Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sử Việt kiêu hùng trong tác phẩm diễn họa của nhóm tác giả trẻ

Với mong muốn truyền tình yêu lịch sử, nhóm bạn trẻ cùng nhau xây dựng video "Tử chiến thành Đa Bang", kể lại đoạn sử bi tráng của dân tộc theo cách mới trực quan, hấp dẫn.

Trích đoạn 'Tử chiến thành Đa Bang' Tác phẩm "Tử chiến thành Đa Bang" của nhóm dự án "Việt Sử Kiêu Hùng" kéo dài hơn 17 phút, được sản xuất trong hai tháng rưỡi.

Trần Minh Tuấn (30 tuổi) vốn là kỹ sư ngành điện. Tuy nhiên, anh lựa chọn một con đường khác, dành hết tâm huyết và tuổi trẻ cho các dự án cộng đồng.

Vì lý do công việc, Tuấn gặp diễn viên lồng tiếng Đạt Phi - chủ kênh Hùng Ca Sử Việt trên mạng. Từ đó, chàng trai lên ý tưởng cho dự án Việt Sử Kiêu Hùng, tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc một cách mới mẻ, hấp dẫn.

“Ban đầu, Việt Sử Kiêu Hùng chỉ là ý tưởng nhỏ, diễn hoạt lại những nội dung lịch sử đơn thuần với giọng đọc của thầy Đạt Phi. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi nhận ra còn có thể làm hay hơn nữa. Vậy tại sao không? Thế là bắt đầu đi tìm người, kiếm đối tác, cố vấn”, Tuấn chia sẻ.

Nhóm không chuyên làm việc không lương

Lúc bắt đầu, nhóm chỉ có Trần Tuấn (trưởng dự án), Kỷ Thế Vinh (đạo diễn, kiêm dựng phim, diễn họa) và họa sĩ Diệp Xương Vỹ. Sau đó, anh tìm thêm một họa sĩ nữa là Lê Vũ Quang. Với 4 thành viên, nhóm cho ra mắt clip đầu tiên - Võ Tánh - và bắt đầu tuyển thêm người.

viet su kieu hung anh 1
Hầu hết thành viên của dự án Việt Sử Kiêu Hùng không phải là dân chuyên sử. Ảnh: NVCC.

Việc này cũng không dễ dàng. Một số người tham gia được thời gian đành phải bỏ vì bận việc riêng. Dự án không lợi nhuận, tất cả thành viên làm việc bằng lòng nhiệt huyết, thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân nhằm truyền tải những câu chuyện lịch sử tới thế hệ trẻ.

“Tại thời điểm ráo riết cho dự án, đạo diễn, phó đạo diễn phải tự tay làm gần như mọi thứ. Thậm chí, không có thời gian ăn ngủ, chỉ có thể tranh thủ chợp mắt lúc máy đang xuất file ngay tại chân bàn”, Trần Tuấn nhớ lại.

Tổng thời gian để hoàn thành, ra mắt phần một của “Tử chiến thành Đa Bang” chỉ gói gọn trong hai tháng rưỡi. Trong gần 80 ngày căng thẳng đó, nhóm của Trần Tuấn phải đối mặt khá nhiều sự cố cùng áp lực tâm lý.

Anh thừa nhận vì còn thiếu kinh nghiệm, nhóm không lường trước khối lượng công việc cũng không tính đến những sự cố bất ngờ như máy tính bỗng “lăn ra chết”, hay tốc độ mạng chậm mà file xuất ra dung lượng lớn.

Ngoài ra, nhóm gồm các thành viên ở Hà Nội và TP.HCM. Việc chuyển hàng chục file qua lại giữa máy tính hai bên để làm việc đồng bộ không dễ.

Đến khi video Tử chiến thành Đa Bang ra mắt và nhận được phản hồi tích cực, các thành viên Việt Sử Kiêu Hùng vẫn khó quên khoảnh khắc cả nhóm như nín thở chờ tiếng “ting” file xuất ra. Họ bắt đầu kiểm tra rồi lại hì hục sửa lỗi.

viet su kieu hung anh 2
Thời gian hoàn thành dự án khá ngắn nhưng nhóm luôn cố gắng chỉn chu trong từng khâu, từ phác thảo, vẽ màu đến diễn họa, dựng phim. Ảnh: NVCC.

Ngày 11/1, video dài hơn 17 phút ra mắt khán giả. Chỉ những người tham gia quá trình sản xuất mới hiểu hết nỗi khó khăn sau mỗi khuôn hình.

Nhưng trên hết, dù chưa thực sự hoàn hảo, tác phẩm thực sự là phần thưởng đối với nhóm tác giả không chuyên và không lương.

10 câu nói lưu danh sử sách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là thiên tài quân sự. Ông có những câu nói được lưu danh sử sách, trở thành bài học cho hậu thế.

Thắp ngọn ‘Đuốc Mồi’, cháy tình yêu lịch sử

Trừ cố vấn từ Đại Việt Cổ Phong, các thành viên trong nhóm không phải là dân nghiên cứu hay chuyên về lịch sử. Họ làm mọi ngành nghề, gắn kết nhau bằng đam mê truyền sử Việt theo cách mới.

Họ chọn cách truyền sử bằng hình thức diễn họa. Đề tài nhóm chọn cũng không phải những trận chiến vang danh sử sách mà là trận chiến hầu như không được nhắc đến trong sách giáo khoa.

Trần Tuấn cho hay vấn đề của lịch sử nước ta thường chỉ tung hô những thành công và khỏa lấp thất bại, chỉ nói về mặt tốt mà không dám nhìn vào mặt chưa tốt.

Vì thế, nhóm chọn một trận thua để nói lên rằng chúng ta phải dám nhìn vào thất bại trong quá khứ, học hỏi từ đó, mới có thể thành công trong tương lai.

Anh tâm niệm dù thắng hay thua, thành hay bại, đó đều là những trang sử kiêu hùng của dân tộc mà không ai được phép lãng quên.

viet su kieu hung anh 3
Một đoạn sử hào hùng, bi tráng của dân tộc được chuyển tải trực quan trong Tử chiến thành Đa BangẢnh cắt từ clip.

Ngoài ra, trưởng nhóm 8X cho rằng trận chiến này nói lên được một đặc trưng của dân tộc Việt Nam mà những trận thắng không thể hiện được.

“Cái gì khiến chúng ta vẫn giành lại được đất nước sau cả nghìn năm đô hộ mà không bị đồng hóa? Chúng tôi muốn trả lời câu hỏi đó qua phần phim này”, anh nói.

Ngoài ra, sự ít nổi tiếng của trận chiến này cũng là một lợi thế, vừa gợi tò mò của cộng đồng, vừa giảm được áp lực "chỉ trích”.

Sau khi ra mắt phần I Giấy, nhóm tiếp tục hoạt động để hoàn thiện phần II với tựa đề Sắt. Ngoài ra, Việt Sử Kiêu Hùng sẽ là dự án dài hơi, bao gồm nhiều tác phẩm, tập trung kể sử Việt theo cách mới, hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Nhóm làm dự án với mong muốn các tác phẩm trở thành ngọn Đuốc Mồi (tên một kênh trên mạng của nhóm), làm cháy lên tình yêu lịch sử của người Việt một lần nữa. Họ hy vọng điều này truyền cảm hứng để nhiều người góp sức vì lịch sử dân tộc và dù ở trong nước hay hải ngoại, người Việt đều yêu sử hơn, thích tìm hiểu về lịch sử, học từ quá khứ để hướng đến tương lai.

“Chúng tôi rất mong tất cả người Việt đều có thể làm gì đó để chung tay vì sử Việt, để không ai quên đi dòng máu kiêu hùng đang chảy trong huyết quản của chúng ta. Cho dù bạn đang ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần vẫn giữ được sự tự hào ấy, đó chính là nước Việt ta vậy”, trưởng nhóm Trần Minh Tuấn nhắn nhủ.

Mùa xuân năm 1400, Hồ Quý Ly phế bỏ thiếu đế nhà Trần, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Hồ, đặt niên hiệu Đại Ngu. Nho sĩ nhà Trần không phục, cầu viện vua Minh xuất quân diệt nhà Hồ. Hồ Quý Ly cho phục kích diệt sạch những nho sĩ này.

Biết nhà Minh không từ bỏ ý đồ, ông cho con trưởng là Hồ Nguyên Trừng xây dựng thành Đa Bang ở Sơn Tây làm phòng tuyến chống giặc. Hồ Nguyên Trực cho đóng cọc trên sông, ngăn quân địch tiến công bằng đường thủy, tạo nên hệ thống phòng thủ kiên cố nhất từ trước đến nay ở nước ta.

Hồ Quý Ly tiến hành phát hành tiền giấy nhằm thu gom tiền đồng để chế tạo vũ khí chống giặc. Việc này khiến lòng dân vốn không tin phục nhà Hồ càng trở nên bất mãn.

Năm 1406, quân Minh đổ bộ vào nước ta. Trương Phụ là đại tướng, Mộc Thạnh giữ chức phó tướng. Quân số đông đảo, tiến công theo đường thủy, mưu đồ tấn công thành Đa Bang.

Nhờ có phòng tuyến quy mô lớn và kiên cố, quân nhà Hồ chặn đứng bước tiến của giặc Minh gần 2 tháng. Quân nhà Hồ hầu như co vào cố thủ trên tất cả mặt trận. Các tướng không nắm được đâu là hướng tiến công chủ yếu của giặc nên dàn đều lực lượng đối phó trên cả 2 hướng Đông Đô và Đa Bang. Cuối cùng, thành Đa Bang vốn được mệnh danh là "tường đồng vách sắt" của Đại Ngu thất thủ.

Bạn có biết 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam?

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm