Nhiều nhân viên của các công ty công nghệ lớn nhận được thông báo đuổi việc qua email. Ảnh: NPR. |
Công ty mẹ của Google, Alphabet, gần đây thông báo sẽ sa thải khoảng 12.000 nhân viên, chiếm 6% lực lượng lao động của mình. Những nhân viên bị sa thải, một số làm việc cho công ty hàng chục năm, đã nhận được tin này trong hộp thư đến.
“Thật khó để tin rằng sau 20 năm làm việc tại #Google, tôi bất ngờ biết về ngày cuối cùng của mình qua một email. Quả là một cái tát vào mặt”, Jeremy Joslin, một kỹ sư của Google, đã tweet.
Theo The New York Times, trong vài năm qua, hàng chục nghìn người đã bị sa thải qua email, bao gồm nhân sự nhiều công ty công nghệ và truyền thông kỹ thuật số như Twitter, Amazon, Meta và Vox. Các nhân viên bị ảnh hưởng đã phản ứng dữ dội.
Chặn trước, thông báo sau
Vào tuần trước, các nhân viên tại một công ty công nghệ có tên PagerDuty đã nhận được thông báo sa thải qua email. Thư bắt đầu bằng vài trăm từ ba hoa vui vẻ và kết thúc bằng câu trích dẫn của Martin Luther King Jr. về việc vượt qua nghịch cảnh.
Cách đuổi người này không chỉ xuất hiện trong giới công nghệ và truyền thông. Các công ty trong nhiều ngành tuyên bố đây là cách hiệu quả duy nhất để thực hiện nhiều đợt sa thải.
Họ nói rằng việc thông báo cho từng cá nhân người lao động là quá phức tạp, và lắm rủi ro, vì người bị đuổi có thể sử dụng quyền truy cập của họ vào các hệ thống nội bộ để thực hiện hành vi phá hoại.
Những email sa thải này thường được gửi đến hộp thư cá nhân của nhân viên. Khi đọc được thư, họ đã bị khóa truy cập khỏi tất cả nền tảng của người sử dụng lao động.
Là người đã làm quản lý của một số công ty khởi nghiệp về công nghệ, đồng thời thuê và sa thải nhiều người trong 21 năm qua, Elizabeth Spiers nghĩ rằng cách thức này không chỉ tàn nhẫn mà còn không cần thiết.
Sa thải qua email là việc làm tàn nhẫn và không cần thiết. Ảnh minh họa: Phillip Toledano/Trunk. |
Chấm dứt quyền truy cập vào các hệ thống của công ty là hợp lý, nhưng chọn đưa thông tin đuổi việc mà không có sự tiếp xúc cá nhân giữa con người chỉ phục vụ một mục đích: giúp các nhà quản lý thoát khỏi khó khăn.
“Nó đảm bảo người quản lý sẽ không phải đối mặt với cú sốc và sự đau đớn mà mọi người cảm thấy khi họ mất đi sinh kế. Nó cũng giúp nhà quản lý tránh phải hứng chịu bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào về khả năng lãnh đạo kém cỏi đã đưa nhân viên đến bước đường đó”, Spiers bày tỏ.
Về mặt pháp lý, các công ty có nhiều quyền truy đòi nếu nhân viên bị sa thải ăn cắp bí mật thương mại hoặc phá hoại hệ thống, rõ ràng những cá nhân cần tìm công việc mới mới sẽ có ít động cơ để làm hành vi phạm tội, bất kể họ khó chịu đến mức nào.
Nhưng ngay cả như vậy, những lo ngại về trách nhiệm pháp lý không nên ngăn cản việc đối xử với nhân viên như con người.
Lần đầu tiên Spiers phải sa thải một ai đó là vào năm 25 tuổi, bởi có lý do chính đáng. Về lý thuyết, việc sa thải nhân viên vì họ làm việc kém hiệu quả hoặc không phục tùng sẽ dễ dàng hơn so với khi họ đang làm tốt công việc, và công ty chỉ đơn giản là không thể duy trì mức lương của mình.
Nhưng một lần, việc sa thải diễn ra theo chiều hướng khác biệt.
“Tôi cảm thấy buồn nôn khi bước vào cuộc họp, và khi người mà tôi sa thải bắt đầu khóc giữa cuộc trò chuyện, tôi không biết phải làm gì. Tôi lắp bắp xin lỗi và đến cuối cuộc họp, người mà tôi sa thải đã an ủi ngược lại tôi”, Spiers kể.
Kể từ đó, Spiers đã tuyển dụng và đào tạo những người quản lý, đồng thời dạy họ sa thải theo cách tôn trọng phẩm giá của những người sắp mất việc.
“Hãy nhìn vào mắt mọi người. Trả lời câu hỏi. Nếu ai đó khó chịu, hãy bày tỏ sự cảm thông. Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bản thân chúng ta mong muốn được đối xử. Ít nhất điều này đòi hỏi một cuộc trò chuyện thực sự. Nó tốn nhiều công sức hơn là gửi một email hàng loạt nhàm chán, nhưng nó thể hiện sự tôn trọng”.
Bài học về sự tôn trọng
Trong trường hợp những nhân viên giỏi bị sa thải không phải do lỗi của họ, những cuộc trò chuyện đó cũng có lợi cho nhà tuyển dụng, bởi mọi người nhớ cách được đối xử trong những thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, và lời đồn thường lan truyền nhanh chóng.
Những ứng viên triển vọng trong tương lai sẽ đọc tất cả mọi điều về doanh nghiệp trên Twitter hoặc Glassdoor. Trong một thị trường lao động chặt chẽ, sự tàn ác của một công ty có thể để lại vết nhơ lâu dài trong danh tiếng.
Nhiều nhân sự của Google sốc khi nhận thông báo nghỉ việc qua email. Ảnh: Twitter. |
Có lẽ khía cạnh kinh khủng nhất của việc chấm dứt hợp đồng qua email là sự bất cân xứng giữa những gì các công ty mong đợi ở nhân viên của mình và cách họ đối đãi ngược lại.
Nhân viên, trong mọi loại công việc, thường xuyên bị thúc ép phải cố gắng hết mức có thể.
Trong các công việc dịch vụ lương thấp, điều đó có nghĩa là thời gian làm việc điên rồ, không thể đoán trước và không có lợi ích.
Đối với các công việc công nghệ được trả lương cao hơn, nó có thể đồng nghĩa với hy sinh bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống bên ngoài văn phòng. Những yêu cầu thường được biện minh bằng lời hứa hẹn về việc thay đổi thế giới, hoặc cam kết về một số phần thưởng vàng trong một tương lai không xác định.
Kỳ vọng rằng một nhân viên đưa ra thông báo nghỉ việc trước ít nhất hai tuần và giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi nhân sự bắt nguồn từ cảm giác cho rằng người lao động nợ người sử dụng lao động nhiều thứ hơn.
Nhưng đổi ngược lại, khi công ty là bên chọn chấm dứt mối quan hệ, thường không có yêu cầu như vậy. Chính những nhân viên đã giúp xây dựng công ty đột nhiên bị mã hóa thành tội phạm tiềm năng - những người có thể ăn cắp bất cứ thứ gì.
Tại Twitter, nơi Elon Musk quản lý, các nhân viên được yêu cầu ký cam kết trung thành, thậm chí làm việc nhiều giờ hơn và ngủ trong văn phòng nếu cần.
Nhiều người quyết định giữ gìn cuộc sống gia đình và lòng tự trọng của họ. Đối với họ, đây chỉ là sự sỉ nhục đầu tiên.
Nhiều nhân viên bị sa thải nhận thấy rằng đề nghị thôi việc của họ không thành hiện thực trong nhiều tháng, và một số được gọi trở lại làm việc khi hóa ra trang web không thể hoạt động nếu không có họ.
Đối xử với nhân viên như thể họ là món hàng dùng một lần, muốn đuổi chỉ cần hủy đăng ký cuối cùng có thể gây nguy hiểm cho lợi ích của chính công ty. Và có vẻ như những người lao động bị ngược đãi biết giá trị của họ, trong khi nhiều người sử dụng lao động thì lại không.
Cảm xúc tiêu cực tuổi 20
The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.