Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sự sống của tôi phụ thuộc vào những giọt máu của mọi người'

Hai năm điều trị căn bệnh ung thư máu ác tính, hơn ai hết, anh Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi, ở Vinh, Nghệ An) biết rõ giá trị của những giọt máu.

Năm 2019, anh phát hiện bệnh và được bệnh viện tuyến huyện chuyển lên tuyến trung ương. Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ngay lập tức anh được truyền tiểu cầu. Hùng kể lúc này, anh chưa biết rõ về bệnh tình của mình. Anh chỉ biết từ thời điểm đó, tiểu cầu trở thành nguồn sống của anh.

Giọt sự sống

Để điều trị ung thư, anh trải qua 4 đợt truyền hóa chất liên tục trong 7 tháng. Điều đó khiến anh gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu với chỉ số xuống rất thấp - tác dụng phụ phổ biến ở những người bệnh ung thư, đặc biệt khi sử dụng phương pháp hóa trị. Nếu không được truyền tiểu cầu, anh sẽ tăng nguy cơ chảy máu tự nhiên hoặc khó cầm máu, nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, sau mỗi lần truyền hóa chất, anh phải bù hồng và tiểu cầu, có lần bù tới cả lít tiểu cầu.

Chu nhat Do anh 1

Hai năm điều trị căn bệnh ung thư máu ác tính, hơn ai hết, anh Nguyễn Trọng Hùng (36 tuổi, ở Vinh, Nghệ An) biết rõ giá trị của những giọt máu. Ảnh: Công Thắng.

“Tôi chỉ có thể sống bằng nguồn máu từ người khác truyền vào. Những bệnh nhân ung thư như tôi trên tay lúc nào cũng có sẵn kim luồn là vì thế”, anh chỉ vào cánh tay mình và cho biết vừa được truyền tiếp 2 đơn vị tiểu cầu.

Anh vừa phải quay lại bệnh viện do căn bệnh tái phát. Do dịch Covid-19, nhiều thời điểm kho máu cạn kiệt, anh đã kêu gọi bạn bè, người thân tham gia hiến máu.

“Là một bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, tôi nhận thức sự sống của mình phụ thuộc vào những giọt máu, tấm lòng của mọi người. Với trải nghiệm của người trong cuộc và đứng trước cảnh cửa sinh tử, mỗi giọt máu với tôi là giọt sự sống. Nếu không có máu, chúng tôi có thể phải dừng sự sống. Tôi không thể nào diễn tả được sự biết ơn đối với những người tình nguyện đã cho chúng tôi những giọt máu đó”, anh Hùng xúc động.

Nỗi lo thiếu máu luôn thường trực

Chia sẻ tại cuộc họp báo về Chủ nhật Đỏ lần thứ XIII năm 2021, Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết tiểu cầu là một trong những thành phần của máu, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động đông và cầm máu, chống chảy máu.

Khác với người khỏe mạnh bị xuất huyết não, ở những người mắc bệnh về máu, khi tình trạng này xảy ra, họ rất khó có cơ hội sống sót. Chính vì thể, họ rất cần được bổ sung tiểu cầu khi chỉ số này bị giảm.

Tiến sĩ Khánh cho biết trước đây để có một đơn vị tiểu cầu, các kỹ thuật viên phải gom từ 4-5 đơn vị máu toàn phần từ nhiều người cho mới đủ. Hiện các bác sĩ có thể chủ động hơn nhờ “tiểu cầu máy” bằng cách chiết tách tiểu cầu của một người hiến, các tế bào máu khác được truyền trả lại.

"Tiểu cầu gạn tách chỉ từ một người hiến, khi tiếp nhận, bệnh nhân chỉ tiếp xúc một người lạ. Dù nhóm máu phù hợp song một số thông số có thể bất đồng. Sau nhiều lần, chúng sẽ sinh ra kháng thể, gây phản ứng phụ cho người bệnh", tiến sĩ Khánh cho hay.

Chu nhat Do anh 2

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng.

Tuy nhiên, vào nhiều thời điểm, đặc biệt 2-3 tuần sau Tết Nguyên đán, ít người hiến máu, đồng nghĩa không có tiểu cầu để cứu sống bệnh nhân.

"Tiểu cầu có vai trò quan trọng nhưng rất mỏng manh. Chúng chỉ có thời gian sống 3-5 ngày. Sau thời gian đó, tiểu cầu mất giá trị, phải bỏ", ông Khánh nói.

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương dẫn chứng những bệnh nhân như anh Hùng, họ cần truyền tiểu cầu vào những thời điểm nhất định để ngăn xuất huyết não và tử vong nhưng tình trạng không có hoặc đã bị hỏng của tiểu cầu trong ngân hàng khiến họ đối mặt nguy cơ tử vong một cách đau đớn.

Ông kỳ vọng chương trình Chủ nhật Đỏ sẽ góp phần cứu sống những bệnh nhân này. Chương trình kéo dài từ tháng 12/2020 đến tháng 3.

"Áp lực tiếp nhận và cung cấp máu vào trước, trong và sau Tết luôn là nỗi lo thường trực cho các cơ sở truyền máu, nhất là với các chế phẩm có thời hạn bảo quản ngắn như khối tiểu cầu. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan, đơn vị và cộng đồng không chỉ tích cực hiến máu vào thời điểm này. Nếu đủ điều kiện, hãy hiến tiểu cầu để đảm bảo máu và chế phẩm máu cho người bệnh", TS Khánh kêu gọi.

Với tiểu cầu, người tình nguyện có thế tái hiến sau 3 tuần thay vì 3 tháng như máu toàn phần.

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức Chủ nhật Đỏ, cho biết năm nay, chương trình có sự tham gia của 43 tỉnh/thành phố. Dự kiến, 80 điểm hiến máu tiếp nhận hơn 50.000 đơn vị máu. Tính đến hết ngày 6/1, chương trình đã có 16 điểm hiến máu được tổ chức với gần 11.272 đơn vị máu được hiến tặng.

Tại Hà Nội, chương trình sẽ chính thức khai mạc vào 17/1 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

'Tôi khỏi ung thư máu nhờ tế bào gốc của anh trai'

Sau 12 năm được ghép tế bào gốc đồng loài, người đàn ông ở Lạng Sơn hiện khỏe mạnh, có cuộc sống hạnh phúc.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm