Những người thông hiểu động vật học đều phủ nhận sự tồn tại của huyết khỉ khô. Trong 1 vạn 7 ngàn bài thuốc Đông y cũng không nhắc đến huyết hầu. Sự thật phũ phàng về thần dược này đang dần hé lộ.
Đi săn huyết hầu
Với bộ đồ nghề đơn giản, nhóm 3 người chúng tôi men theo những dãy núi đá để săn huyết hầu với hy vọng sẽ tận mắt thấy được huyết hầu khô trên tảng đá trắng. Người dẫn đoàn là ông Bố Xỉ, người đang giữ trong tay 1 lạng huyết hầu khô, cùng đoàn còn có ông Hoàng Văn Liều cùng bản thạo đường rừng.
Trước đó, người nhà ông Liều cho chúng tôi tắm nước lá có mùi hương nồng mà theo giải thích là để át đi mùi người nhằm đánh lạc hướng khỉ. Từ bản Lũng Trang, những trái núi khổng lồ vời vợi dần hiện ra. Ông Liều kể, những người thợ ngày xưa thường phải bỏ thời gian và dùng nhiều cách để theo dõi dấu vết của đàn khỉ. Từ đó, xác định khu vực đàn khỉ đang sinh sống. Còn nay thì tìm kiếm cũng dễ hơn nhờ kinh nghiệm lâu năm.
Bản Lùng Trang, nơi từng rộ phong trào lên núi tìm huyết hầu. |
Khi đi chỉ nhằm vào những ngày nắng ráo và đẹp trời, quan sát trên các vách đá trắng xem có vật gì mang hình thù của khỉ hay không. Vật dụng chúng tôi mang theo là dây chão, một chút thức ăn khô, cơm nắm, dao, móc, chăn ấm, còn ông Liều và Bố Xỉ mang theo một số vật chuyên dụng phòng thú dữ. Đích là sườn núi Thám Lim cách bìa rừng khoảng 20 cây số.
Vừa đi, ông Liều vừa nói: "Làm nghề săn huyết khỉ phải có kinh nghiệm dày dạn, thường là nhìn vào vị trí dấu vết các vết chân để phán đoán lần tìm đường đi của chúng. Khỉ thường vừa đi vừa nhảy nhót chuyền cành nên rất khó tìm dấu trọn vẹn, cho nên săn huyết khỉ như đi câu cá, may hơn khôn".
Sau nửa ngày, ông Liều và Bố Xỉ vẫn lắc đầu không phát hiện được bất cứ dấu vết gì của khỉ. Nghỉ một lát, ông Liều thả giây xuống phía dưới vách núi rồi đu mình xuống. Ông lần tìm xem ở những cửa hang có dấu vết gì hay không. Nhưng càng tìm, ông càng ngán ngẩm không phát hiện thêm điều gì.
Dụng cụ bào đục dùng để lấy huyết hầu vón cục trên đá. |
Sẽ làm rõ sự việc
Ông Lương Ngọc Ky, Chủ tịch UBND xã Linh Hồ, Vị Xuyên, Hà Giang cho biết, việc săn tìm huyết hầu khô đã có từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, tình trạng diễn ra quá rầm rộ và ảnh hưởng đến trật tự địa phương. Đồng thời có biểu hiện của việc săn bắn, xâm phạm đến rừng nên địa phương sẽ nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu và xử lý những trường hợp sai phạm.
Theo ông Ky, huyết hầu được dân tình kháo nhau có ở địa bàn Lũng Trang. Bản này có 160 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu và có đến 50% là hộ nghèo. Vì nghèo nên người dân buộc phải lên núi tìm huyết hầu để bán cho các đầu mối thu mua. Các đầu mối này lại bán cho các đại gia và những người đã đặt hàng.
"Ngày trước, nhiều người bỏ việc vào rừng tìm huyết hầu cả tháng trời nên đồng áng bị bỏ bê. Việc khai thác huyết hầu bừa bãi đã dẫn đến hiện tượng khan hiếm. Theo như các cụ kể lại thì loại huyết hầu phải sau 30 năm mới bắt đầu có lại do các tầng đá vào mùa phù hợp mới có thể ra được "huyết đá". Nhưng đáng ngại nhất là việc người dân tàng trữ súng săn, lợi dụng việc tìm huyết hầu để phá rừng, bắn thú", ông Ky cho hay.
Một gói huyết hầu khô hiếm hoi còn sót lại. |
Ông Vương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho hay: Chính quyền đã nắm được thông tin về việc người dân trong vùng đi săn huyết hầu. Huyện cũng phối hợp với bên lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra, bảo vệ tài nguyên rừng nhưng rất khó để xử lý những trường hợp vào rừng lấy thuốc.
Ông Hoàng Văn Liều, người từng nhiều lần đi tìm huyết hầu khô. |
Cũng theo ông Đoàn, hiện nay huyện Vị Xuyên đang gấp rút tiến hành ý kiến chỉ đạo từ phía lãnh đạo tỉnh về việc quy hoạch vùng dược liệu ở dãy Tây Côn Lĩnh. Các chuyên gia cho rằng, Hà Giang cần rà soát quy hoạch thành vùng dược liệu. Bởi, ngoài huyết hầu có trong tự nhiên thì Vị Xuyên còn rất nhiều dược liệu quý hiếm để có thể bào chế ra các phương thuốc phục vụ việc chữa trị.
Không có bài thuốc từ huyết hầu
Nội dungCó thể xác định, bài thuốc từ huyết hầu khô giúp "cải lão hoàn đồng", tăng cường sinh lý nam giới và chữa trị các căn bệnh khác chỉ là tin đồn của những kẻ xấu hòng trục lợi từ máu khỉ. Để rồi, rừng bị tàn phá, thú quý bị giết hại chỉ để phục vụ cho những kẻ trọc phú.
Trước những tin đồn về tác dụng của thần dược bào chế từ huyết hầu khô có khả năng "cải lão hoàn đồng", tăng cường sinh lý nam giới và vô số các tác dụng chữa trị bệnh khác. Chúng tôi đã tham vấn ý kiến của BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam.
Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, tất cả các sách viết về bài thuốc bào chế từ huyết hầu khô được gọi là "huyết lình" hoặc "lục linh" đều chép từ một cuốn sách huyễn tưởng thời xưa của Trung Quốc. Con người luôn khát vọng trường sinh bất tử nên tự nghĩ ra một thần dược nào đó giống như luyện linh đan.
Thực chất, ở Trung Quốc cũng không có phương thuốc nào mang tên "huyết lình" hay bất cứ một bài thuốc nào bào chế từ huyết hầu khô. BS Nguyễn Xuân Hướng khẳng định, đây là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự khao khát trường sinh của con người mà thôi.
"Tôi đọc 17,000 bài thuốc Đông y nhưng không có bất cứ một bài thuốc nào bào chế hay có dính dáng đến máu khỉ khô cả. Cứ thử xác định thế này, làm gì có thuốc nào có thể "cải lão hoàn đồng" cho con người. Từ một phương thuốc giả định, tưởng tượng của người xưa mà nay con người lại tưởng thật để rồi đi săn tìm, tàn sát thú quý thì quá ngu muội", BS Nguyễn Xuân Hướng cho biết thêm.
"Năm 1984 để kiểm nghiệm tính xác thực của bài thuốc bào chế từ máu khỉ khô, tôi đã ra một hòn đảo nuôi khỉ ở tỉnh Quảng Ninh để tìm hiểu. Nhưng tất cả các nhân viên chăm sóc khỉ đều khẳng định, khỉ cái "đến tháng" đều ăn hết huyết kinh và không để lại chút dấu vết nào. Vậy thì làm gì có huyết hầu khô mà bào chế. Vì vậy, người dân không nên tin vào những tin đồn để rồi rước họa vào thân".
BS Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)