Zing.vn xin đăng tải bài viết của TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ), về tác dụng thực sự của nano bạc trong việc tiêu diệt virus, đặc biệt là virus corona.
Vật liệu nano là những chất có 1 hoặc 3 chiều nằm trong kích thước nano (1-100 nm). Thông thường, liên tưởng nhất là tiểu phân với cả 3 chiều đều nằm trong đơn vị nano. Vật liệu nano đang được nghiên cứu và ứng dụng nhiều trong lĩnh vực khác nhau gồm vũ trụ, vật lý, hoá học và y sinh. Đối với vật liệu nano trong môi trường nước, người ta hay bao bọc nó để chúng dễ phân tán. Mỗi vật liệu nano (dù cùng chất) có các yếu tố khác nhau là một "cá thể" riêng biệt với cá tính độc lập. Không thể từ tính chất của cá thể này để suy ra cá thể khác.
Tiểu phân nano bạc có thể diệt được vi khuẩn và virus?
Một số nghiên cứu ủng hộ cho tác dụng của các loại nano bạc trên diệt khuẩn và virus.
Nano bạc 5 nm, 25 nm và 30 nm diệt tế bào bị nhiễm virus Herpes và virus Epstein - Barr. Nano bạc 3,5 nm, 6,5 nm và 12,9 nm trộn lẫn với chitosan có khả năng diệt E.coli và cúm H1N1.
Một số nghiên cứu ủng hộ cho tác dụng của các loại nano bạc trên diệt khuẩn và virus. Ảnh: Berita.baca. |
Hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu cho thấy nano bạc nào diệt được virus corona. Bên cạnh đó, tất cả nghiên cứu trên đều đa phần thực hiện trên mô hình tế bào, chưa có nhiều nghiên cứu trên động vật, đặc biệt là lâm sàng trên người.
Tiểu phân nano bạc có gây độc?
Một số nghiên cứu cho thấy các loại nano bạc gây độc tế bào và mô hình động vật. Chuột cống trong thí nghiệm cho hít nano bạc 18 nm sau 90 ngày bị viêm phổi. Nano bạc 20 nm gây độc gene trên dòng tế bào gan HepG2.
TS. DS. Phạm Đức Hùng. Ảnh: NVCC. |
Các thông tin như nano bạc có độc hay không độc, có tác dụng diệt khuẩn, virus,... đều là "vơ đũa cả nắm". Chúng ta cần đi vào cụ thể như nano bạc loại nào, kích thước bao nhiêu, nồng độ, độ tinh khiết,... Lĩnh vực độc tính nano còn rất mới.
Như đã nói ở trên, mỗi tiểu phân nano với các thông số khác nhau là một "cá thể" độc lập. Một cục vàng dài 50 m và cục vàng dài 5 m đều là vàng. Tuy nhiên, tiểu phân vàng 50 nano mét và 5 nano mét là rất khác nhau.
Nếu một người đến với tôi và nói, sản phẩm nano bạc của họ diệt được virus A. Tôi sẽ yêu cầu họ trả lời những câu hỏi sau:
- Đặc điểm nano bạc: kích thước, độ tinh khiết, phương pháp chế tạo, coating,...?
- Đã thử tác dụng diệt virus A trên mô hình nào (tế bào, động vật, người)?
- Đã thử độc tính, an toàn trên mô hình nào (tế bào, động vật, người)?
- Đường sử dụng (dùng ngoài da, dạng hít, uống hay qua vết thương hở)?
- Đưa chứng cứ những thử nghiệm (bài báo khoa học, chứng nhận của FDA hay Bộ Y tế…)?
Khi họ giải đáp được tất cả những câu hỏi trên, tôi sẽ tin.
Tài liệu tham khảo:
- Pham et al. Use of zebrafish larvae as a multi-endpoint platform to characterize the toxicity profile of silica nanoparticles. Sci Rep 2016.
- Osborne OJ et al. Effects of particle size and coating on nanoscale Ag and TiO(2) exposure in zebrafish (Danio rerio) embryos. Nanotoxicology. 2013;7(8):1315-24.
- Sager TM, et al. Surface area of particle administered versus mass in determining the pulmonary toxicity of ultrafine and fine carbon black: comparison to ultrafine titanium dioxide. Part Fibre Toxicol. 2009;6:15.
- Poland CA et al. Carbon nanotubes introduced into the abdominal cavity of mice show asbestos-like pathogenicity in a pilot study. Nat Nanotechnol. 2008;3(7):423-8.
- Wan et al. Silver nanoparticles selectively induce human oncogenic γ-herpesvirus-related cancer cell death through reactivating viral lytic replication. Cell Death and Disease 2019.
- Nguyen VQ et al. Preparation of size-controlled silver nanoparticles and chitosan-based composites and their anti-microbial activities. Biomed Mater Eng. 2013.
- Sung JH et al. Lung function changes in Sprague-Dawley rats after prolonged inhalation exposure to silver nanoparticles. Inhal Toxicol. 2008.
- Sahu et al. Comparative genotoxicity of nanosilver in human liver HepG2 and colon Caco2 cells evaluated by a flow cytometric in vitro micronucleus assay. J Appl Toxicol. 2014.
- Kwon et al. Acute pulmonary toxicity and body distribution of inhaled metallic silver nanoparticles. Toxicol Res. 2012.
- Li X et al. SiO2 nanoparticles change colour preference and cause Parkinson's-like behaviour in zebrafish. Sci Rep. 2014;4:3810.