Gợi ý về sự sang trọng bắt đầu ngay khi thực khách bước vào nhà hàng Nusr-Et.
Phía ngoài, nhân viên bảo vệ mặc vest lảng vảng quanh những sợi dây nhung. Bên trong, xuyên qua những cánh cửa bằng đồng nặng nề, dãy tủ lạnh sáng đèn chất đầy miếng thịt dày, sần sùi treo trên móc kim loại.
Nhân viên hướng dẫn đưa khách đến tận bàn, nơi những người phục vụ đeo găng tay cao su màu đen lượn quanh như diều hâu.
Với ánh sáng mờ ảo và âm nhạc sôi động, khu vực ăn uống có cảm giác như hộp đêm. Điểm thu hút duy nhất ở đó là Nusret Gökçe, được biết đến trên toàn thế giới với cái tên Salt Bae (thánh rắc muối), theo Insider.
Gökçe, có đế chế ẩm thực trải dài khắp 3 châu lục với 22 nhà hàng bít tết đắt đỏ ở một số thành phố lớn nhất thế giới, thường đi từ nhà hàng này sang nhà hàng khác, chụp ảnh với thực khách và biểu diễn màn rắc muối hoa mỹ của mình suốt đêm.
Mọi con mắt đổ dồn vào Gökçe, ít ai chú ý đến nhân vật đi theo anh như cái bóng là “cậu bé muối”. Người này có nhiệm vụ chính là cầm bát muối để ông chủ có thể thực hiện động tác rắc muối bất cứ lúc nào. Làm công việc nghe có vẻ đơn giản, anh được trả thù lao như những nhân viên phục vụ khác.
Sự hiện diện của “cậu bé muối” mang đậm chất Gökçe: lố bịch, mang tính biểu diễn và tất cả đều phục vụ cho hình ảnh của anh.
Trên mạng xã hội, Gökçe phô trương sự giàu có bằng ảnh chụp trên máy bay riêng, du thuyền hay đeo đồng hồ đắt tiền. Thực tế, tại nhà hàng ở New York của anh, khách hàng có thể phải trả 300 USD cho một chiếc “bánh mì kẹp thịt vàng”.
Trong những năm qua, sự giàu có, tính cách và danh tiếng của Gökçe biến anh thành bức tranh biếm họa, hiện thân sống động của meme (biểu tượng ảnh chế) cũ. Những trò hề gây chú ý gần đây nhất của “thánh rắc muối”, vào sân chụp ảnh với cầu thủ sau chiến thắng của Argentina trước Pháp tại World Cup 2022, được lan truyền rộng rãi.
Tuy nhiên, 7 vụ kiện ở 2 thành phố và nhiều cuộc phỏng vấn với 9 nhân viên cũ từ 6 nhà hàng khắc họa khía cạnh khác của Gökçe: ông chủ nhỏ nhen với nỗi ám ảnh về sự giàu có và lợi ích chỉ dành cho chính mình.
Nhiều nhân viên cũ tố cáo “thánh rắc muối” là ông chủ độc hại. Ảnh: Cole Wilson/The New York Times. |
Cư xử tồi
Gökçe bị cáo buộc ăn chặn tiền boa, phân biệt đối xử với nhân viên và vi phạm luật lao động. Các nhà hàng của anh thường đưa ra lời hứa hão huyền về sự sung túc.
Các nhân viên cũ, từ bồi bàn, nhân viên pha chế, người gợi ý rượu vang cho thực khách đến quản lý, nói rằng “thánh rắc muối” có xu hướng thiên vị và thường xuyên sa thải nhân viên đột ngột.
“Bên ngoài trông hào nhoáng, nhưng bên trong thì tồi tệ”, cựu nhân viên pha chế tại Nusr-Et London nói với Insider.
Christy Reuter, luật sư đại diện cho Gökçe và các doanh nghiệp của anh, cho biết: “Các cáo buộc trên chỉ mổ xẻ từ các vụ kiện cũ và khiếu nại có từ lâu. Thật không may, các nhà hàng cao cấp và đầu bếp nổi tiếng thường là mục tiêu cho những lời phỉ báng không có thật. Nusret cũng không ngoại lệ”.
Tháng 1/2017, Gökçe gây sốt khắp mạng xã hội với clip rắc muối lên miếng bít tết một cách thần thái. Meme Salt Bae ra đời. Các chương trình nổi tiếng đều nói về hiện tượng này, trong khi nhiều ngôi sao hạng A như Leonardo DiCaprio và David Beckham đổ xô đến các nhà hàng của anh.
Tận dụng sức ảnh hưởng của mình, Gökçe tích cực hoạt động trên Instagram và tranh thủ mở thêm nhiều nhà hàng.
Đối với một số nhân viên, sự hiện diện của “thánh rắc muối” lại tạo ra bầu không khí sợ hãi, nơi mà bất kỳ sơ suất nào cũng có thể khiến họ gặp rắc rối với người quản lý hoặc tệ hơn là với ông chủ.
Vụ kiện vào tháng 8/2021 do 5 cựu nhân viên nướng thịt tại Nusr-Et New York đệ trình mô tả phong cách quản lý hung hăng, trong đó Gökçe thường xuyên chửi bới nhân viên và đổ lỗi cho họ về sai lầm của đồng nghiệp.
Một cựu nhân viên pha chế tại nhà hàng Mykonos của Gökçe so sánh ông chủ với tên độc tài. Một người khác, từng làm nhân viên pha chế tại nhà hàng bít tết ở London, cho biết nhân viên không bao giờ biết liệu họ có bị sa thải trước khi kết thúc ca làm việc hay không.
Gökçe bị tố sẵn sàng đuổi việc nhân viên nếu không hài lòng, thậm chí ăn chặn tiền boa của họ. Ảnh: @nusr_et. |
Một cựu nhân viên hướng dẫn thực khách tại Nusr-Et London nói: “Không ai biết liệu anh ta có đang theo dõi mình hay không. Thật khó chịu khi ở gần người này”, cô nói thêm, ám chỉ cặp kính râm đặc trưng của “thánh rắc muối”.
Cô là một trong hàng chục nhân viên đầu tiên được thuê làm cho nhà hàng ở London vào năm 2021. Nhưng 2 tháng sau, chỉ một nửa người còn trụ lại. Một đồng nghiệp của cô bị sa thải tại chỗ vì vô tình làm vỡ cốc trước mặt Gökçe. Một nhân viên phục vụ khác bị đuổi vì ông chủ không thích chiếc áo sơ mi anh mặc.
“Nếu anh ta không vừa mắt ai, người đó coi như hết cơ hội. Việc sa thải không cần thông báo trước. Họ được yêu cầu rời đi ngay lập tức”.
Gökçe cũng không hài lòng khi nhà hàng vắng khách. Trong giờ ăn trưa, anh từng ra lệnh cho một số nhân viên đứng xếp hàng bên ngoài để khiến nhà hàng trông có vẻ bận rộn. Không ai dám cãi lại “thánh rắc muối”.
Gökçe cũng coi nhà hàng như nhà của mình. Hai cựu nhân viên tại Mykonos và Dubai từng chứng kiến anh yêu cầu nhân viên massage cho mình. Nhiều khi, ông chủ này ngủ trên bàn và nhân viên không biết có thể rời đi cho đến khi anh tỉnh dậy hay không.
Phân biệt đối xử
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2020, đế chế nhà hàng bít tết khoe khoang về việc “miễn phí cho 40.766 phụ nữ” tại tất cả nhà hàng Nusr-Et trên khắp thế giới, theo Insider.
Nhưng 3 nữ nhân viên cũ nói rằng họ không thoải mái khi làm việc tại các nhà hàng của Gökçe gắn liền với văn hóa cường điệu.
“Chúng tôi cảm thấy mình không được tôn trọng”, một cựu nhân viên đặt phòng tại Nusr-Et Miami nói.
Trong khi nhân viên đặt phòng mặc đồng phục tiêu chuẩn, một số đồng nghiệp nữ của cô được yêu cầu mặc những chiếc váy trông giống như đang đến hộp đêm.
Vụ kiện vào tháng 11/2021 mô tả điều tương tự. Trong đơn khiếu nại, Elizabeth Cruz, cựu nhân viên pha chế tại Nusr-Et New York, cáo buộc cô được yêu cầu thay “giày cao gót, váy ngắn và áo hở hang” trong ngày đầu tiên đi làm.
Khi biết Cruz là người Dominica, người quản lý ám chỉ những phụ nữ đến từ đây đều có tính lang chạ.
Dù cảm thấy bị sỉ nhục, Cruz vẫn làm theo đòi hỏi của người quản lý. Trong khi đó, một số đồng nghiệp nam bắt đầu quấy rối, nói rằng cô nên làm vũ nữ thoát y.
Hai tuần sau khi làm việc, Cruz yêu cầu được mặc đồng phục tiêu chuẩn gồm quần tây và áo sơ mi cài khuy. Thế nhưng, người quản lý từ chối. Vài ngày sau, cô bị sa thải.
Nhiều người nổi tiếng đến nhà hàng của “thánh rắc muối” để xem người này biểu diễn động tác gắn liền với tên tuổi của mình. Ảnh: @nusr_et. |
Trong vụ kiện khác, được đệ trình vào tháng 1/2020, Melissa Compere, cựu nhân viên tại Nusr-Et Miami, cho biết cô được thuê làm nhân viên phục vụ đồ ăn và chuyển sang phục vụ cocktail. Cô không được thăng chức, mặc dù có hàng chục năm kinh nghiệm, vì giới tính là nữ.
Tháng 11/2018, Compere bị sa thải khi một thực khách phàn nàn về việc tìm thấy mảnh thủy tinh trên bàn của họ. Mặc dù ít nhất 7 nhân viên có liên quan, 2 người duy nhất bị sa thải là nữ.
Compere cũng là nguyên đơn chính trong vụ kiện tập thể chống lại nhà hàng về việc chia tiền boa bất hợp pháp.
Trong đơn khiếu nại được gửi vào tháng 11/2021, Angelo Maher, người phục vụ tại Nusr-Et New York, tuyên bố anh bị sa thải vào tháng 3/2020 sau khi lên tiếng phản đối sự phân biệt đối xử trong việc làm dựa trên quốc tịch. Anh cho biết các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, đồng hương với “thánh rắc muối”, được ưu ái hơn những người khác.
Maher từng bị đồng nghiệp gọi là “đồ Tây Ban Nha” và phải chịu sự đau khổ về tinh thần và thể chất sau khi chỗ làm việc trở thành “nơi đe dọa về thể chất và phân biệt đối xử nhắm vào những người không phải là người Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nusr-Et mang tiếng là nhà hàng sang trọng, nhưng các nhân viên cũ lại tố mọi thứ từ khăn ăn đến đồ thủy tinh đều rất rẻ tiền. Đồng phục “mỏng như tờ giấy” là nỗi ám ảnh của nhiều người từng làm việc ở đây, thậm chí có người bị rách đồ chỉ sau một tuần mặc.
Khi các nhà bán lẻ mang mẫu rượu đến mời chào, thường là miễn phí, quản lý yêu cầu nhân viên pha chế đưa ra phục vụ khách hàng.
“Nhà hàng chỉ cố gắng moi tiền từ những thực khách bước qua cửa”, cựu quản lý bộ phận gợi ý rượu vang cho khách hàng tại chi nhánh London, thường xuyên bán rượu trị giá hàng nghìn USD, cho biết.
Anh cho biết nỗ lực này là cực đoan khi so với các nhà hàng của người nổi tiếng khác mà anh từng làm việc.
Tuy nhiên, doanh thu ngất ngưởng không phải lúc nào cũng đến tay nhân viên của Gökçe. Anh bị tố ăn chặn tiền boa của nhân viên và sa thải khi họ phàn nàn.
Maher cho biết anh không được phép nhận tiền boa khi phục vụ người nổi tiếng, như rapper người Pháp Montana, trong nhà hàng ở New York.
Salt Bae bị chỉ trích vì làm phiền Messi và đồng đội trong lễ ăn mừng chức vô địch World Cup. |
Trong vụ kiện khác từ năm 2019, một cựu bồi bàn khác ở New York, Mustafa Fteja, cáo buộc Gökçe ăn bớt 3% tiền boa trước khi chia cho nhân viên. Vụ kiện tập thể cho biết ban quản lý sa thải một cách có hệ thống từng người phục vụ phàn nàn về việc không được trả tiền boa, bao gồm Fteja.
Năm 2018 và 2019, khi Gökçe mở rộng đế chế của mình ở Mỹ, anh yêu cầu 5 thợ nướng thịt của mình ở Istanbul chuyển đến New York. “Thánh rắc muối” hứa hẹn trả lương cao và cho họ làm quản lý, nhưng thực tế không hề như vậy.
Mặc dù được thuê làm “người nướng thịt”, các nhân viên cho biết họ phải thực hiện các nhiệm vụ không liên quan, bao gồm dọn dẹp nhà vệ sinh và chuẩn bị “bữa ăn đặc biệt cho người quản lý và Gökçe khi anh có mặt”.
Trong thời gian ngừng hoạt động vì Covid-19 và những thời điểm bất ổn xã hội ở New York, nhân viên cũng phải ở lại nhà hàng qua đêm để đảm bảo các tòa nhà không bị phá hoại. Họ phải làm việc quá sức và không được trả lương làm thêm giờ theo yêu cầu của luật pháp New York.
Các nhà hàng của Gökçe chỉ chật cứng khi anh ta xuất hiện, sẵn sàng chụp ảnh và thực hiện động tác đặc trưng, các nhân viên cũ cho biết. Trong 6 năm qua, “thánh rắc muối” nỗ lực nuôi sống tên tuổi của mình.
Gần đây nhất, Gökçe lao vào sân sau chiến thắng lịch sử của Argentina trước Pháp tại World Cup 2022. Anh thản nhiên chụp ảnh tự sướng với các cầu thủ, thậm chí giành lấy chiếc cúp vàng khiến FIFA phải điều tra.
Trong một ảnh, Gökçe, đeo chiếc kính râm đặc trưng, đứng phía sau siêu tiền đạo Lionel Messi. Anh vươn tay nắm lấy cánh tay của ngôi sao nổi tiếng. Nhưng Messi, đang hân hoan ăn mừng cùng đồng đội, đã gạt đi và quay lưng lại với hiện tượng mạng này.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.