Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự thực uống một viên chống nắng phơi da cả ngày vẫn đẹp

Hiện viên chống nắng được quảng cáo rất nhiều ở các trang mạng với công dụng bảo vệ da hoàn hảo từ bên trong.

Chỉ cần uống một viên chống nắng là có thể bảo vệ da trong suốt 24 giờ, kể cả những người làm việc ngoài trời, da vẫn trắng đẹp… Thông tin đã và đang hấp dẫn nhiều chị em. Vậy viên chống nắng có công dụng thần thánh vậy không?

Uống viên chống nắng thần thánh để bảo vệ da, chữa nám?

Mùa hè nắng chói chang đang kéo dài khiến chị em đau đầu để bảo vệ da khỏi sạm nắng. Với lời quảng bá không cần kem chống nắng khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Trào lưu sử dụng viên uống chống nắng như một sự tiện lợi được chị em ưa chuộng.

Tuy nhiên, thực sự viên chống nắng không thần thánh như quảng cáo và vẫn còn nhiều hiểu lầm về nó. Điển hình là trường hợp chị H. 39 tuổi, ở quận Hà Đông. Da chị bị nám và nhiều vết sạm da. Gần đây, chị tìm đến một spa trên địa bàn để chăm sóc da.

Trong quá trình chăm sóc da, chị H. đã được nhân viên spa tư vấn dùng kết hợp viên uống chống nắng với lời quảng cáo sẽ giúp chống nắng từ bên trong cơ thể.

Trước khi ra nắng, chỉ uống một viên. Nếu tiếp tục ra nắng, cách 3 giờ sau lại uống tiếp một viên. Điều đặc biệt tiện lợi là không cần phải sử dụng đồ bảo hộ che nắng, đi ngoài đường vô tư.

vien chong nang anh 1

Tình trạng nám và nhiều vết sạm da mùa nắng sẽ trầm trọng hơn nếu bảo vệ da không đúng cách. Ảnh: BSCC.

Sau một tuần chăm sóc da kết hợp uống viên chống nắng theo chỉ dẫn, làn da của chị H. vẫn không cải thiện mà còn trở nên đen sạm, khô nứt nẻ. Đặc biệt, tình trạng nám nặng nề hơn. Kèm theo đó, trên mặt chị H. xuất hiện vết đỏ, da trở nên nhạy cảm hơn.

Quá lo lắng, chị H. đã đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

Viên uống chống nắng và những lầm tưởng cần biết

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa da liễu, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam - cho biết hiện nay nắng nóng cao điểm, rất nhiều chị em đến với bác sĩ trong tình trạng da bị bỏng rát, đen sạm hoặc nặng hơn là hoại tử da mặt do hiểu sai cách sử dụng của viên chống nắng.

Nhiều bệnh nhân đã dùng theo quảng cáo "uống một viên chống nắng trước khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời 30 phút là đủ bảo vệ làn da hiệu quả".

Tuy nhiên, theo bác sĩ Thành, dù viên chống nắng này đã có chứng cứ khoa học khuyên dùng, hiệu quả chưa thể thay thế hoàn toàn được kem chống nắng. Viên chống nắng chỉ hỗ trợ tác dụng của kem chống nắng tốt hơn.

"Viên uống chống nắng chỉ có tác dụng trong vài giờ đồng hồ (không quá 4 giờ), không phải uống một viên chống nắng sẽ có tác dụng chống nắng trong cả ngày", bác sĩ Thành nói.

vien chong nang anh 2

Bác sĩ chuyên khoa da liễu, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: K.M.

Bí quyết để chống nắng hiệu quả và bảo vệ da trong mùa hè

Bác sĩ Tiến Thành cho rằng đến nay, không có biện pháp chống nắng đạt hiệu quả 100%. Viên uống chống nắng khiến nhiều người hiểu lầm rằng có tác dụng chống nắng tương tự kem chống nắng. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác.

- Kem chống nắng: Là một dạng chống nắng bằng cách tạo một lớp màng ngăn chặn tia UV xâm nhập vào tế bào da. Lớp màng này có thể là vật lý hoặc hóa học, hoạt động thông qua cơ chế phản xạ, hấp thụ hoặc tán xạ mặt trời. Mục đích cuối cùng là hạn chế lượng tia UV xâm nhập vào tế bào da.

- Viên uống chống nắng: Là tập hợp các chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể và chống viêm. Thực tế, viên uống chống nắng không tạo thành lớp màng bảo vệ và tia UV vẫn xuyên qua da. Nhưng nhờ hoạt động của các chất chống oxy hóa sẽ ức chế sản sinh melanin nên da không bị đen sạm đồng thời ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm, giảm thiểu cháy nắng và mẩn đỏ da.

"Từ đó có thể thấy viên uống chống nắng và kem chống nắng hoạt động thông qua hai cơ chế khác nhau và hoàn toàn không thể thay thế được mà chỉ hỗ trợ hoặc bổ sung cho nhau", bác sĩ Thành giải thích thêm.

Vì vậy, bác sĩ Thành khuyến cáo để bảo vệ da ở thời tiết nắng nóng trên 40 độ, chúng ta nên sử dụng kết hợp viên uống chống nắng và kem chống nắng. Ngoài ra, cần nhớ phải sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như đội nón rộng vành, sử dụng khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng, đeo kính mát, dựa vào những bóng râm… để bảo vệ da tối ưu trước sự ảnh hưởng của tia UVA/UVB.

Bác sĩ Tiến Thành lưu ý thêm việc thoa kem chống nắng ở một số trường hợp cần lưu ý như người bị mụn trứng cá bôi kem chống nắng sẽ bị bít chân lông lại, làm mụn dễ bị sưng tấy.

Một số người còn có phản ứng với kem chống nắng như bị ngứa rát, nổi đỏ... Một số người da có những tổn thương nên cũng không thể bôi kem chống nắng. Những người này cần sử dụng viên uống chống nắng thay kem chống nắng.

Để bảo vệ làn da dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, điều cần thiết là nên tránh ra nắng giữa thời điểm nắng gắt đỉnh điểm, khoảng 9-16h. Cần uống đủ nước, ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Giúp làn da khỏe từ bên trong chúng ta cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Cuối cùng, theo bác sĩ Tiến Thành, muốn chống nắng có hiệu quả, khi thoa kem chống nắng, sau 3 giờ phải thoa lại, thoa một lớp đủ độ dày để có tác dụng, thoa cả ngày nắng và không nắng, thoa cả khi làm việc ở văn phòng… Chỉ như vậy bạn mới có được làn da khỏe mạnh dưới ánh nắng của mùa hè như hiện nay.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Điều gì xảy ra khi Việt Nam hạ cấp dịch Covid-19?

Khi hạ cấp dịch, vấn đề điều trị, thuốc men hay chi phí y tế cho người dân sẽ không còn miễn phí như với bệnh truyền nhiễm nhóm A.

https://suckhoedoisong.vn/uong-1-vien-chong-nang-phoi-da-ca-ngay-van-dep-va-su-thuc-nguoi-chi-emnga-ngua-169230602093543717.htm

Khánh Mai / Sức khỏe và Đời sống

Bạn có thể quan tâm