Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe tại một cuộc họp báo vào tháng 4/2022. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đang yêu cầu các chủ nợ nước ngoài miễn 30% khoản tiền mà chúng tôi đã vay từ họ nhưng điều này vẫn đang được thảo luận", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/6.
Theo Reuters, Sri Lanka đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948. Theo đó, dự trữ ngoại tệ của nước này đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, buộc Sri Lanka phải tuyên bố vỡ nợ vào năm 2022.
Ngoài những nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ quốc tế, Sri Lanka cũng đang đề nghị chủ sở hữu của các loại trái phiếu khác trả bằng đồng USD có sự nhượng bộ tương tự.
Là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ trong nước lên tới 42 tỷ USD, quốc gia Nam Á sẽ chuyển đổi các tín phiếu kho bạc thành trái phiếu dài hạn.
Ông Weerasinghe cho biết theo kế hoạch tái cấu trúc nợ mới, chủ sở hữu của những trái phiếu bằng đồng USD như Trái phiếu Phát triển Sri Lanka (SLDB) sẽ có 3 lựa chọn.
Trong đó, phương án đầu tiên giống với lựa chọn cho những người sở hữu trái phiếu chính phủ nước ngoài, đó là cắt giảm 30% tổng giá trị trái phiếu sở hữu. Phần giá trị còn lại sẽ được Sri Lanka thanh toán trong 6 năm với mức lãi suất là 4%.
Sri Lanka đã phát hành lượng trái phiếu chính phủ quốc tế với trị giá là 12,5 tỷ USD.
Cam kết sẽ giải quyết được gánh nặng nợ công theo hướng bền vững, chính phủ Sri Lanka đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính lên tới 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 3. Kế hoạch tái cấu trúc nợ trong nước là cần thiết để Sri Lanka đạt mục tiêu do IMF đặt ra là giảm tổng nợ của nước này xuống mức 95% GDP vào năm 2032.
Cũng trong ngày 29/6, Ngân hàng Thế giới đã phê chuẩn khoản hỗ trợ phúc lợi xã hội và ngân sách trị giá 700 triệu USD cho Sri Lanka. Đây là khoản hỗ trợ tài chính lớn nhất mà quốc gia này nhận được kể từ thỏa thuận với IMF vào tháng 3.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.