Cuộc thi tìm kiếm tài năng biểu diễn môtô nghệ thuật Motul Stunt Fest mùa thứ tư vừa kết thúc tại Đà Nẵng. Kết quả chung cuộc, stunter Chollahii Kaewmol (Thái Lan) giành giải nhất. Đứng thứ hai là Saroj Sangonta cũng thuộc đoàn Thái Lan và thứ ba là Piseth Soeun đến từ Campuchia.
Dù tham gia số lượng áp đảo, các stunter Việt Nam không giành được giải và đành nhường phần thắng cho các tay đua nước bạn ngay trên sân nhà.
Nhìn chung chất lượng chuyên môn của cuộc thi năm nay được nâng cao hơn một bậc so với các năm trước. Trình độ stunter cũng đồng đều.
Theo các chuyên gia stunt, sở dĩ mặt bằng chung bộ môn stunt Việt Nam còn thua kém so với nước bạn bởi phong trào này chỉ mới manh nha vài năm trở lại đây, điều kiện tập luyện cũng như sân bãi không đáp ứng nhu cầu.
Stunter người Thái Lan có trình độ cao hơn hẳn so với Việt Nam. |
Motul cũng mở một số học viện stunt đào tạo các khóa ngắn ngày nhưng vẫn chưa đủ để các stunter Việt Nam cạnh tranh với những tay biểu diễn môtô nghệ thuật kỳ cựu trong khu vực.
Những năm trước đây, Motul Stunt Fest chỉ gói gọn trong khuôn khổ quốc gia, khiến stunter Việt Nam chưa có điều kiện thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ.
Thể thức thi đấu của cuộc thi năm nay không thay đổi so với các năm trước. Tất cả các stunter trẻ đều được thi đấu cùng nhau, không phân biệt hạng xe (hạng ruồi, sportbike hay nakedbike). Ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên các động tác kỹ thuật và độ khó của bài biểu diễn.
Những tay stunt mạo hiểm Việt Nam chưa đạt thành tích cao bởi thiếu sân tập luyện. |
Stunt là bộ môn biểu diễn môtô mạo hiểm. Những người biểu diễn môtô được gọi là stunter. Phong trào chơi stunt bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 2013 và phát triển mạnh tại khu vực phía Nam. Nhiều câu lạc bộ, hội nhóm stunt cũng được thành lập và tổ chức tập luyện, biểu diễn chuyên nghiệp.