Trong Gái già lắm chiêu 3, nhân vật Thái Tuyết Mai (NSND Lê Khanh đóng) có một câu thoại: “Con công phải ra con công, con phượng phải ra con phượng. Còn bản chất là vịt là ngan thì làm sao ra cốt cách của công, của phượng cho được”.
Đài từ của Lê Khanh chắc nịch và đanh thép trong câu thoại đầy tính hình ảnh. Nghe giọng nói và nét diễn song hành của chị, người quan sát có thể nhận ra hình ảnh của bà hoàng Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc nức tiếng năm nào. Không ai khác, là Lê Khanh.
Lê Khanh và Ninh Dương Lan Ngọc trong một cảnh phim. |
Tái xuất sau 20 năm
Là con gái của NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, 8 tuổi Lê Khanh đã đóng bộ phim truyền hình đầu tiên. Trong sự nghiệp của mình, chị cũng đã đóng 15 vai diễn điện ảnh lớn nhỏ. Nhưng với nhiều người, sân khấu mới đúng nghĩa Lê Khanh, nơi chị thuộc về.
Ở thị trường sân khấu Hà Nội, Lê Khanh là một thương hiệu, đủ đài các để thành biểu tượng, đủ tài năng để có những vai diễn sống mãi và đủ trứ danh, để không cần phủ sóng game show, truyền hình, điện ảnh, người ta vẫn nhắc đến chị.
NSƯT Chí Trung từng đùa: “Ở nhà hát Tuổi trẻ, Lê Khanh là bàn thờ, tôi chỉ là toilet”. Câu nói hóm hỉnh của Chí Trung phần nào chứng tỏ ở nhà hát, Lê Khanh là một hình ảnh “kim vàng giọt lệ”.
Rất nhiều vai diễn của Lê Khanh trên sân khấu trở thành “kim chỉ nam” trong diễn xuất kịch nói, ví như Juliet trong Romeo và Juliet, Đan Thiềm trong Vũ Như Tô hay Lý Chiêu Hoàng trong Rừng trúc…
Trong thời kỳ hoàng kim của kịch nghệ, những vai diễn của Lê Khanh trên “thánh đường” từng chinh phục không chỉ những thế hệ khán giả mà chính đồng nghiệp của chị.
Trong tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời, NSƯT Thành Lộc viết: “Lần đầu tiên nhìn thấy Lê Khanh hóa thân thành tiểu thư Juliet của William Shakespeare là tôi biết mình sẽ ‘chết’ vì người nữ diễn viên này và đúng là từ đó tôi đã lụy với những vai diễn của nàng”.
Trong mắt Thành Lộc, Lê Khanh hội đủ mọi điều để ngưỡng mộ “sắc vóc thanh nhã, vẻ đẹp hồn hậu, phong cách quý phái, sang trọng lại đằm thắm, và tài năng thì thuộc hàng xuất sắc”.
Dù tham gia cả điện ảnh và truyền hình, tài sản diễn xuất của Lê Khanh chủ yếu đến từ sân khấu. Khi thời vàng son qua đi, kịch nghệ khủng hoảng trước sự lớn mạnh của các loại hình giải trí khác, Lê Khanh càng ẩn mình gắn bó với sân khấu.
Trước khi về hưu vào năm 2019, Lê Khanh giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, phụ trách mảng nghệ thuật. Trong nỗ lực chấn hưng sân khấu, Lê Khanh “tuyệt giao” với phim truyền hình suốt 10 năm trước khi trở lại vào năm 2018 với vai bà mẹ trong phim Mẹ ơi, bố đâu rồi.
Ở lĩnh vực điện ảnh, Lê Khanh vắng bóng suốt 20 năm. Bộ phim gần nhất chị tham gia là Mùa hè chiều thẳng đứng (2000). Do đó, sự tham gia của nữ NSND trong Gái già lắm chiêu 3 có thể coi là một dấu ấn mang tính tái xuất.
Lê Khanh được một bộ phận khán giả mến mộ chờ đợi ngay từ khi Gái già lắm chiêu 3 chưa ra rạp. Nhưng cùng với đó, không ít người cũng thắc mắc vì chị nhận lời tham gia một phim đậm tính giải trí (những phần trước không được đánh giá cao về nghệ thuật) của bộ đôi đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân.
Cũng có người lo cho chị vì điện ảnh vốn khác sân khấu, nhất là khi màn trở lại truyền hình trong Mẹ ơi, bố đâu rồi đã không để lại nhiều ấn tượng.
Lê Khanh gây ấn tượng mạnh về khả năng đài từ. |
Tuy nhiên, với thực tế Gái già lắm chiêu 3, Lê Khanh không khiến công chúng thất vọng. Chị chẳng những không “mất sang” đi mà còn phát huy được những lợi thế vốn có của bản thân để xây dựng một hình ảnh khác biệt so với những vai diễn khác trong phim.
Đẳng cấp diễn xuất và đài từ
Trong Gái già lắm chiêu 3, Lê Khanh đóng vai Thái Tuyết Mai, con dâu trưởng của Lê Gia, cũng là người điều hành toàn bộ công việc kinh doanh và sinh hoạt của gia tộc giàu có bậc nhất xứ Huế này.
Lê Khanh cho biết đây là lần đầu tiên chị vào vai một nhân vật sang trọng, quyền quý trên màn ảnh sau hình ảnh của những cô gái, phụ nữ Hà Nội thanh lịch. Nhưng, thực tế diễn ra trong Gái già lắm chiêu 3, nữ NSND thuyết phục từ gương mặt, phong thái, bước đi, ánh mắt đến cả giọng nói.
Vai diễn cũng gợi nhắc đến hình ảnh của nhân vật Lý Chiêu Hoàng - bà hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam - từng được Lê Khanh lột tả trong vở Rừng trúc của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là một trong những vai diễn góp phần làm nên gương mặt sân khấu của Lê Khanh.
Nhiều ý kiến cho rằng Lê Khanh mang những nét diễn của sân khấu vào điện ảnh. Đây cũng là thực tế khó có thể phủ nhận khi chị đã cộng sinh với kịch gần như cả sự nghiệp và vắng bóng màn ảnh tới 20 năm.
Song, những nét diễn mang màu kịch nghệ của Lê Khanh lại tỏ ra hợp lý với nhân vật.
Nữ NSND cân bằng trong nét diễn, khi mềm mại, dịu dàng, đúng vai “mẹ hiền dâu thảo”, lúc lại đanh thép, quyền uy, mực thước khi thể hiện vai trò một đại phu nhân của Lê Gia hay cảnh dằn mặt Ms.Q (Lan Ngọc).
Nhiều ý kiến cho rằng Thái Tuyết Mai thực chất mới là nhân vật trung tâm của phim. Từ một minh tinh điện ảnh với nhiều scandal, Thái Tuyết Mai bước vào Lê Gia với vai trò dâu trưởng.
Thái Tuyết Mai cho rằng mình xuất thân thấp hèn nên luôn muốn che đậy quá khứ showbiz ngày xưa bằng hình ảnh quyền quý. 30 năm ở Lê Gia, Thái Tuyết Mai ra sức tô vẽ cho sự giàu sang, cho ảo mộng của mình.
Sau này, vì gặp lại chính hình ảnh bản thân ở Ms.Q, Thái Tuyết Mai càng không thể chấp nhận, đó cũng là lý do bà ra sức phản đối mối quan hệ giữa con trai và “nữ hoàng showbiz”.
NSND Lê Khanh và NSND Hồng Vân góp phần "cứu phim". |
Đảm nhận nhân vật lớp lang về tâm lý, Lê Khanh có nhiều phân cảnh khẳng định đẳng cấp diễn xuất, đặc biệt những phân cảnh đòi hỏi diễn đối sánh, nội tâm nhân vật.
Trong đó, cảnh Thái Tuyết Mai òa khóc khi bị mẹ chồng (NSND Hồng Vân) chỉ rõ bi kịch của Lê Gia và những mộng ảo của nàng dâu trưởng, gây nhiều xúc động.
Ngoài ra, phân cảnh đối thoại với Ms.Q trước khi hợp nhất Tỷ Ngọc Sinh Hương đúng giờ trăng lên cũng khẳng định đẳng cấp diễn xuất và đặc biệt là đài từ của Lê Khanh. Lối thoại nắn nót từng câu chữ chiếm được tình cảm của người xem.
Cảnh gần cuối phim, trong cuộc trò chuyện đánh dấu việc đồng cảm với Ms.Q và chấp nhận cô làm dâu con của gia đình, lối thoại này tiếp tục được phát huy.
Dù phân cảnh cũng bị cho là có phần lê thê không cần thiết nhưng góp phần chứng tỏ sức mạnh của một diễn viên có đài từ tốt. Trong khi giọng Ninh Dương Lan Ngọc còn mảnh và hơi chói, giọng Lê Khanh có nhu có cương, có buông có nắm, có rắn, có mềm.
Những phân cảnh giữa Lê Khanh và Jun Vũ, nữ NSND cũng chứng tỏ sức nặng của một diễn viên gạo cội. Nếu Ninh Dương Lan Ngọc còn có thể ghi điểm về khả năng diễn xuất, Jun Vũ mất điểm hoàn toàn cả về diễn xuất lẫn đài từ. Do vậy, nữ diễn viên trẻ trở nên lu mờ trong những phân đoạn đòi hỏi sự tung hứng với Lê Khanh.
Cùng với phần diễn xuất nhiều màu sắc của NSND Hồng Vân, NSND Lê Khanh được coi là góp phần không nhỏ trong việc “cứu” một bộ phim điện ảnh tràn ngập sạn, nhiều cảnh gây cười lố bịch, kém duyên. Đủ thấy, một bộ phim tầm trung, đôi khi vẫn có những vai ấn tượng.