Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự kiện mời 'thánh chửi', 'giang hồ mạng': Tẩy chay hành vi lệch chuẩn

Từ sự kiện các KOL (người có sức ảnh hưởng) “truyền thông bẩn” xuất hiện trong một sự kiện mới đây tại Hòa Bình, các chuyên gia đưa ra cảnh báo.

Theo các chuyên gia, giới trẻ cần tỉnh táo trước những giá trị ảo, trang bị “sức đề kháng” để tẩy chay các hành vi lệch chuẩn đang ngày càng phổ biến trên mạng xã hội.

Người trẻ dễ có cái nhìn lệch chuẩn

Những ngày qua, người dùng mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh về một sự kiện tổ chức ở Hòa Bình có sự tham gia của các khách mời là những TikToker mới nổi trên mạng xã hội như: Hoàng Cửu Bảo, Thông Soái Ca, Dương XL.

Những cá nhân này vốn được biết đến từ những hình ảnh, video giải trí với nội dung ăn chơi, đóng vai đàn anh “giang hồ”, phản cảm đăng trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt theo dõi. Sau khi hình ảnh sự kiện đăng tải trên mạng xã hội, lập tức dư luận “dậy sóng”, bởi không thể chấp nhận một sự kiện có khoảng 300 khách mời, trong đó có nhiều học sinh tham gia, lại có những “vị khách mời” lệch chuẩn như vậy.

Vua nem chua anh 1

Những khách mời tham gia sự kiện "Vua nem chua" được tổ chức ngày 30/3 tại Công viên Tuổi trẻ, thành phố Hòa Bình, với sự tham gia của rất đông học sinh. Ảnh: Alibaba Media.

Theo nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội, sự kiện được tổ chức ngày 30/3, tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Một số trang mạng xã hội còn gắn “mác” sự kiện này là sự kiện văn hóa, du lịch tại tỉnh Hòa Bình.

Trước sự phản ứng của cư dân mạng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình cho biết người tổ chức sự kiện này là chủ một hợp tác xã sản xuất nem chua. Ông này mời một số TikToker có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội và học sinh một số trường trên địa bàn TP Hòa Bình tham dự, không phải là sự kiện văn hóa du lịch do cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Sự kiện diễn ra khi chưa được cấp phép tổ chức. Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình đã có báo cáo UBND tỉnh về việc này.

Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông lo ngại trước hiện tượng “giang hồ mạng”, TikToker “truyền thông bẩn”, lệch chuẩn ngang nhiên bước ra đời thực từ thế giới ảo.

“Những nhân vật như vậy được ngồi ghế khách mời, được xếp vị trí ưu tiên, làm cho giới trẻ có những cái nhìn lệch chuẩn về đạo đức, về suy nghĩ, lối sống. Đề nghị cơ quan chức năng nghiêm túc vào cuộc, tạo cho giới trẻ một không gian lành mạnh để sống, phát triển”; “Phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các đoàn thể tổ chức chương trình này. Một xã hội văn minh lịch sự không thể để cho các thành phần gây ra hệ lụy và tiền đề xấu cho các thanh thiếu niên sau này”... Đó là những bình luận không đồng tình của cư dân mạng về vụ việc.

Chị Nguyễn Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) lo ngại con trẻ dễ có cái nhìn sai lệch, bởi sự việc gợi nhắc những “giang hồ mạng” từng được tung hô ngoài đời thực tác động tiêu cực đến nhận thức, hành động của một bộ phận bạn trẻ. Cách đây mấy năm khi Khá Bảnh “nổi” trên mạng xã hội, con trai 10 tuổi của chị bị nhiễm các video độc hại lệch chuẩn, lấy bịch nylon đốt cháy và cho nhỏ giọt vào 2 bên cánh tay để làm vết sẹo, mong nổi tiếng hơn.

“Những cái xấu ảnh hưởng trẻ em rất ghê gớm. Những cái xấu trên không gian mạng được cấp phép để xuất hiện chễm chệ ngoài đời thực sẽ tác động rất nhanh đến một bộ phận bạn trẻ. Vì vậy, tôi mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm khắc”, chị Hiền đề nghị.

Tăng “sức đề kháng”

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, để ngăn chặn các TikToker, các KOL “truyền thông bẩn” xuất hiện ngoài đời thực, điều quan trọng nhất là siết chặt công tác quản lý, cấp phép thông qua quy định, chế tài xử phạt đủ độ răn đe, ngăn chặn, cảnh báo. Chuyên gia Đinh Đoàn nhấn mạnh bạn trẻ cần tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, phân biệt được giá trị ảo và giá trị thật.

“Không phải sự nổi tiếng nào cũng mang lại giá trị. Sự nổi tiếng của những nhân vật nhờ lượt theo dõi khủng nhưng lại đem đến những hệ lụy lệch lạc, độc hại thông qua những video, hình ảnh phản cảm cần phải lên án, tẩy chay”, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tâm lý tại Viện Nghiên cứu thanh niên, cho rằng sự kiện gây phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng ở Hòa Bình xuất phát lỗ hổng trong công tác quản lý, nhận thức của đơn vị tổ chức. Các cơ quan chức năng, nhà quản lý, đơn vị văn hóa, chính quyền địa phương cần phải làm việc nghiêm túc, chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát, cấp phép tổ chức sự kiện.

Đặc biệt, với sự kiện đông người, không thể để tình trạng tổ chức chui, cần biện pháp nhắc nhở, xử lý nghiêm khắc tùy mức độ vi phạm để ngăn chặn những đơn vị bất chấp tổ chức sự kiện vì lợi nhuận mà không tuân thủ quy định, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận.

Vua nem chua anh 2

TikToker Hoàng Cửu Bảo gây tranh cãi vì xuất hiện tại sự kiện "Vua nem chua" với kiểu tóc cá tính. Ảnh: Alibaba Media.

Hiện nay, những TikToker hoạt động với nội dung tiêu cực, phản cảm đang có xu hướng nở rộ, đánh vào sự hiếu kỳ của công chúng. Người dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp cận hình tượng này trên không gian mạng. Những hình ảnh, video tiêu cực của các TikToker ảnh hưởng rất lớn đến người dùng mạng xã hội, trong đó, đa phần là người trẻ. Vì thế, bạn trẻ cần trang bị kỹ năng, kiến thức, có sự hiểu biết nhất định, đặc biệt là phải được giáo dục định hướng về giá trị sống, phân biệt tốt, xấu để chọn lọc thông tin trên không gian mạng sao cho đúng đắn, tạo ra giá trị.

“Bạn trẻ cần nhận thức được đâu là hành vi tốt, đâu là hình ảnh xấu để tỉnh táo lựa chọn, tiếp nhận sản phẩm phù hợp lứa tuổi, phù hợp với văn hóa và phù hợp quy định pháp luật”, chuyên gia Tuấn Anh nói.

Mỗi bạn trẻ dùng mạng xã hội không chỉ dừng ở việc tiếp nhận, hưởng thụ mà phải có trách nhiệm phản ánh, báo cáo, ngăn chặn những hình ảnh, hành vi tiêu cực trên không gian mạng. “Giới trẻ phải tạo cho mình sức đề kháng để chủ động thích ứng với môi trường mạng đầy rẫy tốt, xấu lẫn lộn hiện nay”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Tuấn Anh nói thêm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, khẳng định hiện tượng nhiều TikToker có hành vi lố lăng, phản cảm là một vấn đề gây tranh cãi trong ngành giải trí. Họ sử dụng chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng nhằm làm tăng lượt theo dõi, tương tác để đạt được mục đích kinh tế. Đây là những biểu hiện của hành vi thiếu văn minh, tạo môi trường tiêu cực trên không gian mạng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới thực. Ông Sơn cho rằng cần lên án những hành vi thiếu văn minh này để trả lại sự trong lành cho môi trường mạng, cho cả xã hội.

Vụ Thông Soái Ca, Hoàng Cửu Bảo dự 'sự kiện văn hóa': Công an vào cuộc

Đại diện Sở Văn hóa TP Hòa Bình cho biết cuộc thi “Vua nem chua” gây tranh cãi trên mạng xã hội không phải là sự kiện văn hóa mà chỉ là hoạt động quảng bá thương hiệu.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.

https://tienphong.vn/tay-chay-hanh-vi-lech-chuan-gia-tri-ao-post1731106.tpo

Lưu Trinh/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm