Dịp sắp kết thúc năm học, những học sinh lớp 12A10, trường THPT Bắc Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình thực hiện nghi lễ rửa chân cho phụ huynh ngay tại lớp học.
Tuy nhiên, sau khi đăng tải trên mạng, nội dung bị biến thành học sinh đang rửa chân cho cô giáo. Không ít dân mạng tranh cãi và bàn luận về hành động này khiến những người trong cuộc ảnh hưởng.
Chỉ là hiểu nhầm
Thành viên Mai Mai cho rằng có nhiều cách tri ân thầy cô giáo. Có nhất thiết phải ngồi rửa chân trong lớp như vậy không? Các bạn làm hơi quá, chỉ cần chăm chỉ học là thầy cô cũng mừng rồi.
Đồng tình với quan điểm trên, nickname Thái Nguyễn bày tỏ: Các bạn ở nhà chắc gì đã một lần rửa chân cho cha mẹ.
Sau khi phát hiện thông tin của lớp bị đăng tải lên mạng nhưng sai nội dung gây hiểu nhầm, không ít người trong cuộc tỏ ra bức xúc. Phạm Thị Diệu Thiên, học sinh lớp 12A10, cho hay, đây là hành động tri ân các mẹ của lớp.
"Chúng mình vô cùng bức xúc với thông tin sai sự thực trên nhiều page. Khi biết tin, cả cô giáo chủ nhiệm và các bạn học sinh rất buồn vì bị hiểu nhầm”, nữ sinh nói.
Cũng theo Diệu Thiên, hôm đó, các bạn muốn phụ huynh chứng kiến sự trưởng thành của các con nên làm lễ tri ân (rửa chân cho bố mẹ) như một hình thức để bày tỏ với những bậc sinh thành.
“Đó là hành động vốn rất đẹp. Hôm ấy, các mẹ và chúng mình khóc rất nhiều vì xúc động. Mình nghĩ đơn giản chúng mình chỉ muốn bày tỏ tình cảm chứ không nghĩ sự việc lại gây tranh cãi”, Diệu Thiên cho biết thêm.
Người trong cuộc bức xúc lên tiếng giải thích. |
Văn hoá chỉ trích theo đám đông
Lê Triệu – người chia sẻ clip này và vô tình gây hiểu nhầm đã lên tiếng đính chính thông tin: “Mình muốn gửi lời xin lỗi trực tiếp đến nhà trường, cô giáo chủ nhiệm cùng tập thể lớp đã thực hiện video đó. Sự cố vừa qua, tất cả do mình không đọc kỹ tiêu đề nên mới dẫn tới hiểu nhầm, gây ảnh hưởng mọi người. Đây có lẽ cũng là bài học sâu sắc với bản thân mình trước khi nhấn nút chia sẻ điều gì đó trên mạng xã hội”.
Trước đó, không ít người liên tiếp chỉ trích những cá nhân, trang page đưa tin không chính xác. Thậm chí, có người dùng những lời lẽ nặng nề, thiếu văn hoá, xúc phạm người khác.
Không đồng tình với cách hành sử như vậy, thành viên Hoài Hà nhận xét: “Rửa chân cho thầy cô thì ào ào chỉ trích mặc dù chưa biết đúng sai ra sao. Khi sự thật được phơi bày lại đồng loạt quay sang chỉ trích người đưa tin. Chẳng lẽ các bạn không có lỗi?”.
Nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay bị ảnh hưởng tâm lý a dua, hùa theo đám đông mà không có chính kiến. Thấy người khác “chửi”, họ cũng vào bình luận “cho vui tay” mà không suy nghĩ đến hậu quả với người trong cuộc.
Đã có không ít những trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, thậm chí tìm đến cái chết do vấp phải chỉ trích nặng nề từ phía mạng xã hội.
Cách đây không lâu, một nhóm học sinh tại Quảng Ninh đăng tải hình ảnh bạn nam trong lớp cạo trọc đầu kêu gọi ủng hộ vì bị ung thư. Thông tin này thu hút hàng nghìn like (thích) và chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi xác minh, đây chỉ là trò đùa của học sinh.
Trên thực tế, không ít câu chuyện bị đem ra lợi dụng để “câu like” hay đánh vào lòng tin của nhiều người.
Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam cho rằng, văn hóa mạng hiện nay đáng báo động, khi nhiều người cho mình quyền lên án, ném đá người khác theo... phong trào.
Họ chưa tìm hiểu kỹ câu chuyện, cứ thấy video, hình ảnh là vô tư dè bỉu, phê bình, chỉ trích. Chỉ cần vài cái gõ phím, sau vài giây, họ đã làm cho người khác "lên bờ xuống ruộng".