Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự nghiệp đỉnh cao với toàn siêu phẩm của đạo diễn ‘Ký sinh trùng’

Cho đến trước “Parasite”, sự nghiệp của nhà làm phim 49 tuổi người Hàn Quốc gần như hoàn hảo, với nhiều bộ phim được cả khán giả lẫn giới phê bình ngợi ca.

dao dien Bong Joon-ho anh 1
Incoherence (1994): Để hiểu hơn về những thông điệp phản biện xã hội mà Bong Joon-ho đem đến qua những bộ phim sau này của ông, khán giả cần quay ngược về năm 1994. Đó là thời điểm vị đạo diễn trình làng bộ phim tốt nghiệp dài khoảng 30 phút có tên Incoherence. Tác phẩm được chia làm bốn phần. Phần đầu là chuyện một giáo sư đại học ngồi đọc tạp chí khiêu dâm trong văn phòng, phần hai là chuyện một ông lão đi tập thể dục chuyên uống trộm sữa được giao trước cửa hàng xóm mỗi sáng, và phần ba là chuyện một người đàn ông đại tiện bậy bạ để rồi bị phát hiện. Ba câu chuyện tưởng như độc lập rốt cuộc tụ lại ở đoạn kết. Trên thực tế, Incoherence còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật với những góc máy ngô nghê, nhưng bộ phim sớm bộc lộ một phần tài năng của Bong Joon-ho, và cho thấy ông là một nhà làm phim có thể tiến xa, đem đến những tác phẩm có giá trị đả kích, châm biếm xã hội cực kỳ sâu cay.
dao dien Bong Joon-ho anh 2
Barking Dogs Never Bite (2000): Tuy không có chú chó nào bị làm hại trong quá trình làm phim, nhưng Barking Dogs Never Bite vẫn gây tranh cãi tại thời điểm ra mắt và tác phẩm dài đầu tay của Bong Joon-ho bị coi là thất bại tại phòng vé. Dẫu vậy, bộ phim giúp định hình phong cách hài “đen” đặc trưng sau này của ông. Chuyện phim xoay quanh chuyến hành trình tìm kiếm chú chó bị mất tích của một viện sĩ thất thế (Lee Sung-jae) và một nữ nhân viên tòa nhà (Bae Doo-na). Trong khu chung cư của họ, các chú chó cảnh cứ thế mất tích một cách bí ẩn. Nhiều vấn đề xã hội bị lột trần một cách khéo léo trong tác phẩm, đơn cử như chuyện muốn tiến thân phải đi đút lót hay sự đạo đức giả trong mỗi cá nhân.
dao dien Bong Joon-ho anh 3
Memories of Murder (2003): Memories of Murder đến nay được coi là tác phẩm đỉnh cao sự nghiệp của Bong Joon-ho nói riêng, cũng như điện ảnh Hàn Quốc hiện đại nói chung. Tại một cuộc bầu chọn do Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) tổ chức, tác phẩm nằm trong top 10 danh sách 100 phim Hàn hay nhất lịch sử. Chuyện phim Memories of Murder dựa trên vụ giết người hàng loạt có thật tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi trong quãng 1986-1991. Do nhiều hạn chế trong công tác điều tra và bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, cảnh sát đến nay vẫn chưa thể tìm ra danh tính kẻ sát nhân. Theo chân hai thanh tra Park Doo-man (Song Kang-ho) và Seo Tae-yoon (Kim Sang-kyung), khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui vẻ, sợ hãi cho đến giận dữ tột cùng bởi cái kết đầy ám ảnh. Memories of Murder xứng đáng được thưởng thức nhiều lần bởi những thông điệp ngầm phía sau, thay vì đơn thuần chuyện điều tra - phá án.
dao dien Bong Joon-ho anh 4
The Host (2006): Với 13,01 triệu lượt khán giả nội địa, The Host của Bong Joon-ho là bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại tại thời điểm ra mắt. Tác phẩm thuộc dòng quái vật, xoay quanh một gia đình nghèo bên bờ sông Hàn có cuộc sống bị xáo trộn bởi một sinh vật lạ bỗng nhiên trồi lên từ dưới mặt nước và bắt đi đứa con gái nhỏ của họ. The Host không đơn thuần là một bộ phim quái vật. Hành trình tìm kiếm người thân của nhóm nhân vật chính làm lộ ra nhiều “ung nhọt” trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Phim thậm chí còn đề cập trực diện đến mối quan hệ chính trị Mỹ - Hàn vốn gây nhiều tranh cãi trong xã hội xứ kim chi hồi đầu thế kỷ XX.
dao dien Bong Joon-ho anh 5
Mother (2009): Sau bộ ba phim “tìm kiếm” hết sức thành công, Bong Joon-ho rút về thực hiện một tác phẩm có quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn khiến người xem phải ám ảnh. Mother kể câu chuyện một bà mẹ (Kim Hye-ja) gắng tìm cách minh oan cho cậu con trai ngớ ngẩn (Won Bin) đang bị chính quyền cho là kẻ sát nhân. Tình mẫu tử có lẽ chưa bao giờ mãnh liệt và trần trụi đến thế trên màn ảnh lớn. Trong Mother, dường như không tồn tại ranh giới trắng - đen, đúng - sai, và người xem cứ thế bị cuốn theo chuyến hành trình đầy gai góc của bà mẹ không tên, mà không biết liệu cả nhân vật lẫn bản thân có dám đối mặt với điểm cuối hay không.
dao dien Bong Joon-ho anh 6
Snowpiercer (2012): Bong Joon-ho lần đầu cộng tác với dàn sao quốc tế khi chuyển thể cuốn tiểu thuyết truyện tranh Le Transperceneige lên màn bạc. Trong phim, thế giới bước vào giai đoạn hậu tận thế sau một thí nghiệm thất bại, và những người sống sót nay sinh tồn trên chuyến tàu chạy động cơ vĩnh cửu. Tại đó, xã hội cứ thế phân cấp theo từng toa, từ nghèo đói, bẩn thỉu, cho đến xa hoa, trụy lạc. Báo chí quốc tế dành nhiều lời ca ngợi cho Snowpiercer. Chứa đựng nhiều phân cảnh hành động - kịch tính, nhưng bộ phim để lại cái kết nhiều suy ngẫm cho khán giả về trật tự giàu - nghèo trong xã hội, và hành động của mỗi giai cấp có thể tác động lên nhau ra sao.
dao dien Bong Joon-ho anh 7
Parasite (2019): Sau Okja (2017) phần nào đó gây thất vọng cho các fan ruột, Bong Joon-ho bắt tay thực hiện Parasite, và tạo ra chiến thắng thần kỳ cho điện ảnh Hàn Quốc khi bộ phim ẵm giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5. Theo dõi tác phẩm, khán giả dễ dàng nhận ra những nội dung quen thuộc trong các phim trước đây của Joon-ho, như sự phân biệt giai cấp giàu - nghèo đến cùng cực, được kể với phong cách châm biếm đầy sâu cay. Sự biến chuyển giữa nhiều thể loại trong một tác phẩm được ông xử lý đầy khéo léo, và Parasite xứng đáng là đỉnh cao mới trong sự nghiệp của vị đạo diễn 49 tuổi.
Trailer bộ phim 'Ký sinh trùng' Bộ phim mới nhất của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng Bong Joon-ho, với câu chuyện về sự phân hóa giàu-nghèo trong xã hội.

‘Ký sinh trùng’ - tuyệt phẩm Hàn Quốc hài hước, giật gân và đầy ám ảnh

Tác phẩm mới của đạo diễn Bong Joon-ho mang nặng tính châm biếm, hài hước, nhưng không kém phần kịch tính, bất ngờ. Phim hoàn toàn xứng đáng với giải Cành cọ vàng mới đây.

Tuấn Lương

Ảnh: Cine21

Bạn có thể quan tâm