Ngày 4/2, người mẫu Chrissy Teigen hỏi fan của mình trên Twitter: "Thứ đắt tiền tệ hại nhất mà bạn từng ăn là gì?".
Ngay sau đó, Teigen đã kể về lần tiêu hoang đáng tiếc nhất của cô và ông xã John Legend. Đó là một ly rượu Cabernet có vị dở tệ được bán với giá 13.000 USD tại một nhà hàng cao cấp.
Tuy nhiên, thay vì cảm thông với trải nghiệm đáng thất vọng của người mẫu Sports Illustrated, dân mạng tỏ ra vô cùng bức xúc. Hầu hết đều đồng ý rằng Teigen đã thiếu tế nhị và câu chuyện của cô không có ý nghĩa gì ngoài mục đích khoe khoang.
"Trả 13.000 USD cho ly rượu vang trong khi nhiều người không thể thanh toán hóa đơn sau khi mất việc do đại dịch Covid-19, thật điên rồ", một người bình luận.
Người khác viết: "Không ai biết mục đích thực sự của cô ấy khi chia sẻ câu chuyện nực cười vào thời điểm này. Nó không phù hợp nhưng cũng cho thấy thời nay một người có thể vô tình mua nhầm chai rượu trị giá 13.000 USD nhưng những người khác còn không có vài trăm đôla trả tiền nhà".
Chrissy Teigen bị chỉ trích vì chia sẻ chuyện mua ly rượu vang giá 13.000 USD. Ảnh: US Magazine. |
Trong một bài viết cho tờ Forbes về câu chuyện của Chrissy Teigen, tác giả Dani Di Placido cho rằng thời thế đã thay đổi và đại dịch đang khiến cho công chúng có cái nhìn khác về những người giàu có, nổi tiếng.
"Bị mắc kẹt trong một biệt thự giống như bộ phim Parasite không giống như bị giới hạn trong một căn hộ cho thuê nhỏ xíu. Chưa bao giờ sự ác cảm với người giàu hay cụ thể là lối sống khoe khoang vật chất lại lớn đến như vậy".
Hậu quả của việc khoe của
Tháng 10/2016, vụ Kim Kardashian bị cướp tại Paris (Pháp) gây chấn động làng giải trí thế giới. Nhóm cướp gồm 5 người đã đột nhập phòng khách sạn của ngôi sao truyền hình người Mỹ, dùng súng khống chế nạn nhân và cướp đi khối tài sản trị giá hơn 9 triệu USD.
Sau quá trình điều tra, cảnh sát Pháp kết luận chính những bức ảnh chụp nhẫn kim cương, vòng vàng, trang sức đắt tiền của Kim trên mạng xã hội trước đó đã biến cô trở thành mục tiêu của nhóm cướp.
Theo TMZ, ngôi sao truyền hình thực tế cũng đồng tình với các nhà phê bình rằng chính cô đã biến mình thành nạn nhân trong trường hợp này.
Falling Stars challenge từng "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội vào năm 2018. Ảnh: Instagram. |
Sau vụ cướp, Kim quyết định nghỉ làm một tháng, thay đổi cách thể hiện tài sản của mình và "thề sẽ ngừng khoe của trên mạng xã hội".
"Của cải vật chất chẳng có nghĩa lý gì. Nó không đáng", cô tuyên bố.
Tại Trung Quốc, các "cậu ấm, cô chiêu" vốn được nhớ đến với hình ảnh tạo dáng bên cạnh những chiếc Bentley và Lamborghini đời mới, khoe tiền trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dù vẫn sắm đồ xa xỉ và lái xe sang, hội "phú nhị đại" không còn dám khoe khoang những thứ này vì sợ rắc rối.
"Từ năm 2016, xung quanh tôi xảy ra quá nhiều vụ án. Tôi hiểu rằng không cần phải cho cả thế giới biết rằng mình lắm tiền", Bloomberg dẫn lời Tu Haoran, 32 tuổi, nhà sáng lập công ty DJ lớn nhất Trung Quốc Fantasy Entertainment.
"Khoe của" là một trong 6 nội dung rơi vào danh mục hạn chế mới nhất của Douyin (tên gọi của phiên bản TikTok ở Trung Quốc). Cùng với đó là phô bày cuộc sống xa hoa, "đập hộp" đồ hiệu, khoe khoang địa vị, chế giễu người nghèo..., The Sixth Tone đưa tin.
Đại diện Douyin cho biết các nội dung khoe tiền tràn lan hiện nay có thể "gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần người dùng, đặc biệt là giới trẻ". Do đó, lệnh cấm trên nhằm khuyến khích lối sống tiết kiệm, xây dựng cộng đồng lành mạnh hơn.
Xu hướng giàu có kín đáo
Theo Business Insider trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Covid-19 bùng phát, những vật phẩm xa xỉ đã không còn đại diện cho sự giàu có. Người giàu ngày nay có xu hướng đầu tư cho những thứ phi vật chất như giáo dục, sức khỏe và hưu trí.
Trong cuốn sách The Sum of Small Things: A Theory of an Aspirational Class xuất bản năm 2017, Elizabeth Currid-Halkett đã đặt ra thuật ngữ "tiêu dùng kín đáo". Nó đối lập với “tiêu dùng dễ thấy” - thuật ngữ được Thorstein Veblen, nhà kinh tế học thế kỷ 19, dùng đề cập việc sử dụng của cải vật chất để thể hiện địa vị xã hội.
Người giàu sống kín đáo hơn trên mạng xã hội. Ảnh: Getty. |
Về cơ bản, khoe khoang của cải không còn là cách để biểu thị sự giàu có nữa. Đặc biệt ở Mỹ, 1% tầng lớp siêu giàu đã chi tiêu ít hơn cho hàng hóa vật chất kể từ năm 2007, Currid-Halkett viết, trích dẫn dữ liệu từ Khảo sát Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
"Tầng lớp thượng lưu mới này củng cố địa vị của mình thông qua việc nâng cao kiến thức và xây dựng vốn văn hóa, chưa kể đến thói quen chi tiêu đi kèm với nó", Currid-Halkett nói thêm.
"Người giàu đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, hưu trí và sức khỏe. Trên thực tế, những thứ này đều có giá cao hơn nhiều lần so với bất kỳ chiếc túi xách nào mà người tiêu dùng với mức thu nhập trung bình có thể mua".