Đã bao giờ bạn thầm mơ một ngày được chụp ảnh cùng chúa sơn lâm oai hùng? Ở Việt Nam, việc này khá khó khăn bởi bạn chỉ có thể đứng chụp từ xa cùng những chú sư tử đang bị nhốt trong chuồng, tách biệt hẳn so với khu vực đi lại của khách tham quan.
Những lời nói dối từ quản trại
Tuy nhiên, nếu đủ điều kiện tới du lịch Nam Phi, chụp ảnh với sư tử lại là điều đơn giản. Rất nhiều trang trại nuôi sư tử mọc lên ở đất nước này để phục vụ lượng du khách hiếu kỳ muốn một lần chạm vào loài động vật được mệnh danh là chúa tể rừng xanh.
Trả tiền để ôm ấp sư tử là loại hình du lịch hút khách ở Nam Phi. |
Chỉ cần bỏ ra vài đô, bạn có thể vuốt ve hay thậm chí ôm ấp chúng. Các quản lý trại thường dùng một bài phát biểu y như nhau khi nói chuyện với khách du lịch. Họ khẳng định những con sư tử họ nuôi đa phần đều bị con mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Vì vậy, việc các du khách đến ôm ấp, vuốt ve chẳng khác nào đang trao cho những con sư tử này tình mẫu tử thiêng liêng mà bao lâu nay chúng vẫn hằng mong đợi.
Song sự thật liệu có phải như thế?
Trở về nhà, chắc hẳn những du khách ấy đều tưởng rằng mình đã làm được điều gì đó thật ý nghĩa. Họ sẽ chia sẻ bức ảnh chụp cùng chú sư tử đáng yêu, thân thiện lên mạng xã hội cùng một câu chuyện cảm động. Nghe thì hay ho, nhưng thực tế, tất cả những gì họ làm là gián tiếp đẩy cuộc đời chúng vào tấn bi kịch đẫm máu chẳng biết bao giờ mới kết thúc.
Các du khách đang tiếp tay cho tội ác của những tay săn lậu. |
Đến một tầm tuổi nào đó, các con sư tử sẽ trở nên quá già và xấu để thu hút khách du lịch chụp ảnh cùng. Thay vì trả chúng về tự nhiên để sống nốt quãng đời còn lại như những gì các chủ trại tuyên bố với du khách, những con sư tử này sẽ được tận dụng để kiếm tiền theo một kiểu khác. Tuy nhiên, lần này, mọi người sẽ không trả tiền để ôm ấp hay cưng nựng chúng. Thay vào đó, họ sẽ chi tiền để ghim một viên đạn vào não con sư tử đang nằm chờ chết.
Dù vậy, không chỉ những con sư tử "hết thời" mới trở thành nạn nhân của thú vui có phần thiếu văn minh này.
Thú vui bắn sư tử để tận hưởng chiến tích
Tại Nam Phi, họ còn phục vụ cả những con sư tử trưởng thành để thỏa mãn đam mê giết chóc của giới nhà giàu. Thường thì những con sư tử này sẽ bị tách mẹ từ khi còn nhỏ, chúng được con người nuôi nấng cho đến một độ tuổi nhất định để trở thành bia tập bắn cho các đại gia.
Họ không cần nhọc nhằn săn đuổi sư tử trên những bãi đất rộng lớn. Thay vào đó, các tay quản lý trại sẽ nhốt con sư tử được chọn vào trong một cái lồng hẹp để khiến chúng không thể tìm cách thoát ra. Việc còn lại của các tay chơi rất đơn giản, giơ súng và nhắm thẳng vào đầu sinh vật tội nghiệp đang nằm chờ chết kia rồi đem xác chúng về nhà như một chiến tích huy hoàng.
Những con sư tử quá già sẽ sớm bị đào thải. |
Dĩ nhiên, không phải tất cả con người ở đây đều giương mắt đứng nhìn lũ sư tử bị giết hại không thương tiếc. Nhóm bảo vệ động vật Four Paws là một trong những tổ chức hoạt động tích cực nhất để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt sư tử. Họ thậm chí còn mở riêng một khu bảo tồn có tên là LionsRock để làm chốn ở cho những con sư tử được giải cứu.
"Các du khách không biết điều gì diễn ra sau lưng họ", giám đốc Four Paws, bà Fiona Miles thừa nhận. "Đa số chúng ta đều thích thú khi được chơi cùng những con sư tử ở các trang trại, nhưng đâu ai biết rằng lũ sư tử không hề hành động như bản năng tự nhiên. Tôi thật buồn khi chứng kiến điều ấy".
Thông thường, cứ hai năm sư tử cái lại đẻ một lần. Tuy nhiên, trong các trang trại này, thời gian mang thai chỉ cách nhau 6 tháng để luôn đảm bảo cung ứng lượng sư tử nhất định, phục vụ cho tùy nhu cầu vui chơi hay giết chóc của các du khách.
Mặc cho những nỗ lực của FourPaws hay nhiều tổ chức cộng đồng khác, ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử này vẫn được cấp phép hợp pháp tại Nam Phi.
Dù cho việc làm trên là độc ác nhưng không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà các trang trại này thu về bằng việc giải quyết nhu cầu du khách thập phương, từ âu yếm vuốt ve cho tới giẫm lên xác của những con vật tội nghiệp.
Khi vẫn có người chịu trả tiền cho những tay chủ trại, vòng lặp bi kịch cho lũ sư tử sẽ còn tiếp diễn mãi mãi...
Thực tế có hơn 260 trang trại ở Nam Phi đang nuôi nhốt sư tử hợp pháp. Theo thống kê từ Liên Hợp Quốc, số cá thể sư tử hoang dã tại châu Phi đã giảm từ 450.000 con xuống còn 20.000 con trong 50 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện sống bị tàn phá, bị săn lậu để lấy da, nội tạng hoặc cung cấp cho thị trường thú nuôi.