Thừa chiêu trò, thiếu chuyên môn
Chương trình truyền hình thực tế đã thực sự bùng nổ cùng hàng loạt chương trình trong vài năm qua như Thần tượng Việt Nam (Vietnam’s Idol), Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt (The Voice), Nhân tố bí ẩn (The X-Factor), Vua Đầu bếp (Master Chef), Bước nhảy Hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy, Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent)…
Đáng tiếc là cùng với sự tăng nhanh về số lượng là sự giảm dần về chất lượng. Vẫn với format cũ, những gương mặt giám khảo quen thuộc, dàn thí sinh nhạt dần qua mỗi mùa là nguyên nhân khiến các chương trình giảm chất lượng. Nhưng thay vì tạo điểm hấp dẫn mới hoặc mạnh dạn hơn là “đóng cửa” thì nhiều chương trình lại lựa chọn phương án tạo ra scandal để giải quyết vấn đề.
Việc đưa người nổi tiếng vào trực tiếp chơi và làm giám khảo trong các chương trình cũng không phải là cách làm bền vững để truyền hình thực tế hấp dẫn khán giả. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thời gian qua đã có không ít khán giả ngán ngẩm quay lưng và “miễn bình luận” đối với một số chương trình thực tế trên truyền hình. Song, mới đây, việc ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi được mời ngồi ghế nóng của chương trình Cùng nhau tỏa sáng đã trở thành “giọt nước làm tràn ly”.
Không phủ nhận Phương Mỹ Chi đã trở thành người của công chúng bằng tài năng ca hát. Có thể, khi đứng trên sân khấu, cô bé chinh phục được khán giả nhưng khi ngồi trên ghế nóng của một chương trình truyền hình thực tế lại là một chuyện khác. Có lẽ một khán giả dễ tính nhất cũng không thể chấp nhận việc một cô bé 12 tuổi, ngồi ngang hàng trên ghế giám khảo với đạo diễn, diễn viên Việt Trinh, ca sĩ Phương Thanh, danh hài Tấn Beo và nhạc sĩ Đức Huy.
Trong khi đó, những thí sinh của cuộc thi còn đáng tuổi anh, tuổi chị và còn hơn thế so với tuổi 12 của cô bé. Có thể theo những người làm chương trình, sự vô tư, hồn nhiên của Phương Mỹ Chi sẽ là điểm nhấn của chương trình nhưng nhiều khán giả cho rằng, cô bé chưa xứng đáng với danh xưng giám khảo. Và hơn hết, không nên để cô ca sĩ nhí này già trước tuổi, hãy để em đứng trên sân khấu hát hơn là bước chân vào vòng xoáy của những nhận xét khen chê, được mất…
Không thể phủ nhận, tên tuổi của giám khảo sẽ tạo độ “hot” cho chương trình truyền hình thực tế. Song nếu giám khảo không có chuyên môn về vấn đề mà họ ngồi ghế nóng thì chính giám khảo sẽ làm nhàm chán chương trình.
Một trong những gương mặt quá cũ trên ghế giám khảo phải kể đến đạo diễn Lê Hoàng. Với khả năng hoạt ngôn cùng những bài viết với giọng văn đa dạng, vừa sắc sảo, vừa trào lộng, châm biếm chua ngoa lẫn khá nhiều những phát ngôn gây sốc gây nhiều tranh cãi - điều các nhà sản xuất rất cần để tạo hiệu ứng khán giả, nên khi truyền hình thực tế đổ bộ vào Việt Nam, cái tên Lê Hoàng ngay lập tức được săn đón. Và quả thật, Lê Hoàng đã không làm những nhà sản xuất chương trình thất vọng khi liên tục tạo sóng dư luận với những nhận xét, cách cho điểm không giống ai của mình.
Nhiều thí sinh là các nghệ sĩ còn đăng đàn phản pháo, bức xúc vì cách làm giám khảo của vị đạo diễn cá tính này… Và chính sự phủ sóng dày đặc, khi bật kênh nào cũng thấy Lê Hoàng, cũng chỉ một sự khắt khe, châm biếm và đanh đá ấy, chẳng có gì mới lạ đã khiến khán giả mệt mỏi vì sự nhàm chán. Phải chăng việc các nhà tổ chức mời Lê Hoàng làm giám khảo với mong muốn tạo một cá tính, tạo độ sốc cho chương trình lại đang phản tác dụng?
Trong liveshow Bài hát Yêu thích tháng 9 phát sóng truyền hình trực tiếp, đạo diễn Lê Hoàng lại có màn đấu khẩu kịch tính với Trác Thúy Miêu, họ chuyển từ nói sang hành động khua chân múa tay, giành micro... cố tình hạ bệ nhau bằng những câu đá xoáy...
Những chiêu trò tiếp tục được áp dụng triệt để với chương trình Nhân tố bí ẩn. Trong tập phát sóng ngày 14/ 9, giám khảo Đàm Vĩnh Hưng đã áp dụng triệt để chiêu trò với tư cách là HLV của một đội thi và kết quả phân loại là sự cạnh tranh với thí sinh của đội ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Hai giám khảo còn lại Dương Khắc Linh và Hồ Ngọc Hà là những người quyết định "người đi, người ở” đã biến cuộc thi thành một phiên "đấu giá” không hơn. Cho dù sự phân định không phải bằng tiền, nhưng với cách năn nỉ, hờn dỗi, cướp lời, thậm chí dọa nạt của ban giám khảo đã khiến kết quả cuộc thi mất đi hẳn yếu tố chuyên môn.
Tương tự chương trình Tìm kiếm tài năng Việt tập 6 diễn ra tối 2/11 vừa qua, phần biểu diễn hát của cô bé 5 tuổi khá bình thường song giám khảo lại cho bé vào vòng trong vì “vẻ ngoài đáng yêu”.
Khán giả cần gì?
Đây là câu hỏi bị bỏ ngỏ lâu nay chưa được trả lời. Các chương trình truyền hình thực tế cứ đua nhau lên sóng, thu hút quảng cáo chứ chưa quan tâm xem khán giả phản ứng ra sao. Khán giả có cần những chương trình truyền hình thực tế làm dụng quá nhiều màn “chặt chém”, chiêu trò. Trong đó, những xung đột góp phần giải quyết vấn đề, giải toả cảm xúc cho khán giả thì ít mà gây ức chế, trở thành trò cười thì nhiều.
Không thể phủ nhận, điểm nhấn của bất cứ chương trình nào cũng là những nhân vật chính đang biểu diễn trên sân khấu. Việc khách mời, giám khảo nhận xét, tranh luận cũng chỉ xem là một phần trong chương trình, đừng nên biến thành những trò lố, gây cười và để khán giả quay lưng.
Chị Hoàng Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: “Tôi không muốn các con tôi - đang ở lứa tuổi mới lớn xem các chương trình truyền hình thực tế có những màn tranh luận mà như cãi vã, nhiều ngôn từ xỉa xói khó có thể chấp nhận. Theo tôi, người xem truyền hình sẽ có cảm giác cực kỳ khó chịu vì những màn đấu khẩu chiếm tương đối thời lượng của chương trình. Như vậy, vô tình chương trình đang thu hút khán giả bằng chiêu trò chứ không phải bằng chất lượng thực. Mà chiêu trò thì đương nhiên không bền, không tạo nên giá trị cho chương trình…”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thắng (TP. Nam Định) lại cho rằng, chính những nhận xét khó nghe và khá cảm tính, thiếu chuyên môn sâu sắc của giám khảo một số chương trình truyền hình đã khiến thí sinh không những không học hỏi, tiến bộ thêm mà còn gây ra sự tổn thương và những lời tuyên bố "cạch mặt" chương trình.
Việc đưa người nổi tiếng vào trực tiếp chơi và làm giám khảo trong các chương trình cũng không phải là con đường lâu dài để truyền hình thực tế hấp dẫn khán giả. Chính đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam cũng thừa nhận: “Chúng ta đều đã thấy hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đang phải lôi kéo các nghệ sĩ nổi tiếng vào tham dự để đảm bảo sự ăn khách. Mà việc này sẽ khó đảm bảo tính hấp dẫn lâu dài, giống như phim truyền hình đã từng có giai đoạn cố gắng đưa người mẫu, hoa hậu, ca sĩ vào đóng phim để tạo sức hút. Một thời gian sau cũng đã trở nên bão hòa. Vậy nên, bản chất cuối cùng và cũng là vấn đề cốt lõi để làm nên giá trị thực sự của các chương trình truyền hình là chất lượng nội dung và tính lâu dài về sản xuất qua nhiều năm”.
Thiết nghĩ, nhà đài và BTC các chương trình truyền hình cần cân nhắc kỹ về yếu tố khách mời. Bên cạnh sự tôn trọng cá tính, quan điểm cá nhân thì vẫn cần đưa ra những giới hạn về nguyên tắc ứng xử, nhất là đối với các chương trình phát sóng trực tiếp để thực sự đến được gần hơn với công chúng Việt.