Chưa từng mắc Covid-19 là nhờ người may mắn hay có nguyên nhân nào khác? Ảnh: Freepik. |
Tại thời điểm đầu đại dịch, thật kinh hoàng khi nghe ai đó mà bạn biết có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Nhờ vaccine và miễn dịch cộng đồng, với đại đa số người dân, việc mắc Covid-19 trở nên ít đáng sợ hơn rất nhiều so với trước đây. Trên thực tế, vào thời điểm này trong đại dịch, điều đáng ngạc nhiên hơn là khi nghe nói về một ai đó không có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV suốt hai năm qua.
Dù vậy, nó đang thật sự xảy ra. Tại sao vẫn có những người chưa nhiễm virus? Họ không bao giờ ra khỏi nhà? Có thể do thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, khử trùng tay và giãn cách nhưng nghiên cứu mới của Đại học California, San Francisco, ước tính khoảng 10% dân số không có triệu chứng mắc Covid-19. Điều này đồng nghĩa họ thực sự đã nhiễm bệnh nhưng không bao giờ biết.
Nguyên nhân
Theo nghiên cứu mới, nhiễm nCoV không triệu chứng hoặc không dương tính khi xét nghiệm có thể do đột biến gene. Tiến sĩ Roger Seheult, trợ lý giáo sư lâm sàng về Y học nội khoa tại Đại học California, Riverside, cho biết: “Đây là một trong những thách thức ngay từ đầu của đại dịch, khả năng lây lan virus mà không biết mình đang bị bệnh".
Tiến sĩ Seheult giải thích khi cơ thể bị nhiễm nCoV, các tế bào sẽ cắt nhỏ virus bên trong và phân tán các đoạn protein của nó trên bề mặt tế bào cùng với protein MHC1. MCH1 nằm trên bề mặt của tất cả tế bào (trừ tế bào hồng cầu) và giống nhau trên khắp cơ thể bạn. Nhưng ở những người khác nhau, protein này có thể khác nhau bởi các phiên bản gene khác nhau tạo nên nó.
Theo vị chuyên gia, một số người có mẫu MCH1 cụ thể dường như phân tán các đoạn protein của nCoV cho tế bào T tốt hơn. Từ đó, tế bào T tiêu diệt virus nhanh hơn. Điều này đồng nghĩa virus nCoV bị tiêu diệt trong cơ thể nhanh hơn thời gian nó sinh sản và ảnh hưởng các tế bào khác. Nhưng quá trình này không ảnh hưởng đến bản thân virus ngoài việc khiến nó mất đi khả năng lây lan trong cơ thể.
Tiến sĩ Purvi Parikh, bác sĩ truyền nhiễm tại NYU Langone, cho rằng đột biến gene giúp chúng ta tránh được các triệu chứng khi nhiễm bệnh. "Về cơ bản, nó làm cho tế bào T trở thành tế bào siêu miễn dịch hoặc có sẵn khả năng miễn dịch trước cả khi tiếp xúc với virus khác tương tự. Do đó, khi nCoV xâm nhập cơ thể, nó có thể trung hòa nhanh chóng. Điều này không phải tuyệt đối nhưng giúp khả năng mắc bệnh không triệu chứng hoặc test không ra dương cao gấp 10 lần", bà Parikh nói thêm.
Hiện tượng này có thể xuất hiện ở cả chủng virus ban đầu lẫn Omicron và Delta, mặc dù cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận điều này.
Làm thế nào để bạn có được sự may mắn này? Tất cả là do gene. Tiến sĩ Seheult nói: “Nó có thể được di truyền từ cha hoặc mẹ, giúp khả năng mắc Covid-19 không triệu chứng tăng gấp 2,5 lần so với người không có đột biến gene. Nếu ai đó đủ may mắn nhận được phiên bản gene này từ cả bố và mẹ, cơ hội đó sẽ tăng lên gấp 8 lần”.
Những người có đột biến gene về cơ bản có thể sẽ không xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 và không lây lan virus dễ dàng như nhóm còn lại. Trong nhiều trường hợp, họ được cho là chưa từng mắc bệnh.
Những người ở chợ đeo khẩu trang để phòng Covid-19. Ảnh: Shutterstock. |
Không nên chủ quan
Chưa có kết quả xét nghiệm dương tính không có nghĩa là chúng ta chủ quan hay coi thường virus.
“Nhiều lý do khác khiến ai đó có thể không xuất hiện các triệu chứng Covid-19”, tiến sĩ Seheult nói. Ông giải thích các triệu chứng mắc bệnh có thể rất nhẹ với một số người dựa trên di truyền hoặc tình trạng sức khỏe. Ví dụ, một người bị suy giảm miễn dịch có nhiều khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19 hơn người có sức khỏe tốt.
Ngoài ra, nếu ai đó đã được tiêm chủng và mũi tăng cường, sau đó nhiễm nCoV, các triệu chứng của họ có thể nhẹ hơn. Nếu ai đó có các triệu chứng rất nhẹ, họ có thể không xét nghiệm Covid-19.
Cũng có khả năng một người nào đó chưa nhiễm virus, đặc biệt nếu họ thường xuyên thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay.
Điều quan trọng là không thể coi nhẹ Covid-19, vì nó vẫn chưa biến mất. Một số biện pháp phòng ngừa mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ mình.
Tiến sĩ Seheult khuyên bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ra ngoài vận động và tận hưởng ánh nắng mặt trời, không khí trong lành, ngủ đủ giấc và tiêm chủng có thể mang lại cho bạn nhiều lớp bảo vệ trong hiện tại và tương lai.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.