Vĩnh Lộc và Phương Thảo gây nhiều tranh cãi với màn gọi đầu tư cho dự án thẻ game có hình các nhân vật lịch sử Việt Nam nhưng tạo hình lại giống Trung Quốc và Nhật Bản.
Xuất hiện ở tập 2, chương trình Shark Tank mùa 3, màn kêu gọi đầu tư một tỷ đồng cho 10% cổ phần của start up kinh doanh thẻ game có tên Sử Hộ Vương thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, trong Sử Hộ Vương, người chơi phải sưu tầm các quân bài có hình ảnh và thuộc tính khác nhau, lên chiến lược thi đấu để giành chiến thắng.
Bối cảnh, nhân vật trong Sử Hộ Vương đều là từ lịch sử Việt Nam với những cái tên quen thuộc như Nguyễn Ánh, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ hay Lý Chiêu Hoàng.
Tạo hình của các nhân vật này được nhận xét là mang đậm tính truyện tranh Nhật Bản, Trung Quốc khi có tóc vàng, khoe cơ bắp, thậm chí gợi dục.
|
Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo tới Shark Tank mùa 3 kêu gọi đầu tư cho game Sử Hộ Vương. Ảnh: Shark Tank Việt Nam. |
Phần lớn Shark đều đồng tình rằng các tạo hình trong Sử Hộ Vương là "lai căng, không ổn về mặt văn hóa" và khiến nhiều bạn trẻ tưởng tượng sai lệch về lịch sử.
Trên các diễn đàn, màn gọi vốn của hai bạn trẻ cũng nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, phần lớn là "ném đá".
"Chúng ta chưa ai thấy Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng hay Nguyễn Du nhưng từ nhỏ khi biết về lịch sử, những chiến công hay giai thoại của nhân vật đó chúng ta đều tự tạo nên một hình tượng cho nhân vật đó.
Như Hai Bà Trưng thì luôn gắn liền với voi, với hình tượng 2 tướng lĩnh uy nguy, không thể nói là chưa thấy rồi cho Hai Bà Trưng mặc áo 2 dây được", Võ Hùng, tự nhận là một người yêu thích lịch sử Việt Nam, gay gắt.
|
Tạo hình nhân vật trong Sử Hộ Vương gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Sử Hộ Vương. |
Theo Hùng, để gọi là "trò chơi giáo dục lịch sử" thì phải tôn trọng toàn bộ giá trị lịch sử, nếu muốn giữ lại tạo hình nhân vật như vậy thì nên đổi tên khác.
Nam Ngô đồng quan điểm: "Theo mình thấy thì các Shark nói đúng. Ý kiến cá nhân của mình cũng không chấp nhận dùng tên của các anh hùng lịch sử như vậy. Hoặc là thay đổi hoàn toàn về tên đi chứ không thể nào lấy tên các anh hùng ra đặt như vậy được. Mất hình ảnh thật sự".
|
Tạo hình nữ sĩ Hồ Xuân Hương bị coi là phản cảm, gợi dục. Ảnh: Sử Hộ Vương. |
Từng nhìn thấy loạt thẻ game Sử Hộ Vương trước đó, Khang Đoàn nhận xét đây là "sự pha tạp, mượn chỗ này đắp vào chỗ kia, người Việt không ra Việt mà Tây cũng chẳng ra Tây".
Nguyễn Khanh ghi nhận tinh thần của Sử Hộ Vương song cũng không đồng tình với tạo hình các nhân vật trong game.
"Ý tưởng khá tốt nhưng về hình tượng thì các bạn ấy đang làm mất đi giá trị lịch sử của Việt Nam khi vẽ những tấm thẻ chưa đúng về các nhân vật, hơi giống truyện tranh ở Nhật nên khá phản cảm", Nguyễn Khanh viết.
Cuối màn gọi vốn, Shark Liên cho biết sẽ đầu tư vào dự án này với điều kiện các founder nghe theo sự cố vấn của bà để giữ lại nguyên gốc lịch sử. Tuy nhiên, Phương Thảo từ chối lời đề nghị này và cho biết không muốn dự án bị thay đổi giá trị cốt lõi.
Hiện, chủ đề trang phục của các nhân vật lịch sử trong game Sử Hộ Vương vẫn liên tục được chia sẻ và thu hút nhiều bình luận trên các diễn đàn mạng.