Hàng ngày chỉ ăn cháo trắng kết hợp với uống nước xạ đen, vừa uống vừa nhai. Đó là phương pháp thực dưỡng bệnh nhân N.T.B. (52, tuổi, ngụ tại TP.HCM) mắc ung thư đầu tụy đã thực hiện suốt 3 tháng với hy vọng khỏi bệnh. Kết quả bệnh nhân nhận được là gì?
Nỗ lực chạy thoát khỏi ung thư
Tháng 1/2018, anh N.T.B được chẩn đoán mắc ung thư túi mật sau khi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Sau khi hội chẩn tại Bệnh viện 115 và có kết quả sinh thiết, anh được xác nhận mắc ung thư túi mật giai đoạn 1.
Tháng 2/2018, bác sĩ kê hoá chất khô cho bệnh nhân sử dụng trong vòng 6 tháng. Sau khi kết thúc, anh B. bắt đầu có dấu hiệu đau quặn vùng bụng trong thời gian ngắn nhưng do chủ quan mà không quay lại tái khám.
Tháng 1/2019, bệnh nhân tiếp tục nhận kết quả ung thư đầu tuỵ sau khi kiểm tra sức khỏe và sang Quảng Châu, Trung Quốc điều trị.
Tháng 2/2020, anh B. bắt đầu quan tâm và tìm hiểu về phương pháp thực dưỡng được truyền tai nhau có thể chữa ung thư. Trong quá trình này, anh được một người phụ nữ ở Vĩnh Long chia sẻ mình từng bị ung thư vú và đã hoàn toàn khỏi bệnh nhờ làm theo phương pháp thực dưỡng.
Cụ thể, bệnh nhân sẽ phải chuẩn bị nồi áp suất, lắp đặt hệ thống lọc nước bằng kiềm và kiểm tra nồng độ ion trong nước. Sau đó sử dụng gạo sạch, còn 1 lớp vỏ mỏng nấu cháo bằng nước kiềm trong nồi áp suất. Hàng ngày, bệnh nhân chỉ ăn cháo trắng kết hợp với uống nước xạ đen, vừa uống vừa nhai. Ngoài ra, bệnh nhân không được ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì khác kể cả nước trắng thông thường.
Theo lời hướng dẫn, nếu thực hiện đúng sau 72 ngày (tượng trưng cho 72 kiếp nạn), bệnh nhân sẽ qua khỏi. Tuy nhiên, tới tuần thứ 9, anh N.T.B. lên cơn đau dữ dội ở vùng sống lưng và thắt lưng. Tuy nhiên, bệnh nhân cho biết trong các bài viết về thực dưỡng giai đoạn ăn sang tuần thứ 9 là lúc cơ thể bắt đầu đào thải độc tố, khiến cơn đau dữ dội và "đây là điều bình thường". Nếu có thể tiếp tục ăn và chịu đau thêm 2-3 tuần sẽ khỏi được bệnh. Để chắc chắn, anh đã làm theo và thực hiện tiếp 4 tuần.
Hơn 3 tháng thực dưỡng, kết quả khám lại, bệnh nhân giảm từ 65kg xuống còn 52kg, các chỉ số không thay đổi và có những chuyển biến xấu cùng dấu hiệu di căn rộng hơn. Đây cũng là thời điểm bệnh nhân dừng hoàn toàn phương pháp thực dưỡng và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Một tuần sau khi kết thúc liệu trình thực dưỡng, anh N.T.B đã có thể ăn uống ngon miệng trở lại, sức khoẻ ổn định, tiêu hoá tốt và cân nặng tăng dần trở lại về ngưỡng 58 kg.
“Thực dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không thể hỗ trợ chữa ung thư”
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh (Khoa Khám bệnh, Bệnh viên Ung bướu Hà Nội) cho biết: “Theo triết lý tác giả Nhật Bản George Ohsawa từ thập kỷ 60, chế độ thực dưỡng dựa trên nguyên lý âm - dương, giúp cơ thể hoà mình vào thiên nhiên từ đó có thể giúp giảm các nguy cơ về nồng độ cholesterol tăng cao. Thế nhưng, hoàn toàn không có bằng chứng nào nói về việc thực dưỡng có thể bổ trợ điều trị ung thư”.
Bác sĩ Thịnh khẳng định thực dưỡng không thể điều trị ung thư. Ảnh: BSCC |
Về việc sử dụng nước kiềm nấu cháo nhằm kiềm hoá cơ thể, bác sĩ Thịnh khẳng định: “Không có bất cứ cách nào có thể kiềm hoá cơ thể. Chúng ta luôn tự điều hoà nồng độ kiềm trong máu. Vì vậy, các bác sĩ trong khi phẫu thuật cũng chỉ có thể đưa cơ thể về độ pH chuẩn. Việc kiềm hoá, toan hoá trong máu có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay thời điểm đó, đặc biệt là trong mô ung thư. Việc làm này sẽ gây ra mất cân bằng nội môi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể bệnh nhân”.
Đồng ý với quan điểm này, thạc sĩ, bác sĩ Trương Thị Kiều Oanh (khoa Nội theo yêu cầu 3, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội) giải thích: "Gạo sạch có thể xem xét là một loại ngũ cốc, việc sử dụng thực phẩm sạch khi thực dưỡng là rất tốt, thế nhưng vẫn nên ăn uống cân đối và đa dạng. Việc chỉ ăn cháo trắng gây ra vấn đề mất cân bằng về gluxit cũng như thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác, ảnh hưởng không tốt đến cơ thể".
Cũng theo bác sĩ này, cây xạ đen đã được một số nghiên cứu chứng minh chứa các chất có tác dụng kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư như flavonoid, quinon, saponin. Tuy nhiên, bệnh nhân nên hiểu rằng nó chỉ có tính chất dự phòng và hỗ trợ trong điều trị. Đây hoàn toàn không phải phương pháp chính trong điều trị ung thư tương tự như phẫu thuật, điều trị bằng hoá chất hay xạ trị.
Ngoài ra, bác sĩ Oanh cũng đưa lời khuyên: "Sử dụng lá xạ đen là một phương pháp y học cổ truyền, bệnh nhân nên có sự tư vấn của các bác sĩ y học cổ truyền bởi bất cứ loại thuốc nào nếu sử dụng không đúng cách hay quá liều cũng có thể gây tổn hại đến cơ thể".
“70% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt”
Theo bác sĩ Oanh, thực dưỡng bắt đầu xuất hiện đã khá lâu nhưng mới được nhiều người biết tới cũng như áp dụng trong khoảng 2 năm trở lại đây cùng với sự phát triển của mạng xã hội. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ cũng gặp khá nhiều bệnh nhân ung thư sử dụng phương pháp thực dưỡng khi việc điều trị ở giai đoạn muộn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, người bệnh đôi khi chưa thực sự tin tưởng vào Tây y.
"Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4 có dấu hiệu di căn xương. Tất nhiên khi đã ở giai đoạn 4, tiên lượng là khá xấu thế nhưng di căn xương vẫn còn tốt hơn nhiều so với di căn các tạng khác. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội tiết bởi có thụ thể nội tiết dương tính. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân bỏ dở và bắt đầu áp dụng thực dưỡng.
Bệnh nhân chia sẻ mình chỉ ăn chay và kiêng hoàn toàn nguồn đạm từ động vật. Quay lại sau 2 tháng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này có dấu hiệu di căn gan, phổi, tình trạng bệnh nặng hơn, thể trạng yếu và cơ thể thiếu máu.
Chúng tôi đã điều trị nâng cao thể trạng và chuyển sang điều trị tích cực hơn bằng hoá chất thế nhưng việc tổn thương di căn nhiều nơi cùng thể trạng yếu nên bệnh nhân chỉ kéo dài dược thêm vài tháng và đã không qua khỏi".
Theo bác sĩ Thịnh, vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng với người bệnh ung thư. “Sau khi khối u hình thành trong cơ thể, nó sẽ liên tục hút dinh dưỡng để phát triển, không đảm bảo dinh dưỡng cộng với việc phải điều trị xạ trị là nguyên nhân chính dẫn đến 70% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt”, bác sĩ này giải thích.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các chất như gluxit, lipit, protein, vitamin, khoáng chất và nước. Cố gắng đa dạng các loại thực phẩm, đồng thời bổ sung thêm đạm, omega-3, omega-6 từ các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích,...