“Đàn ông không thích phụ nữ quá thông minh”, mẹ nói với con gái khi cô tham gia lớp học giải tích, phim Stand & Deliver (1988).
“Cô gái mũm mĩm kia à? Tôi thấy cô ta có vòng 3 quá khổ, thưa ông. Cặp đùi to khủng khiếp”, người phụ nữ “ném đá” đồng nghiệp trước mặt sếp nam, phim Love Actually (2003).
Đó là vài ví dụ được Psychology Today trích dẫn, nói về “internalized sexism” (tạm dịch: phân biệt giới tiếp nhận).
Theo đó, đây là hiện tượng một số phụ nữ luôn coi thường, đưa ra nhận xét miệt thị nhằm phá hủy đặc tính, tiềm năng và sự thành công của chính mình hoặc phụ nữ, trẻ em gái khác.
Thông thường, họ bị xã hội hóa một cách có ý thức hoặc vô thức để tin rằng phụ nữ là “phái yếu”, thấp kém hơn và nên làm hài lòng hay nhún nhường trong mối quan hệ với người khác, đặc biệt là nam giới.
Đáng chú ý, một trong những biểu hiện phổ biến nhất của hiện tượng này là một số thường tấn công phụ nữ và trẻ em gái khác nhằm gạt bỏ vị thế, quyền lực của họ.
Việc hạ thấp bản thân và phụ nữ, trẻ em gái khác là biểu hiện của “phân biệt giới tiếp nhận”. Ảnh: Glamour. |
Sự “phân biệt giới tiếp nhận” có thể thấy ở vụ việc gây xôn xao mạng xã hội gần đây. Một cô gái diện áo hở lưng di chuyển trên đường phố Hà Nội bị người lạ đi theo, ghi hình để đưa lên TikTok. Khi nhận quá nhiều bình luận ác ý, tục tĩu, cô phải liên hệ với người đăng để yêu cầu xóa clip, công khai xin lỗi.
Tuy nhiên, không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ khác cũng ném đá cô gái, nói rằng “mặc hở hang nên phải chịu sự soi xét”. Việc đổ lỗi cho phụ nữ khiến họ bị “nạn nhân hóa” thêm lần nữa.
Bị “tẩy não”
Nhiều phụ nữ lớn lên với những định kiến và bất bình đẳng về giới trong gia đình, xã hội, thể chế, tôn giáo, truyền thông đại chúng hay mạng xã hội. Một số thậm chí cảm thấy phải biện minh và bảo vệ sự phân biệt giới tính.
Đó là ví dụ điển hình của “gaslighting” (tạm dịch: thao túng tâm lý), khi hung thủ (xã hội bất bình đẳng giới) thuyết phục nạn nhân (phụ nữ) tin rằng bản thân kém cỏi hơn con người thật của mình. Từ đó, nạn nhân ghét bỏ, coi thường chính mình và những phụ nữ khác.
Đây được coi là một hình thức “tẩy não” xã hội và tâm lý.
Nhiều phụ nữ có mức độ “phân biệt giới tiếp nhận” nhất định có thể không nhận thức được những lời nói và hành động khiến bản thân bị hạ bệ. Họ có thể có một hoặc nhiều biểu hiện sau:
- Chê bai cơ thể và ngoại hình của bản thân.
- Nhận xét tiêu cực về cơ thể và ngoại hình của phụ nữ, trẻ em gái khác (body shaming).
- Thường xuyên tham gia vào những so sánh tiêu cực của xã hội với phụ nữ và trẻ em gái khác. Coi nữ giới là đối thủ cạnh tranh trong các tình huống xã hội và gia đình, đặc biệt nhằm được nam giới chú ý và tán thành.
Những định kiến và bất bình đẳng về giới đã “tẩy não” phụ nữ để họ tin rằng mình thấp kém hơn đàn ông. Ảnh: Shutterstock. |
- Xem phụ nữ khác là đối thủ trong lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là những người có tiềm năng và hứa hẹn ngồi vào vị trí lãnh đạo.
- Nói đùa/nhận xét dựa trên định kiến tiêu cực về giới (Ví dụ: “Tôi là phụ nữ nên học kém môn Toán”).
- Nói đùa/nhận xét khó chịu về phụ nữ và trẻ em gái khác dựa trên định kiến tiêu cực về giới. (Ví dụ: “Đàn bà lái xe”).
- Tích cực ngăn cản phụ nữ và trẻ em gái khác thực hiện ước mơ của họ.
- Áp dụng tiêu chuẩn kép ưu tiên nam hơn nữ giới (Ví như trong việc nuôi dạy con cái, quan hệ gia đình, đối xử với học sinh ở trường, cư xử với nhân viên tại nơi làm việc…).
- Bào chữa, biện minh cho hành vi kỳ thị nữ giới, ngược đãi, lạm dụng đối với bản thân hoặc phụ nữ khác.
- Bào chữa, biện minh và ủng hộ thể chế, chính trị, văn hóa áp bức nữ giới. Đổ lỗi cho phụ nữ vì tự biến mình thành nạn nhân.
Hiện tượng “pick me girl”
Theo The Standard, trong xã hội phụ hệ coi phụ nữ là “công dân hạng 2”, những định kiến dễ dàng ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách nữ giới nhìn nhận bản thân.
Bên cạnh đó, tư tưởng chống phụ nữ đã ăn sâu vào xã hội nên thường xuyên xâm nhập vào quan điểm của chính họ.
Chuyên gia về giới Ziad Ben-Gacem cho biết “phân biệt giới tiếp nhận” phổ biến ở học sinh lớp 7-8 vì thanh thiếu niên có xu hướng cảm thấy không an toàn về danh tính và ngoại hình của mình.
Theo bài TED Talk do Antonina Stepak thực hiện, hiện tượng “not like other girls” (tạm dịch: không giống những cô gái khác) chỉ một phụ nữ coi mình là duy nhất vì không phù hợp với quan điểm hẹp hòi, khuôn mẫu về phụ nữ”.
Tương tự, thuật ngữ “pick me girl” dùng để chỉ việc phụ nữ cư xử để thu hút đàn ông, đồng thời hạ bệ hoặc áp đặt định kiến lên nữ giới.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này không hiệu quả trong việc chống lại “phân biệt giới tiếp nhận” vì nó hạ thấp phụ nữ thay vì giải quyết vấn đề.
Phụ nữ nên được giải thoát khỏi định kiến về giới để trở thành bất cứ ai họ mong muốn. Ảnh: USA Today. |
Theo nhiều chuyên gia, trong khi những chủ đề như chế độ phụ hệ, kỳ thị nữ giới hay nam tính độc hại được thảo luận ở trường học, “phân biệt giới tiếp nhận” lại không được nói ra.
Hiện tượng này thuộc phạm trù ảnh hưởng của các chuẩn mực xã hội và “nên được thảo luận rộng rãi để có thể được hiểu nhiều hơn qua nhiều lăng kính”.
Piloto cho biết cô giải quyết “phân biệt giới tiếp nhận” bằng cách thảo luận với giáo viên nữ ở trường, trò chuyện con gái và bạn bè. Nữ giáo viên khuyến khích con gái 3 tuổi thể hiện bản thân qua trang phục sao cho thoải mái và như mong muốn.
“Con gái lớn của tôi nghĩ rằng nó cần phải luôn mặc váy. Tôi hy vọng con nhận ra rằng nó có thể là chính mình và chỉ mặc váy khi bản thân muốn”, cô nói.
Cuối cùng, theo Piloto, “phân biệt giới tiếp nhận” nên được xóa bỏ bằng các cuộc thảo luận cởi mở và tái khẳng định rằng mọi người nên trở thành bất cứ ai họ mong muốn.