thực hiện các pha lặn kiểu thi đấu như vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng tất nhiên, vì chỉ được huấn luyện trong thời gian ngắn, họ không thể nào sánh với sự khổ luyện lâu năm của vận động viên. Đó là lý do khiến Rav Wilding gặp nạn.
Người chơi này đã bị đứt gân kheo chân trái, tắc mạch phổi và buộc phải hủy bỏ lễ cưới để chữa trị. Theo The Guardian, Wilding đã đệ đơn kiện nhà sản xuất, yêu cầu bồi thường.
Wipeout (do Mỹ sản xuất) thuộc thể loại thể thao vận động, vượt chướng ngại vật. Áp lực và loạt thử thách khó nhằn của show bào mòn sức khỏe người chơi. Một thí sinh đã chết vì ngừng tim vào tháng 11/2020 sau khi ghi hình. Hồi năm 2009, một người chơi khác cũng qua đời khi tham gia show này.
Nhiều chương trình truyền hình thực tế trên thế giới giúp khán giả giải trí bằng cách khai thác nỗi sợ hãi. Song, một vài show đã đi quá xa, khiến thí sinh gặp tai nạn.
Thí sinh Susanne Ohman đã kiện MC Steve-O vì làm cô chấn thương khi tham gia Killer Karaoke. Dựa trên bản gốc của Anh mang tên Sing If You Can, Killer Karaoke bản Mỹ được sản xuất với độ kinh dị cao gấp nhiều lần. Trong vòng 90 giây thể hiện bài hát, các thí sinh còn phải vượt qua thử thách kinh dị mà nhà sản xuất đặt ra.
Để tạo hiệu ứng hài hước, Steve-O ấn nút xịt nước vào mặt Ohman khi thí sinh đang cố thực hiện thử thách. Hậu quả là cô bị sặc nước, rồi trượt chân và ngã xuống đất. Theo đơn kiện của Ohman, cú va đập khiến cô bị tổn thương "xương chày, xương bánh chè, dây chằng, đầu gối, cẳng chân", cũng như suy giảm "cơ bắp, hệ tuần hoàn máu và đốt sống".
Susanne Ohman bị tổn thương khi tham gia show Killer Karaoke. |
Tháng 12/2010, một show tìm kiếm tài năng nổi tiếng của Đức khiến khán giả trong buổi ghi hình trải qua phen "thất kinh" khi chứng kiến tai nạn ghê rợn. Thí sinh nam xấu số thực hiện phần thi tài năng có tên Samuel Koch, từng làm diễn viên đóng thế.
Koch thể hiện hành động bay qua những chiếc ôtô đang chạy ở tốc độ cao. Nạn nhân gặp đa chấn thương và số phát sóng sau đó bị hủy. Tuy nhiên, vụ việc vẫn được truyền thông biết đến qua một video rò rỉ trên mạng.
Tác động tiêu cực đến người xem
Steven Reiss, nhà tâm lý học của Đại học bang Ohio, cho biết những người đam mê show thực tế vì cảm giác như chính mình được chinh phục, trải nghiệm thử thách. Tuy nhiên, số khác theo dõi vì muốn thấy người khác bị sỉ nhục, hay còn gọi là "schadenfreude" (cười trên nỗi đau của người khác).
Ngày càng nhiều chương trình theo đuổi nội dung bạo lực, mạo hiểm, đã biến địa hạt vốn từng được xem là món ăn tinh thần để giải trí, trở thành hiểm họa, tạo cơ hội cổ xúy hành vi trái đạo đức.
Puck - một trong những người chơi đầu tiên của Real World do MTV sản xuất - thường xuyên ngoáy mũi và buông lời tục tĩu kỳ thị đồng tính với người bạn cùng phòng. Theo các nhà tâm lý học, hành vi của Puck đã biến văn hóa đại chúng thành "bãi chứa những hành vi vô đạo đức".
The Real Housewives và Jersey Shore được xem là 2 chương trình độc hại, có thể làm gia tăng sự hung hăng, lòng thù hận và tự ái ở người xem. Kết quả nghiên cứu của Đại học Trung tâm Michigan cho biết khán giả hung hăng hơn sau khi xem các show có chứa từ ngữ hoặc hành động gây hấn như 2 chương trình kể trên.
Tình huống drama trong Jersey Shore có thể làm gia tăng sự hung hăng cho người xem. Ảnh: Jersey Shore. |
Quỹ Sức khỏe Tâm thần (Mental Health Foundation) từng khuyến cáo công chúng hạn chế xem Love Island vì show hẹn hò này gây lo lắng ở người trẻ. 25% khán giả xác nhận họ suy nghĩ tiêu cực chỉ vì theo dõi chương trình do ITV sản xuất.
Trong cuộc khảo sát về mức độ xem truyền hình thực tế khác nhau của nhóm thanh niên 16-24 tuổi được SWL thực hiện, 50% xác nhận các show thực tế đã ảnh hưởng đến hình ảnh cơ thể của họ. Hơn 55% cho biết họ còn mông lung về những tác động tâm lý tiềm tàng.
Khảo sát cũng tiết lộ rằng 40% người không nhận thấy bất kỳ thay đổi hành vi nào ở bản thân sau khi xem truyền hình thực tế, nhưng đến 60% thấy bản thân "hung hăng, cáu kỉnh, tự cao tự đại và lo lắng nhiều hơn".
Mặc dù tạo ra những tác động xấu, nhiều show thực tế vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng có nội dung táo bạo hơn để làm thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ của khán giả. Đó là chưa kể không phải ai, đặc biệt người trẻ, cũng cưỡng lại được sức hấp dẫn từ cát-xê của một chương trình truyền hình.
Như John chia sẻ với Variety, anh quyết định casting tham gia Squid Game: The Challenge chỉ vì nhắm tới giải thưởng khổng lồ trị giá 4,56 triệu USD.
Theo People, sức hút của tiền và sự nổi tiếng tức thời được thể hiện rõ ở người trẻ ngày nay. 10% thanh thiếu niên Anh sẵn sàng từ bỏ cơ hội được học hành đàng hoàng nếu có thể trở thành ngôi sao truyền hình thực tế.
Suy nghĩ lệch lạc kiểu này, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất truyền hình, đã và đang làm dấy lên mối lo ngại lớn trong xã hội.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.