Herluf Lund (65 tuổi), bác sĩ thẩm mỹ được chứng nhận ở Chesterfield (Missouri, Mỹ), vừa kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Hiệp hội Thẩm mỹ. Lund kể khi bắt đầu làm thẩm mỹ cách đây 30 năm, đa số khách hàng của ông đều muốn cuộc phẫu thuật của họ được giữ bí mật. Đặc biệt với các khách hàng thực hiện nâng ngực, họ luôn lo sợ rằng bản thân đang "làm chuyện gian dối".
"Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn so với khi tôi bắt đầu sự nghiệp. Bây giờ, bệnh nhân mong muốn chúng tôi sẽ chụp ảnh họ và đăng lên", Lund nói với The New York Times.
Năm 2020, người Mỹ đã chi 9,3 tỷ USD cho các loại phẫu thuật thẩm mỹ, con số này vào năm 2019 là 8,2 tỷ USD, theo The Aesthetic Society.
Trên TikTok, các bài đăng có hashtag "plasticsurgery" có hơn 6,8 tỷ lượt xem. Các trang xã hội phổ biến trên Instagram như @celebplastic, @celebrityplastics và @celebrityplastics chuyên đăng tải những hình ảnh ngày ấy - bây giờ của những ngôi sao nổi tiếng cũng hút lượng lớn người theo dõi.
Nhiều dân mạnh bị cuốn hút vào các video nói về quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt của những người nổi tiếng. Ảnh: The New York Times. |
So sánh mình với người nổi tiếng
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Lara Devgan (42 tuổi) có hơn 500.000 người theo dõi trên Instagram. Cô nói rằng các chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt của những người nổi tiếng và influencer, đã giúp giảm kỳ thị về phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ y khoa.
Devgan sử dụng trang mạng xã hội như một phần mở rộng hoạt động y tế của mình, chủ yếu giáo dục người xem về việc quản lý kỳ vọng những điều sẽ xảy ra. Trong một video của mình, cô giải thích về quy trình phẫu thuật mí mắt và quá trình phục hồi.
Người xem hoàn toàn bị mê hoặc bởi những nội dung này. Sarah Evans (33 tuổi, sống tại thủ đô Washington, D.C) từng dành phần lớn thời gian để nghĩ đến việc tiêm filler và thường xuyên xem trang Instagram @celebface. Cô thích thú khi biết rằng nhiều người nổi tiếng không phải ai cũng đẹp tự nhiên và họ cũng từng đụng chạm dao kéo.
Mạng xã hội đã góp phần lớn vào giảm kỳ thị với phẫu thuật thẩm mỹ. Một số chuyên gia được phỏng vấn đề cập đến show thực tế "Keep Up With the Kardashians" như ví dụ nổi bật về việc công khai chuyện tiêm chất làm đầy, khi Kim Kardashian West cho biết đã dùng botox trong một tập phim năm 2010.
Kim Kardarshian được cho đã thực hiện nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau. Ảnh: @kimkardashian. |
David B. Sarwer (53 tuổi), phó trưởng khoa nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại Temple University, có nghiên cứu về khía cạnh tâm lý của phẫu thuật thẩm mỹ. Ông nói rằng sự minh bạch này đã được mở rộng đối với những ngôi sao thực tế khác.
Các nữ chính trong phim "The Real Housewives" được miêu tả đã trải qua mọi loại hình thẩm mỹ, từ bơm môi đến thủ thuật trẻ hóa âm đạo.
Tuy nhiên, sự phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ trên truyền thông khiến nhiều người chạy đua theo nó. "Mọi người đều muốn có một đường xương hàm thật sắc nét và một chiếc cổ thanh mảnh", bác sĩ Lund nói.
Maggie Reid (33 tuổi), trợ lý giáo sư báo chí tại ĐH Toronto Scarborough kiêm dẫn chương trình podcast “Thế hệ Botox”, nói rằng khái niệm "tự chăm sóc bản thân" bị đẩy lên quá mức đến độ người ta tiêm mặt 6 tháng một lần để bản thân trông không "mệt mỏi".
Reid cho rằng sự công khai về phẫu thuật thẩm mỹ không làm cho những tiêu chuẩn về cái đẹp bớt áp lực.
"Chúng ta biết người nổi tiếng có huấn luyện viên, chế độ ăn kiêng và can thiệp thẩm mỹ để đẹp theo cách họ mong muốn, song đó không phải vấn đề ở đây. Điều đáng nói là lý tưởng về cái đẹp đang ngày càng leo thang, đến mức không ai có thể đạt được mà không đụng dao kéo, và phẫu thuật thẩm mỹ đang trở thành một phần của thói quen làm đẹp được bình thường hóa đó", Reid nói.
Tiêu chuẩn phi lý
L Commerce Hill, một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, tin rằng mọi người không biết được hết những thay đổi trên cơ thể và gương mặt của người nổi tiếng. Trên kênh vlog có hơn 200.000 người đăng ký, Hill mổ xẻ chi tiết các quy trình mà cá nhân cô tin rằng những người nổi tiếng từng trải qua, kèm theo bảng giá được tính toán tỉ mỉ ở dưới.
Sự phổ biến của ngành công nghiệp thẩm mỹ cũng đẩy tiêu chuẩn cái đẹp đi quá giới hạn, tạo áp lực lên phụ nữ. Ảnh: Pinterest. |
Hill cũng nói rằng cô không phải là bác sĩ hay chuyên gia thẩm mỹ mà chỉ là người hứng thú với chủ đề này. Các video của cô được các bác sĩ xác minh tính xác thực. Cô ghi chú trên kênh của mình: "Vui lòng đến gặp bác sĩ thẩm mỹ để được tư vấn y tế".
Song điều đó không ngăn được dân mạng bị hút vào các video của Hill. "Chúng tôi ngồi đây để so sánh cơ thể tự nhiên của mình (đa số là những người trẻ tuổ) với hình ảnh của một người nổi tiếng đã qua phẫu thuật thẩm mỹ", cô nói.
Hill cũng làm video chia sẻ về những lần phẫu thuật của chính mình. Cô chia sẻ trải nghiệm và quá trình phục hồi sau khi nâng cơ mặt và sửa mũi.
Nữ vlogger nói rằng cô rất hạnh phúc và tự tin với những cuộc phẫu thuật của bản thân, song từ khi thành lập kênh cách đây 2 năm, cô ít ủng hộ chuyện đụng dao kéo hơn. Cô phân vân và lo lắng về chuyện những hình ảnh hoàn hảo sẽ khiến người ta mất đi sự tự tin vào bản thân như thế nào.
Một số nghiên cứu đưa ra bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến cách nhìn nhận tiêu cực về bản thân. Một nghiên cứu trên 200 phụ nữ độ tuổi 18-25 chỉ ra sử dụng Instagram có liên quan đến việc tự khách quan hóa bản thân và so sánh về ngoại hình với người nổi tiếng.
Trong cuốn "Face: One Square Foot of Skin", tác giả Justine Bateman (55 tuổi), một nhà làm phim và là cựu diễn viên, cố gắng chống lại quan điểm cho rằng khuôn mặt phụ nữ "bị hỏng và cần phải sửa".
Trên trang bìa là bức ảnh không bị chỉnh sửa của bà, với những nét vẽ từ cây bút của một bác sĩ thẩm mỹ. Cuốn sách là những suy ngẫm về khuôn mặt phụ nữ cùng áp lực phải "xấu hổ và thấy tội lỗi vì khuôn mặt của họ lão hóa một cách tự nhiên".
Bateman nói rằng bà đã chọn cách từ chối áp lực đó. "Tôi có thể nhìn vào gương và nghĩ rằng mình trông thật kinh khủng, hoặc tin rằng khuôn mặt mình siêu ngầu. Tất cả chúng ta đều tạo ra thực tế của riêng mình, đó là thực tế của tôi, và không ai có thể làm gì với nó".