“Đến giờ, tôi vẫn trăn trở mãi ánh mặt của bệnh nhân đó. Cô nói tự biết bản thân đã sai lầm. Nhưng lúc này, ước mơ của của cô khi gặp tôi là chỉ mong đến lúc qua đời, 2 đứa con đã nhớ được mặt mình”, thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội hồi tưởng trong cuộc trò chuyện với Zing.
Vị chuyên gia thừa nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh ung thư nói chung đang ngày càng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi. Nhiều trường hợp đáng tiếc khi phát hiện bệnh với tương lai còn rất dài.
Từ “gan lì” đến hối hận
Chia sẻ về các ca bệnh ung thư trẻ tuổi từng có dịp tiếp cận và điều trị, BS Thịnh kể lại từng thăm khám lâm sàng cho một bệnh nhân nữ, 29 tuổi, đã có gia đình và 2 con nhỏ.
Khi tới khám sức khỏe, bệnh nhân bất ngờ được phát hiện mắc ung thư vú. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ, bất chấp tư vấn từ các bác sĩ, người phụ nữ này vẫn kiên quyết từ chối điều trị tại bệnh viện và trở về nhà dùng thuốc nam theo lời khuyên của gia đình.
“Sau khoảng 5 tháng, bệnh nhân này quay lại. Vừa bước vào cửa phòng khám, tôi đã thấy mùi hôi bốc lên do khối u của bệnh nhân đã hoại tử nghiêm trọng và di căn tới các bộ phận khác”, BS Thịnh kể.
Ngày càng có nhiều trường hợp mắc ung thư khi còn trẻ tuổi đáng tiếc. Ảnh minh họa: national_cancer_institute. |
Ngày trở lại bệnh viện, người phụ nữ này được mẹ đi cùng và dẫn theo 2 đứa con mới hơn 2 tuổi. Trước đó, bệnh nhân cũng đã phải ly hôn với chồng.
“Chúng tôi khi đó cũng chỉ có thể điều trị triệu chứng cho bệnh nhân. Được thêm khoảng 6-7 tháng sau thì bệnh nhân qua đời”, BS Thịnh chia sẻ.
Phó trưởng khoa Khám bệnh bày tỏ sự tiếc nuối khi 2 con của bệnh nhân, ở thời điểm cô mất, còn quá nhỏ. Đây cũng là trường hợp đau lòng nhất vị chuyên gia này gặp ở các bệnh nhân ung thư trẻ tuổi.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 30 tuổi, trú tại Hà Nội, mắc ung thư đại tràng. Điều đáng nói là bệnh nhân này có yếu tố gia đình rất rõ ràng khi bố của ông cũng mắc ung thư đại tràng.
“Do có quen biết nên tôi đã phải đến tận nhà thuyết phục người bố điều trị - dùng thuốc nam và may mắn sức khỏe ổn định, đồng thời khuyên toàn bộ con của ông tới bệnh viện tầm soát do cơ địa gia đình liên quan polyp đại tràng”, BS Thịnh nói.
Dù thành công trong việc thuyết phục gia đình này đi tầm soát ung thư đại tràng, người con vẫn quyết định không điều trị theo phác đồ của bác sĩ mà cũng tiếp tục dùng thuốc nam.
Tuy nhiên, không may mắn như bố, bệnh nhân này sau đó đã xuất hiện tình trạng tắc ruột cấp, phải nhập viện. Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ phát hiện khối u đã di căn nghiêm trọng. Hiện, bệnh nhân chỉ còn được điều trị triệu chứng nhằm kéo dài thời gian sống.
“Bệnh nhân này có 2 điều đáng tiếc là có yếu tố gia đình, có thể tầm soát sớm, nhưng khi tầm soát và phát hiện ung thư lại từ chối điều trị”, BS Thịnh chia sẻ.
Gần nhất, vị chuyên gia này cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 26 tuổi, đã ung thư phổi giai đoạn 3. Bệnh nhân này hiện duy trì điều trị hóa chất để kéo dài thời gian sống.
Phó trưởng khoa Khám bệnh kể: “Bệnh nhân có chia sẻ với tôi rằng mục đích là được sống tới khi con được đi học. Tới khi đạt được mục tiêu đó lại tiếp tục nuôi hy vọng con lên đến cấp 2, cấp 3… Cũng khó trách được khi bệnh nhân còn quá trẻ, còn nhiều điều để chờ đợi”.
Ung thư trẻ hóa
BS Thân Văn Thịnh khẳng định số lượng người mắc các bệnh lý ung thư ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Điều đáng buồn là tỷ lệ bệnh nhân ung thư trẻ cũng đang có xu hướng trẻ hóa.
Vị chuyên gia nêu giả thuyết: “Một trong những lý do chính của tình trạng này có thể là các nguyên nhân về môi trường sống độc hại, người bệnh bị ảnh hưởng từ lối sống, sinh hoạt không kiểm soát với rượu bia, thức đêm, lười vận động, béo phì, thừa cân…”.
Đây là điều khác biệt với quá khứ, khi đa phần các bệnh nhân ung thư do liên quan yếu tố nhiễm khuẩn.
Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: marcelo_leal. |
Theo BS Thịnh, ngoài một số bệnh ung thư vốn nguy hiểm và hay xảy ra ở người trẻ hơn như ung thư máu, ung thư xương, u nguyên bào, ung thư tuyến giáp… vị chuyên gia này còn bắt gặp nhiều các ca ung thư vú, ung thư đại trực tràng - các bệnh vốn có nguy cơ cao ở người cao tuổi - xuất hiện ở người trẻ.
“Tình trạng này sẽ thay đổi cục diện về tầm soát ung thư. Ví dụ trong quá khứ, khuyến cáo ung thư đại trực tràng thường với người 50-60 tuổi thì nay, nhóm trên 40 tuổi đã phải chủ động tầm soát”, ông nói.
BS Thịnh cũng nhấn mạnh đa phần ung thư diễn biến sớm không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi đã xuất hiện triệu chứng, đồng nghĩa bệnh đã diễn biến nặng. Trên thực tế, việc vô tình phát hiện ung thư trong quá trình thăm khám không hiếm, nhiều nhất là ung thư tuyến giáp.
Do đó, với bệnh lý ung thư, việc tầm soát có vai trò và ý nghĩa quan trọng nhất. Tuy nhiên, BS Thịnh khuyến cáo bệnh nhân cần đến đúng các cơ sở chuyên khoa sâu, tránh tình trạng bỏ sót khi khám dẫn đến tâm lý chủ quan vì đã đi khám nhưng không phát hiện bệnh, khiến ung thư tiến triển âm thầm.
Vị chuyên gia cũng cho hay bệnh lý ung thư ở người trẻ gặp nhiều nhất hiện nay là ung thư tuyến giáp và ung thư về hạch.
“Bên cạnh những bệnh lý ung thư vốn vẫn gặp nhiều ở người trẻ như sarcoma xương, sarcoma phần mềm, ung thư hạch… một số loại ung thư cũng đang có xu hướng trẻ hóa là ung thư tuyến giáp, ung thư đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, thậm chí ung thư phổi”, BS Thịnh thông tin.