Rating: 6,5/10
Sau gần 3 năm kể từ Không thể cùng nhau suốt kiếp, Hòa Minzy mới chính thức trở lại đường đua âm nhạc với một single tiếp theo. Trong thời gian qua, Hòa Minzy cũng tạo được nhiều dấu ấn với khán giả, nhưng ít khi nào những dấu ấn đó đến từ âm nhạc. Suốt 3 năm chỉ phát hành một single duy nhất, liệu chất lượng của ca khúc mới của Hòa Minzy có xứng đáng với thời gian chờ đợi hay không?
Không còn rập khuôn trong ballad
Điểm sáng lớn nhất mà Thị Mầu đạt được, đó là giúp Hòa Minzy không còn bó buộc vào những ca khúc ballad nữa. Tất nhiên, Hòa Minzy cũng có một số ca khúc theo đuổi dòng nhạc sôi động như Thư chưa gửi anh (phối dubstep), Nàng tiên cá (phối EDM), tuy nhiên không có ca khúc nào có sức lan tỏa lớn như Rời bỏ hay Không thể cùng nhau suốt kiếp. Ăn gì đây cũng là một ca khúc thành công, tuy nhiên ca khúc chưa thực sự gắn với tên tuổi Hòa Minzy.
Thị Mầu có thể xem là một màu sắc khác biệt trong sự nghiệp của Hòa Minzy. Tuy nhiên, đây không hẳn là một bất ngờ bởi cô không quá xa lạ với chất liệu dân gian. Hòa Minzy - một cô gái Bắc Ninh - thường xuyên có những màn thể hiện rất ngọt những làn điệu quan họ trong các chương trình, game show cô tham dự. Lần này, tiếp xúc với chèo - cũng là một chất liệu âm nhạc dân gian Bắc Bộ - không khó để Hòa Minzy có thể thực hiện mượt mà.
Thị Mầu là một điểm sáng mới mẻ trong sự nghiệp Hòa Minzy, nhưng chưa thực mới với thị trường. |
Thị Mầu được Hòa Minzy chia sẻ là một sáng tác cách đây 8 năm và đã hoàn tất các công đoạn sản xuất từ 2018. Nếu xét trong bối cảnh ca khúc được thực hiện, Thị Mầu thực sự mới mẻ. Vào thời điểm ấy, Hoàng Thùy Linh mới chỉ có một ca khúc duy nhất theo đuổi phong cách dân gian đương đại là Bánh Trôi nước, cặp đôi Jack - K-ICM cũng chưa làm mưa làm gió với những chất liệu âm nhạc cổ truyền trong Sóng gió, Bạc phận.
Bản thân Masew thời điểm đó cũng đang là tiêu điểm quan tâm của công chúng với bản hit Túy âm có sử dụng những cách luyến láy của dân ca. Nếu như Thị Mầu được phát hành kịp thời trong giai đoạn hoàng kim đó, chắc chắn đây sẽ là một cú nổ lớn, thậm chí có thể đưa Hòa Minzy ngang hàng Hoàng Thùy Linh trong cuộc đua dân gian đương đại nếu cô theo đuổi lâu dài.
Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh của 2023, Thị Mầu đã không còn giữ được sự tiên phong ấy nữa. Chất liệu EDM đã không còn mới mẻ và cách làm nhạc của Masew cũng đã quen ở thị trường. Thị Mầu do đó có thể rất mới lạ với Hòa Minzy, nhưng đúng ra nó hoàn toàn đạt được sự ghi nhận hơn nữa nếu như được ra mắt sớm hơn.
Không giống Hoàng Thùy Linh
Công bằng mà nói, Thị Mầu của Hòa Minzy không có gì giống với âm nhạc của Hoàng Thùy Linh ngoại trừ việc cùng sử dụng chất liệu dân gian trên nền âm thanh điện tử. Trải qua 2 album, Hoàng Thùy Linh đưa được rất nhiều chất liệu dân tộc vào các sản phẩm của mình, từ tiếng khèn trong Để Mị nói cho mà nghe, tiếng gõ mõ tụng kinh trong Duyên âm cho đến giai điệu dân ca tình tang tính trong See tình. Với việc sử dụng chất liệu chèo đậm đặc, Thị Mầu nghe hoàn toàn khác so với các sản phẩm của Hoàng Thùy Linh.
Tuy nhiên, khán giả vẫn nhìn thấy bóng dáng của Hoàng Thùy Linh trong Thị Mầu, tại vì sao? Một lý do rất quan trọng, đó đến từ chính Hòa Minzy. Cô không thực sự xây dựng được cho mình một phong cách âm nhạc đặc trưng. Khi EDM, dubstep nổi lên, cô đưa những âm thanh đó vào trong ca khúc đầu tay Thư chưa gửi anh. Khi thị trường ngả sang ballad, cô cũng tung ra các bản hit Rời bỏ, Không thể cùng nhau suốt kiếp được đặt hàng từ những nhạc sĩ đang ăn nên làm ra nhất thời điểm đó. Thế nên, đến với Thị Mầu, nhiều khán giả cho rằng cô muốn “ăn theo” sự thành công của Hoàng Thùy Linh cũng như bản hit nổi tiếng toàn cầu See tình là điều dễ hiểu vì Hòa vẫn chưa có một tiếng nói âm nhạc rõ nét để khán giả có thể xác định được Thị Mầu là sáng tạo riêng của cô.
Hòa Minzy chưa cho thấy được dấu ấn âm nhạc rõ nét, vẫn loay hoay chạy theo thị trường. |
Lý do thứ 2, đến từ chính cách xây dựng bản nhạc. Vào thời điểm phát hành, Thị Mầu là ca khúc sinh sau đẻ muộn so với những Để Mị nói cho mà nghe, Kẻ cắp gặp bà già hay Gieo quẻ, tuy nhiên ca khúc không thực sự mang đến hơi thở hiện đại. Ca từ của ca khúc chỉ đơn giản và kể lại tích Thị Mầu lên chùa trong vở chèo Quan âm thị Kính chứ không đưa được góc nhìn mới mẻ hay hơi thở đương đại vào.
Điều này khác với cách Hoàng Thùy Linh từng làm rất thành công, khi cô mang đến cho nàng Mị những tư tưởng của người phụ nữ hiện đại dám yêu và bứt ra khỏi những lề lối cũ, khiến cho người nghe thấy gần gũi. Trong Thị Mầu, Hòa Minzy chỉ đơn giản cho người nghe xem lại tích xưa dưới lớp áo mới mà chưa phải là một sản phẩm có thể đứng tách riêng.
Với độ hot của Hòa Minzy và sự vắng bóng đã lâu trên thị trường, Thị Mầu vẫn sẽ thu hút người nghe vào thời điểm ra mắt. Tuy nhiên, ca khúc có thể có sức sống lâu bền và mở ra cho sự nghiệp Hòa Minzy một trang mới hay không thì vẫn còn đặt trong vòng nghi vấn vì nữ ca sĩ đã bỏ lỡ thời điểm vàng cho Thị Mầu.
Tuy nhiên, cũng như Không thể cùng nhau suốt kiếp, với MV Thị Mầu vẫn phải ghi nhận Hòa Minzy có năng khiếu diễn xuất nổi bật - điều không phải ca sĩ nào cũng thực hiện được trong sản phẩm của mình. Hòa Minzy do vậy vẫn thành công theo cách của cô nhưng để đạt đến vị trí cao hơn nữa trong thị trường âm nhạc, nữ ca sĩ cần có những tính toán bài bản và quyết liệt hơn.
Sách tham khảo: Quan Âm Thị Kính là sử thi Hán Nôm ba hồi có sức ảnh hưởng tới nền nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm có lượng tục bản và chuyển thể chỉ sau Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Nhân vật Thị Mầu xuất hiện ở hồi 2, con phú ông sẵn tính lẳng lơ. Một hôm đội oản lên chùa, Mầu nom tiểu Kính Tâm rồi thốt mê, nhưng dầu ả ra sức ghẹo mà sư vẫn làm ngơ. Vì đưa tình không được, ả sinh quẫn, mới mắc tội hủ hóa với thằng nô. Việc đến tai hào lý, làng bèn điệu Mầu ra đình tra khảo, cũng để lấy cái phần bắt vạ ăn khoán. Nhân đấy, ả đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Kính Tâm bị chức dịch phạt đòn, ép phải nuôi lấy đứa con rơi. Sư cụ vì sợ điều tiếng mà đuổi Kính Tâm khỏi tam quan.