Giám đốc điều hành, giám đốc tiếp thị, biên tập viên, cộng tác viên bán hàng. Các chức danh công việc như trên đã tồn tại và là tiêu chuẩn trong nghề nghiệp suốt nhiều năm.
Chúng ngắn gọn, rõ ràng, truyền đạt khái quát về chức năng và thâm niên làm việc của nhân viên, giúp cả người lao động và nhà tuyển dụng nắm được đủ thông tin, theo BBC.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều chức danh mới đang ra đời, ví dụ như "giám đốc tầm nhìn", "giám đốc phụ trách đổi mới" hay "giám đốc từ xa", thay thế cho các tên gọi và vị trí truyền thống trong một công ty.
Nhìn bề ngoài, việc thay đổi cách gọi vị trí công việc hoặc tạo ra chức danh mới hoàn toàn không gây hại. Xét cho cùng, khi công việc trở nên linh hoạt hơn, các chức năng công việc và cách mô tả chúng cũng thay đổi theo.
Một số nhóm công việc đi kèm các chức danh "giám đốc", "trưởng bộ phận". Ảnh: Alexander Suhorucov. |
Tuy nhiên, các chức danh công việc truyền thống đã tồn tại lâu năm có lý do của nó và việc nới lỏng các quy tắc xung quanh chúng để tạo ra các chức danh tùy ý có thể không phải lúc nào cũng là cách tiếp cận tốt nhất.
"Giám đốc từ xa"
Chức danh công việc phục vụ nhiều mục đích. Thứ nhất, chúng thể hiện trách nhiệm và thứ bậc của nhân viên trong tổ chức, đồng thời là một phần của quá trình thăng tiến. Thứ hai, chúng cũng là cách người lao động tìm kiếm vị trí thích hợp khi cần tuyển người.
Lĩnh vực pháp lý là một ví dụ điển hình. Rustom Tata, đối tác và chủ tịch của DMH Stallard có trụ sở tại London (Anh), giải thích: “Theo truyền thống, quá trình phát triển nghề nghiệp trong ngành luật là từ luật sư tập sự, trợ lý, luật sư có chứng chỉ nghề và sau đó là đối tác góp vốn thành lập công ty luật. Các vị trí nói lên tương đối về kinh nghiệm, số năm trong ngành và chuyên môn".
Trong khi nhiều công ty luật đã thêm một số vị trí mới vào cơ cấu tổ chức của họ trong những năm gần đây như cộng sự cấp cao, cộng tác viên quản lý và trợ lý pháp lý, Tata cho biết các tên gọi và thứ bậc trong công ty vẫn rõ ràng và dễ hiểu với hầu hết người trong nghề.
Mặc dù chức danh công việc khá cố định trong các ngành như Luật và Tài chính, chúng lại đang nở rộ ở các ngành thiên về sáng tạo như Truyền thông. Trong môi trường ít cứng nhắc hơn, cấp quản lý gần như có toàn quyền tự do tạo ra các chức danh công việc mới, dù là thuê người mới hay mới được thăng chức.
Những tên gọi có phần lạ lẫm này đóng vai trò như công cụ tuyển dụng hoặc giữ chân và thậm chí thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Những tên gọi công việc mới lạ có thể nghe thú vị, song thực chất phần nhiệm vụ lại mơ hồ, không rõ ràng. Ảnh: Pixel. |
Đây là trường hợp của Lennie Hughes, người có chức danh công việc chính thức là trưởng phòng quảng cáo và văn hóa tại Truant, một công ty quảng cáo sáng tạo có trụ sở tại London (Anh).
Ban đầu, tên gọi của nó là trưởng bộ phận tiếp thị và kinh doanh mới. Tuy nhiên, Hughes cho biết thế mạnh của anh là kỹ năng kết nối con người một cách tự nhiên, chứ không phải là kinh nghiệm tiếp thị truyền thống.
Hughes đã thuyết phục ban lãnh đạo tạo ra chức danh mới cho vai trò mà mình sẽ đảm trách, tập trung vào việc truyền thông thương hiệu và xây dựng văn hóa nội bộ theo cách mới lạ. Công việc hàng ngày bao gồm quản lý các buổi phát sóng trực tiếp, làm podcast, bên cạnh các nhiệm vụ PR điển hình như quản lý trang mạng xã hội.
Mặc dù tính chất công việc không thay đổi hoàn toàn, Hughes đánh giá chức danh mới phù hợp với mình hơn. “Nếu công việc của tôi là thu hút sự chú ý thì tên gọi của nó cũng nên làm điều đó", anh khẳng định.
Pawel Adrjan, Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại nền tảng tuyển dụng Indeed, có trụ sở tại London (Anh), đánh giá chức danh công việc được thay đổi có thể giúp nhân viên cảm thấy có giá trị hơn tại công ty. Theo dữ liệu của Indeed, các từ khóa như "thu hút nhân tài" tăng 75% trong bản tin tuyển dụng, trong khi "tuyển người" giảm 19% kể từ năm 2019.
"Thay vì nói đang cần thuê người, nhà tuyển dụng có thể nói rằng họ đang đầu tư vào nhân sự. Từ ngữ này cho thấy các công ty đang cố gắng cho thấy họ coi trọng các cá nhân, thay vì mục đích khai thác".
Thay thế các chức danh đã tồn tại lâu năm, nhiều vị trí với tên gọi mới ra đời trong các môi trường thoải mái, đa dạng. Ảnh: Pixel. |
Tên gọi công việc mới cũng giúp gây hứng thú và tăng sự tự tin cho nhân viên, những người cảm thấy được trao quyền bởi các vị trí riêng biệt. Từ quan điểm của nhà tuyển dụng, họ có thể thu hút thêm người lao động bằng cách cho thấy môi trường làm việc cởi mở, thậm chí vui vẻ.
Những vị trí mới cũng giúp công ty khai thác được nguồn ứng viên rộng lớn. Điều này càng hữu ích trong thị trường lao động khan hiếm. Adrjan đánh giá: “Khi việc tuyển người quá cạnh tranh, người sử dụng lao động phải làm nhiều hơn để nổi bật giữa đám đông: từ việc trả lương, phúc lợi hay cả chức danh công việc".
Con dao hai lưỡi
Tuy vậy, việc hàng loạt chức danh hòa nhoáng mới ra đời cũng bị các chuyên gia và nhân viên chỉ trích là vô nghĩa.
Đầu tiên, chức danh có thể nghe rất to tát, mới lạ nhưng lại mơ hồ, có rất ít hướng dẫn về những gì công việc thực sự đòi hỏi.
"Nó cho thấy nhân viên là một thành viên quan trọng của doanh nghiệp, nhưng không truyền tải thông tin nào về công việc đó", Adrjan phân tích.
Khi chức danh bị thổi phồng, chỉ được sử dụng như một chiến thuật tuyển dụng không tốn kém, sự mơ hồ có thể dẫn đến mâu thuẫn trong kỳ vọng giữa cấp trên và nhân viên.
Người được nhận rơi vào tình thế khó khăn, khi họ phải đảm nhận một vai trò không phù hợp với những gì họ nghĩ đã được hứa hẹn.
Các chức danh mới cũng có thể cản trở ứng viên khi họ tìm kiếm nơi làm mới. Tiêu đề mô tả chính xác và ngôn ngữ đơn giản, cụ thể sẽ giúp người tìm việc lọc ra vị trí tuyển dụng thực sự phù hợp với họ.
"Việc đổi tên công việc có thể đi quá xa. Nếu chức danh trở nên quá chung chung, cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đều gặp khó. Một bên khó xác định được người nên tuyển, một bên khó giải thích về công việc từng làm với người phỏng vấn".
Theo nghĩa rộng hơn, cả nhân viên và tổ chức đều có thể bị ảnh hưởng. "Các chức danh nhất quán giúp đa dạng và công bằng, cung cấp nấc thang nghề nghiệp và mức lương rõ ràng", vị giám đốc kết luận.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.