Tính đến ngày 3/6, hơn 643 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia bên ngoài châu Phi. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia cùng lúc cho thấy có thể đã có sự lây lan âm thầm chưa được phát hiện trong thời gian dài”.
Thế giới đã thất bại trong kiểm soát dịch đậu mùa khỉ
Virus đậu mùa khỉ đã lây lan trong nhiều thập kỷ ở một số nơi, gồm Tây và Trung Phi. Trong nghiên cứu đầu tiên được đăng tải cách đây ít ngày, các nhà khoa học tại Viện Sinh học Tiến hóa, Đại học Edinburgh, Scotlan mô tả cách thức truyền nhiễm mà họ đang chứng kiến, cho thấy “đã có sự lây truyền từ người sang người ít nhất kể từ năm 2017”.
Trình tự gene tiết lộ các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2022 dường như bắt nguồn từ một đợt bùng phát gây hàng loạt ca mắc ở Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh từ năm 2017 đến năm 2019.
Nhà sinh vật học, GS Michael Worobey, Đại học Arizona, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng kết quả này dẫn tới kết luận “đợt bùng phát này đã diễn ra trong thời gian dài ở các nước đang có dịch”. Theo CNN, vị chuyên gia khẳng định điều đó có nghĩa thế giới đã thất bại trong việc bảo vệ những cộng đồng ở khu vực hạn chế tài nguyên, nơi virus này trở thành loài đặc hữu, thất bại trong việc kiểm soát nó tại nơi có xuất hiện trước khi lan ra toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay là sự thất bại trong kiểm soát dịch tại châu Phi, khiến virus lây lan ra ngoài. Ảnh: CDC. |
“Đây thực sự là hai đợt bùng phát, chúng ta cần nghiêm túc chú ý đến những nơi virus đang lan rộng và quan tâm đến những gì diễn ra ở tất cả quốc gia khác trên toàn cầu”, GS Worobey nhấn mạnh.
Nếu nghiên cứu tiếp tục cho thấy virus này lây lan giữa con người nhiều hơn so với những gì chúng ta dự đoán, câu hỏi đặt ra là tại sao thế giới không nghĩ đậu mùa khỉ có thể là bệnh đặc hữu ở ngoài Tây và Trung Phi.
“Chúng ta thậm chí không biết dịch này đã lan rộng trong bao lâu”
Nhà dịch tễ học, GS Anne Rimoin, Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding, đã nghiên cứu bệnh đậu mùa ở khỉ trong khoảng hai thập kỷ. Từ lâu, bà đã cảnh báo sự lây lan của nó ở những nơi như Cộng hòa Dân chủ Congo có thể gây ra những tác động lớn hơn đến sức khỏe toàn cầu.
Trong một bài báo năm 2010 trên tạp chí Proceedings, bà viết: “Nếu bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trong một ổ chứa động vật hoang dã bên ngoài châu Phi, sự thất bại của sức khỏe cộng đồng sẽ khó đảo ngược”.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới nhất đang trở thành thứ khó đoán vì chúng ta không thể truy ra nguồn gốc đầy đủ. "Chúng ta thậm chí không biết điều này đã lan rộng trong bao lâu. Có thể nó đã âm thầm lây lan trong thời gian dài”, GS Rimoin nói.
Các ca mắc trường đó thường không vượt quá xa so với một số ca tiếp xúc ban đầu với động vật bị nhiễm bệnh. Một khi virus lây lan giữa những động vật này, nó có thể tiếp tục nhảy ngược trở lại vào người, chẳng hạn những người có thể tiếp xúc với sóc hoặc chuột lang bị nhiễm bệnh.
Nếu chúng ta tiếp tục thấy sự lây truyền từ người sang người liên tục trong đợt bùng phát này, ngay cả ở mức độ thấp, khả năng lây ngược trở lại động vật ở những quốc gia không có dịch sẽ trở thành mối đe dọa khác biệt. Sự lây lan như vậy có thể cho phép virus tồn tại trong môi trường, nhảy giữa động vật và con người theo thời gian.
GS Rimoin nói: “Trong quá khứ, bệnh đậu mùa ở khỉ sẽ tự hết sau chuỗi lây truyền ngắn sang người. Chúng ta biết rất nhiều về loại virus này nhưng không phải mọi thứ. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu điều này rất cẩn thận".
Đậu mùa khỉ đặc trưng bởi những vết phát ban mưng mủ ở tay hoặc bất kỳ đâu trên cơ thể. Ảnh: Reuters. |
Còn quá sớm để kết luận
Các chuyên gia của WHO đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu với dịch đậu mùa khỉ là vừa phải.
Trong cuộc họp báo vào tuần trước, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nhận định "còn quá sớm để nói" liệu virus có thể trở thành dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ở nước này hay không nhưng các chuyên gia hy vọng điều đó không xảy ra.
Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc Bộ phận Bệnh học và Tác nhân Hậu quả cao của CDC cho biết loại virus này đã không trở thành đặc hữu sau đợt bùng phát cuối cùng ở Mỹ vào năm 2003.
CDC châu Âu cũng đồng ý với TS McQuiston khi nói rằng khả năng xảy ra sự kiện lây lan toàn quốc, toàn cầu là rất thấp.
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ khó trở thành đại dịch nhưng điều đó không có nghĩa nhiều người không có nguy cơ mắc bệnh. Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ tại Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, nhận định: "Chúng tôi lo ngại các cá nhân có thể bị lây nhiễm bệnh này thông qua việc tiếp xúc nguồn lây, người có nguy cơ cao nếu họ không có đủ thông tin cần thiết để bảo vệ mình. Chúng tôi lo ngại dân số toàn cầu không còn miễn dịch với các loại virus này kể từ khi chương trình xóa sổ bệnh đậu mùa chấm dứt".
Các cơ quan y tế đã cảnh báo bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus. Song, các thành viên của cộng đồng LGBTQ dường như có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vào thời điểm hiện tại.