Stylist Jennifer Mazur, người từng hợp tác với thiên thần nội y Alessandra Ambrosio và Hoa hậu Hoàn vũ Olivia Culpo, tiết lộ với tạp chí Cosmopolitan 9 bí mật thảm đỏ của các ngôi sao.
99% váy áo thảm đỏ là đồ đi mượn
Đầu tiên, tôi liệt kê một loạt nhãn hàng mà tôi cho là phù hợp. Sau đó, tôi gửi email nói về sự kiện và mẫu thiết kế muốn mượn. Câu trả lời sẽ là có hoặc không. Nếu từ chối, nhãn hàng sẽ đưa ra lý do là "Xin lỗi, bộ đó có người mặc rồi" hoặc "Bộ đó đang được sử dụng cho buổi chụp hình thời trang ở Nhật"...
Mỗi nhà mốt có một danh sách khách hàng ưu tiên
Chẳng hạn, Valentino sẽ liệt kê những ngôi sao họ luôn sẵn sàng cho mượn đồ và đưa danh sách cho đội PR. Khi tôi liên hệ với nhân viên PR, nếu khách hàng của tôi nằm trong danh sách, tôi sẽ nhanh chóng nhận được cái gật đầu. Sau đó, tôi xem qua các bộ sưu tập và chọn mẫu thiết kế phù hợp. Trong trường hợp ngược lại, họ sẽ nói xin lỗi và từ chối.
Đôi khi, với một số trường hợp, họ sẽ thảo luận và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Mỗi nhà mốt có một danh sách ngôi sao sẵn sàng tài trợ đồ. Ảnh: Getty |
Nhưng cũng có lúc sự kiện là yếu tố mà nhà mốt quan tâm nhất. Có lần tôi chịu trách nhiệm chuẩn bị trang phục cho một người mẫu hạng A - người luôn được Valentino hỗ trợ. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại từ chối, có lẽ vì sự kiện không thu hút nhiều sự quan tâm của báo giới.
Mỗi stylist thường có 3-4 ngày để chuẩn bị một set đồ
Thỉnh thoảng, bạn chỉ có 2 hay thậm chí một ngày. Cũng có khi khách hàng gọi cho bạn và nói 'Tôi cần một bộ đồ để tham gia sự kiện tối nay'. Với thời gian ngắn như vậy, tất nhiên bạn phải suy nghĩ thật nhanh.
Không có chuyện chiếc váy nào cũng vừa như in
Sau khi stylist mượn được đồ rồi, vấn đề tiếp theo là nó có vừa vặn với chủ nhân hay không. Đó là lý do vì sao mỗi stylist cần có một thợ may "ruột".
Sẽ có một vài nếp gấp ở đâu đó nhưng người hâm mộ không nhìn thấy được. Băng dính hai mặt và kẹp ghim là phương án cuối cùng vì nó không mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái. Tôi muốn khách hàng của mình phải cảm thấy tự tin nhất khi sải bước trên thảm đỏ.
Xử lý những sự cố bất ngờ
Tôi từng trải qua tình huống dở khóc dở cười khi chiếc váy cho sự kiện thảm đỏ Grammy của một khách hàng bị rách. Tôi phải trực tiếp may vết rách lại.
Bạn chẳng bao giờ đoán được chuyện gì sẽ xảy ra (một chiếc cúc áo bất ngờ bung chẳng hạn?). Vì thế, bạn luôn phải mang theo túi đồ nghề với rất nhiều món đồ lỉnh kỉnh như cuộn lăn quần áo, miếng dán ngực, kim chỉ, kẹp giấy...
Jennifer Lawrence từng bị rách váy trên thảm đỏ. Ảnh: Getty |
Stylist cần phối hợp ăn ý với chuyên gia make-up
Chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận nhóm để đảm bảo phong cách trang điểm và kiểu tóc phù hợp với trang phục. Trong trường hợp không thể trao đổi, tôi chỉ còn cách cầu trời cho mọi thứ suôn sẻ nhất.
Các hãng trang sức thuê vệ sĩ giám sát
Có những set đồ khách hàng mặc trị giá lên đến 2 triệu USD với những món trang sức cao cấp đắt đỏ. Khi đó, công ty trang sức sẽ cử một vệ sĩ đi kèm.
Tôi từng làm stylist cho một đám cưới ở Mykonos (Hy Lạp) và được chứng kiến hãng trang sức Chopard cẩn thận như thế nào. Đội ngũ của họ - gồm nhân viên truyền thông và 2 vệ sĩ - đều bay sang Hy Lạp. Trong đó, một vệ sĩ giám sát tại khách sạn và một vệ sĩ chịu trách nhiệm giám sát tại sự kiện.
Bella Hadid diện bộ đầm xẻ cao táo bạo tại Cannes 2016. Ảnh: Getty |
Áo dán ngực là "bạn" tốt nhất của các ngôi sao
Nếu chiếc váy đó không phù hợp để mặc nội y, chúng tôi sẽ may liền cúp ngực với váy. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất vẫn là dùng áo dán ngực vì nó khá chắc chắn.
Các người đẹp luôn mặc đồ lót
Với những trang phục thiết kế xẻ cao táo bạo, chúng tôi sử dụng loại đồ lót dán liền cơ thể (chỉ dán phía trước và phía sau). Do đó, nhiều người nghĩ cô này/ cô kia không mặc nội y trên thảm đỏ. Họ có mặc đấy, chỉ là bạn không nhìn thấy thôi!