"Tôi không nhận mình nấu ngon hay hiểu rõ ẩm thực, chỉ là một người đang tìm hiểu về nó và thấy thú vị. Không ngờ tôi nhận được phản hồi rất tốt từ mọi người. Nhiều bạn bè cũng hỏi cách nấu, nguyên liệu mua ở đâu. Dành thời gian trò chuyện với mọi người để cùng nhau nâng cao sức khoẻ là điều tôi thấy vui nhất dịp giãn cách này", Trần Đạt tâm sự với Zing.
Thực tế, 4-5 năm trước, anh đã bắt đầu tìm hiểu về các cách ăn kiêng vì có tạng người dễ mập. Lowcab, Keto hay ăn kiêng khem cực khổ anh đều thử qua. Lúc đó, anh vẫn chưa rõ khái niệm ăn eat clean, chỉ nghe nhiều người "chỉ gì làm đó".
Từ khi đợt dịch đầu tiên năm 2020 bùng lên, Trần Đạt bắt đầu ăn những thứ đơn giản trước như ngũ cốc, yến mạch, granola vào bữa sáng. Đợt giãn cách dài lần này ở TP.HCM là dịp để anh tìm hiểu kỹ hơn về eat clean nhằm cải thiện sức khỏe.
Eat clean là chế độ ăn sạch, sử dụng các thực phẩm sạch, không qua chế biến sẵn, có chất phụ gia, bảo quản và giữ nguyên bản chất tự nhiên của thức ăn.
Khi stylist trở thành người truyền cảm hứng
Trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, Trần Đạt chăm đạp xe. Anh đạp đi mua đồ, siêu thị và cảm thấy hứng thú làm việc này mỗi ngày. Dù chỉ mới duy trì được 10 ngày, anh thấy các cơ cũng săn chắc, nhất là vùng bụng và đùi. Sau đợt giãn cách anh mong bản thân có thể tiếp tục duy trì bộ môn này.
Hành trình đạp xe của Trần Đạt trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. |
Không còn gắn liền với chiếc xe đạp, Trần Đạt bắt đầu nấu ăn, tự chụp các món rồi đăng tải lên trang cá nhân. Anh nhận được phản hồi tích cực từ bạn bè, đồng nghiệp.
Theo quan điểm của Trần Đạt, phương pháp này không phải là ăn kiêng khem để giảm cân, ép cân. Anh cho rằng từ eat clean đúng với nghĩa đen của nó là ăn sạch, tìm các loại thực phẩm sạch, nguồn gốc hữu cơ, cách nấu ăn hạn chế dầu mỡ, chế biến nhiều công đoạn rắc rối.
Từ đầu tháng 7, Trần Đạt chỉ đặt nguyên liệu qua các ứng dụng mua sắm, kênh bán hàng trực tuyến để đảm bảo sức khỏe. Anh thấy cách đi chợ tại nhà này không khác nhiều so với việc tự đi. Thậm chí, các trang thương mại điện tử còn có các món đồ khô, gia vị đa dạng, giá rẻ hơn.
Mỗi lần mua, anh chọn đồ cho đủ một tuần ăn, bao gồm cả thực phẩm tươi sống.
Các món ăn do Trần Đạt tự nấu. |
Để rau không bị héo, bí quyết của Trần Đạt là rửa sạch, để ráo nước hoàn toàn rồi bọc bên ngoài bằng khăn giấy hoặc giấy báo. Sau đó, anh cho vào túi kín, bỏ vào ngăn mát (ngăn tủ dành riêng cho rau củ). Anh cho biết cách này giúp mình giữ rau được 7-10 ngày.
Đối với các loại củ, anh để nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt và ánh nắng mặt trời. Nếu để bên ngoài khoảng 3-4 ngày chưa dùng đến, anh mới bỏ vào tủ lạnh nhằm giữ được thêm khoảng 4-5 ngày nữa. Đó cũng là cách giúp anh tiết kiệm không gian trong tủ lạnh.
Chuộng các món không quá cầu kỳ
"Tôi hay chọn những món nhanh gọn nhất. Tôi hay nấu mỳ, miến, bún vì bản thân đam mê các loại sợi và cuốn. Tôi dùng tất cả dạng sợi nguyên cám, chiết xuất từ rau củ, tự nhiên. Nó có thể dùng nấu với nước soup hoặc xào. Tôi cũng thích các món chiên nướng, áp chảo nhưng sẽ hạn chế và dùng nồi chiên không dầu để chế biến", Trần Đạt chia sẻ thêm.
Thực đơn thường có trong một ngày của Trần Đạt:
Bữa sáng:
- Thức dậy sẽ uống một cốc nước lọc. Nếu có thời gian, dùng nước ấm với chút chanh.
- Sau đó, ăn sáng với hỗn hợp yến mạch, trái cây, yogurt, sữa hạt (sữa có thể tự nấu từ hôm trước), một lát phô mai.
Bữa trưa (bữa ăn nhiều nhất trong ngày):
- Có đa dạng món như mỳ cải kate soup rau củ nấu với gà, mỳ xào với rau củ, đùi gà nướng, thịt nướng, spaghetti bò hầm(sợi spaghetti nguyên cám) và còn nhiều các loại soup canh rau củ khác.
- Thường ăn một trong những món trên cho bữa trưa với lượng calo vừa phải.
Bữa xế:
- Thanh lọc cơ thể bằng một ly chè sen ít ngọt, một mẫu bánh ít calo hoặc trái cây tuỳ thích.
Bữa tối (ăn ít nhất):
- Ăn các loại salad trộn rau củ, trái cây, ít thịt.
Bên cạnh đó, anh còn tự nấu nước mát với các loại cỏ ngọt, bí đao, sâm rong biển không dùng đường để uống cả ngày. Nó giúp anh thanh lọc và thay thế nước uống đóng chai.
Trần Đạt tự nấu, bố trí chụp ảnh, chèn chữ và chia sẻ nó đến mọi người. |
Nói về món ăn thích nhất, anh chọn gà nấu ớt hiểm.
Chuẩn bị:
- Một con gà thảo dược (loại gà không kháng sinh, được nuôi thả, cho ăn các loại thảo dược sẽ rất ít mỡ và tốt cho sức khoẻ). Nếu không, vẫn có thể thay bằng gà bình thường.
- Rau củ các loại như carot đỏ, carot trắng, củ cải trắng, su hào, củ sắn, cải thảo, có thể cả bí ngô...
- Ớt hiểm. Chọn ớt xanh sẽ thơm hơn.
- Mỳ, miến, nui (có thể chọn các loại khác nhau như mỳ cải kate, mỳ sợi than tre, nui rau củ…) đem luộc và để ráo nước. Thời gian luộc tuỳ thuộc mỗi loại.
Bắt đầu nấu:
- Hầm gà để nấu nước ngọt với khoảng 3-4 lít nước lọc và ớt xanh, thêm chút muối hồng. Hầm đến khi gà mềm và nước dùng chuyển sang màu vàng nhẹ.
- Vớt gà ra rồi cho lên bề mặt da một ít gia vị như dầu hào, bột ớt, bột tỏi… Sau đó, đem đi nướng nhanh để bề mặt được vàng và da bông giòn lên.
- Nước hầm gà bỏ thêm rau củ vào hầm, chỉ nêm thêm muối hồng, ít nước mắm, không dùng bột ngọt. Nấu đến khi các loại rau củ mềm, bỏ gà đã nướng trở lại vào nồi.
"Nước soup gà nấu rau củ và ớt hiểm này có thể ăn với bất kì loại mỳ, miến, nui nào. Vậy đó, đây là món tôi thích ăn nhất. Tôi mong việc mình đang làm không chỉ là sự lan toả mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp mọi người chăm sóc bản thân tốt hơn trong mùa dịch này", Trần Đạt bày tỏ.