Maxime Nory (32 tuổi, sinh viên ngành kinh doanh ở Lyon, Pháp) và bạn của mình bắt đầu nghĩ về việc thành lập công ty khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sau khi tìm hiểu nhiều lĩnh vực, họ quyết định chọn một thị trường hấp dẫn nhưng không mấy phổ biến: phục vụ người chết.
“Chúng tôi thấy rằng đây là khía cạnh mà không ai muốn tiếp xúc, thậm chí nhắc đến. Vì vậy, chúng tôi chọn nó, vừa muốn đổi mới suy nghĩ của mọi người, vừa là lĩnh vực mà chúng tôi quan tâm”, anh chia sẻ.
“Các doanh nghiệp dường như đang bỏ qua lĩnh vực này. Tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt cho mình”, Nory nói.
Trái ngược với dự đoán, ngày càng nhiều start up trẻ thành lập và phát triển các dịch vụ tang lễ trực tuyến tại Pháp. Ảnh: AdVitam. |
Với ý tưởng đó, vào năm 2011 Nory sáng lập và làm CEO của Simplifia, dịch vụ tang lễ trực tuyến với đội ngũ 22 nhân viên.
Công ty anh chuyên cung cấp phần mềm cho các doanh nghiệp tang lễ, giúp họ hợp lý hóa quy trình tổ chức lễ tang, cũng như dễ dàng làm việc trực tiếp với khách hàng.
Simplifia hiện có hơn 700 đối tác là các doanh nghiệp tang lễ tại Pháp.
Tương tự các quốc gia khác, dân số Pháp đang già đi, đồng nghĩa với số người chết cũng đang tăng lên. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng kinh doanh tang lễ sẽ là một ngành dịch vụ tăng trưởng trong tương lai.
Đổi mới một thị trường bảo thủ
Philppe Meyralbe (38 tuổi) quyết định tham gia lĩnh vực này sau khi tổ chức lễ tang cho bố mình.
Meyralbe cảm thấy việc tổ chức lễ tang theo kiểu truyền thống khá cồng kềnh và phức tạp. Ông không thể ở nhà để trấn an gia đình mình hay xử lý các thông tin liên quan đến sự qua đời của bố chỉ vì phải dành thời gian đến bàn bạc với công ty tang lễ.
Ông bắt đầu khởi nghiệp với AdVitam, công ty tổ chức lễ tang được xây dựng và quản lý bằng hình thức trực tuyến.
AdVitam không có văn phòng đại diện. Thay vào đó, khách hàng có thể đặt tổ chức lễ tang, mua quan tài và các vật phẩm liên quan qua email hoặc đường dây nóng của công ty.
Nhân viên còn giúp khách hàng khóa các tài khoản và mạng xã hội của người đã mất một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh tổ chức lễ tang, nhiều khách hàng còn yêu cầu công ty đặt mã QR lên bia mộ của người thân. Khi quét mã, người truy cập có thể xem được tiểu sử, những cột mốc, kỷ niệm đáng nhớ của người đã mất. Ảnh: QRmemorials. |
Một vài start up khác còn mang đến các nền tảng gọi vốn cộng đồng, tạo ra nước hoa dựa trên mùi hương của người mất và đặt mã QR trên bia mộ của người thân.
Dù rất hào hứng với những đổi mới, Richard Feret (62 tuổi) - chủ tịch của một doanh nghiệp tang lễ - cũng tỏ ra thận trọng.
Trong 5 năm qua, ông đã chứng kiến các công ty khởi nghiệp bị phá sản vì quá hào hứng đổi mới trong thị trường này.
Richard chia sẻ: “Khách hàng tìm đến hình thức tang lễ này vẫn còn khá bảo thủ. Các start up mang đến những ý tưởng đôi khi quá mới so với thói quen và hiểu biết của họ”.
Tạo dựng lòng tin liệu có dễ dàng?
Công ty khởi nghiệp của Meyralbe đã tổ chức thành công 1.500 đám tang kể từ khi ra mắt vào năm 2016. Start up này cũng huy động được 1,8 triệu euro từ các nhà đầu tư và được chọn vào vườn ươm doanh nghiệp lớn nhất châu Âu, Station F.
Theo Meyralbe, AdVitam được chọn vì đây là một dự án xã hội có giá trị mạnh mẽ và cung cấp dịch vụ thiết thực cho mọi người.
Còn đối với Simplifia, Nory nhận thấy việc thuyết phục các doanh nghiệp tang lễ mua phần mềm của mình ngày càng là một thách thức.
Mặc dù gia đình của những người quá cố luôn mong muốn các dịch vụ rẻ và thuận tiện hơn, nhưng thật không dễ lấy được sự tin tưởng từ họ.
Không chỉ chất lượng sản phẩm, các dịch vụ tang lễ ngày càng chú trọng đến sự tiện ích dành cho khách hàng. Ảnh: Alamy. |
“Các chuyên gia thị trường tang lễ ban đầu cũng bị bất ngờ bởi loại hình công ty khá mới. Một số người nghĩ rằng chúng tôi còn trẻ, sẽ không mấy hứng thú với lĩnh vực này và mau chóng bỏ cuộc, nhưng cuối cùng, sau vài năm, chúng tôi vẫn ở đây và lấy được sự tín nhiệm từ họ”, Nory chia sẻ.
Các nhân viên tại Simplifia và AdVitam có độ tuổi trung bình khoảng 30. Vì thế, Amélie Tolachides - quản lý khách hàng tại Simplifia - tin rằng đội ngũ này sẽ giúp ích cho việc đào tạo và phát triển công ty thông qua các phần mềm mới.
Meyralbe và Nory đang có kế hoạch mở rộng, giới thiệu các trải nghiệm mới. AdVitam gần đây đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ thân thiện với môi trường hơn cho các đám tang, trong đó có quan tài bằng bìa cứng tái chế.
“Chúng tôi không những mang đến những sản phẩm tốt đẹp, mà còn là những dịch vụ thực sự tiện ích. Đó là động lực làm việc mỗi ngày”, Nory nói.