Kylie Jenner thường xuyên chia sẻ ảnh khoe vóc dáng sau khi sinh con trai Wolf Webster vào tháng 2. Ảnh: @kyliejenner. |
Vào mùa hè, Kylie Jenner lên Instagram đăng ảnh khoe vóc dáng sau sinh tại phòng gym.
“Không có ngày nghỉ!”, cô cho biết, để lộ làn da rám nắng và cơ bụng hoàn hảo trong bộ đồ gợi cảm.
“4 tháng sau sinh. Tôi phải đối mặt với rất nhiều cơn đau lưng và đầu gối nên điều này làm chậm quá trình tập luyện. Nhưng tôi có nhiệm vụ phải trở lại mạnh mẽ”, Jenner nói thêm khi tập trên máy chạy bộ.
Annabelle Spranklen, cây viết của tạp chí Glamour, nhớ rõ tất cả vì thực tế, một năm sau khi sinh con, cô thấy mình ở tình cảnh hoàn toàn khác những gì Jenner chia sẻ.
Trong khi Jenner tự hào tuyên bố cô “không có ngày nghỉ” để tập luyện, Spranklen không hề có thời gian dành cho bản thân vì phải chăm sóc con 11 tháng tuổi đang mọc răng.
Tất nhiên, nếu có hàng tỷ USD như Jenner, ai cũng có thể có mọi sự trợ giúp họ cần. Tuy nhiên, quá trình hậu sản trong thực tế hoàn toàn khác trên mạng xã hội.
Kylie Jenner khoe quá trình tập luyện để lấy lại vóc dáng sau khi sinh con 4 tháng. Ảnh: @kyliejenner. |
Phi thực tế
Nghiên cứu vừa được công bố, do TS Megan Gow từ Đại học Sydney đứng đầu, xem xét 600 hình ảnh trên mạng xã hội của phụ nữ vừa sinh con với hashtag #postpartumbody. Họ khẳng định chúng không nói lên sự thật về cơ thể hậu sinh sản.
Nhóm của Gow phát hiện chỉ có 5% cho thấy những điều khá phổ biến với cơ thể sau sinh như rạn da, bụng nhão, da sần vỏ cam và sẹo do sinh mổ. Phần lớn hình ảnh còn lại là các bà mẹ mới sinh mặc đồ tập hay bikini… gợi ý rằng cơ thể của họ đã nhanh chóng “trở lại” như Kylie Jenner.
Đáng lo ngại, các nhà nghiên cứu kết luận những hình ảnh tạp chí bóng bẩy và mạng xã hội có xu hướng thể hiện “mang thai như trạng thái cần được ‘phục hồi’, tương tự bệnh tật”.
Rất ít bài đăng trên mạng xã hội cho thấy khía cạnh thực tế về cơ thể phụ nữ sau khi sinh con. Ảnh: Lucieslist. |
Tìm kiếm theo hashtag, Spranklen thấy có rất nhiều ảnh phụ nữ trẻ ôm con mới sinh để selfie trong gương trong khi mặc đồ thể thao. Chân bị bầm tím vì mũi tiêm chống đông máu, mái tóc bết nhờn, vài ngày không được chải chuốt hay bộ ngực nặng trĩu, xô lệch… là thực tế đối với nhiều người, nhưng không hề có dấu vết trên Instagram.
Thay vào đó, những hình ảnh được sắp xếp và chỉnh sửa cẩn thận đến mức mọi người sẽ bị lừa khi nghĩ rằng việc sinh em bé thật dễ dàng.
Trong khi ngôi sao nổi tiếng dường như là “thủ phạm” lớn nhất, những người xung quanh cũng có thể khiến mọi chuyện tệ đi.
Spranklen nhớ từng thấy đồng nghiệp đăng video tập thể dục bên cạnh đứa con đang ngủ ngoan, chỉ một tuần sau khi sinh. Trong khi đó, cô mới sinh được 3 tuần và xoay xở tự mặc quần áo giữa những lần cho con ăn theo cữ dài bất tận.
“Tôi gần như không thể đặt con xuống vì bé sẽ khóc. Tôi cảm thấy kiệt quệ về tinh thần. Chăm chút cơ thể và lấy lại vóc dáng là điều cuối cùng mà tôi có thời gian nghĩ đến”, cô nói.
Sợ không được chấp nhận
Nói về lý do thực sự khiến một số phụ nữ chia sẻ hình ảnh cơ thể không thực tế ngay sau khi sinh con, Noor Mubarak, cố vấn sức khỏe tâm thần sau sinh tại phòng khám trị liệu tư nhân ở Mỹ, cho biết điều này xuất phát từ “sự thôi thúc được người khác thích và chấp nhận”.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi biết tác động mạnh mẽ của lượt thích trên mạng xã hội đối với dopamine và hệ thống khen thưởng. Con người đặc biệt dễ mắc phải điều này khi cảm thấy bị cô lập, cô đơn, lo lắng hoặc thấp thỏm - tất cả cảm giác thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Sự lo lắng bị những người xung quanh chê bai hoặc cảm thấy tiêu cực thôi thúc họ tuân theo những lý tưởng không thực tế”, bà nói thêm.
Theo Mubarak, cơ thể sau sinh có thể rất khác so với những gì xã hội coi là thân hình lý tưởng. Vì vậy, nhiều người phải chỉnh ảnh rất kỹ rồi mới dám đăng lên mạng.
Phụ nữ cần được khuyến khích để không cảm thấy xấu hổ về cơ thể sau khi sinh. Ảnh: Bored Panda. |
Spranklen rất tức giận khi nghĩ đến việc những hình ảnh lừa dối trên mạng xã hội đang thúc đẩy quá trình biến đổi cơ thể sau sinh ở các nhóm dễ bị tổn thương hơn như thế nào. Cô may mắn có mạng lưới hỗ trợ đủ mạnh để ngăn mọi chuyện tệ đi.
“Chồng tôi không ngại đăng ảnh chụp vóc dáng thực tế sau khi sinh con của tôi nhưng những phụ nữ không có được điều đó thì sao? Những bà mẹ trẻ, đơn độc, lướt qua hình ảnh của những phụ nữ mới sinh con trên mạng và thấy mình thua kém, cần được ‘sửa chữa’ vì không được như ý. Điều này cần phải dừng lại”, cô nói.
Theo Spranklen, những gì phụ nữ cần biết là nuôi con là một trong số điều đáng kinh ngạc nhất, thay đổi cuộc đời và cả cơ thể của họ. Thay vì thấy bản thân cần được “tu sửa” lại, mạnh mẽ và kiên cường là điều đáng làm hơn.
Spranklen nhận ra rằng nên tránh xa mạng xã hội vì cơ thể sau sinh có đủ hình dạng và kích cỡ. Cô từng nhìn thấy bộ ngực nổi gân guốc, phần hông rộng, da gà và vết rạn… sau sinh của mọi người xung quanh. Những điều này có thể không tồn tại trên Internet, nhưng chúng có trong cuộc sống thực.
Nhiều người có thể không có đủ sức mạnh để chia sẻ khía cạnh “thực sự” của quá trình hậu sản trên mạng xã hội, nhưng tất cả cần phải trung thực hơn về trải nghiệm của mình.