Trong khi những bộ phim xoay quanh chủ đề lừa đảo như The Sting hay Catch Me If You Can đã thu hút người hâm mộ điện ảnh trong nhiều thập kỷ, khán giả đại chúng giờ lại chuyển hướng sang thích thú, quan tâm với những câu chuyện "người thực việc thực".
Trong năm nay, hai bộ phim nói về hai nhân vật lừa đảo có thật lên sóng và tạo ra cơn sốt: Inventing Anna và The Tinder Swindler.
Những bộ phim về tội phạm lừa đảo ra mắt liên tục phản ánh thị hiếu của khán giả: thích thú, tò mò trước các kế hoạch lừa gạt tinh vi. Ảnh: Glamour. |
Chương trình truyền hình, phim tài liệu, podcast về những kẻ phạm tội lừa đảo hay bị tố lừa gạt số tiền lớn đang xuất hiện với số lượng nhiều và liên tục trên mạng xã hội, các dịch vụ phát trực tuyến.
Cùng với những bí ẩn giết người chưa được giải đáp, lừa đảo và gian lận là một phần không thể thiếu trong chủ đề tội phạm - xu hướng nội dung đang phổ biến. Đằng sau xu hướng này là những lý giải liên quan đến tâm lý người xem.
Phiên bản nâng cao của thực tế
Theo RTE, cảm xúc khi xem thể loại phim này cũng tương tự như khi xem những bộ phim kinh dị: sợ hãi xen lẫn thích thú.
Người xem tò mò về những chiêu trò tinh vi, cách thủ phạm giăng bẫy, chiếm lấy lòng tin. Các "siêu lừa" vừa khiến họ thấy sợ vừa làm kinh ngạc bởi khả năng vạch ra kế hoạch và "diễn tròn vai" từ đầu đến cuối để nạn nhân "sập bẫy".
Chuyên gia về văn hóa đại chúng Nick Ede cho rằng khi biết tới những phương thức lừa gạt của "siêu lừa", chúng ta thường so sánh phản ứng của mình với những người khác.
"Câu chuyện của kẻ lừa đảo châm ngòi cho một loạt liên tưởng và cách giải quyết trong đầu người xem như 'Nó có thể xảy ra với tôi không?', 'Tôi đã từng gặp trường hợp nào như vậy chưa?', 'Tôi sẽ làm gì nếu rơi vào trường hợp đó?', 'Liệu tôi có ngu ngốc và cả tin như những nạn nhân kia không?'", Ede phân tích.
Simon Leviev được biết đến với danh xưng "kẻ lừa đảo Tinder". Ảnh: Huff Post. |
Mặc dù người bình thường vẫn dễ gặp những thủ đoạn lừa đảo hàng ngày như tin nhắn giả danh ngân hàng, gọi điện bằng máy ghi âm tự động và tự xưng là cơ quan chức năng, thì câu chuyện về các kẻ lừa đảo gây chú ý trong vài năm trở lại lại chứa yếu tố hấp dẫn là chân dung con người được hiện lên rõ ràng, với thiệt hại gây ra ở mức lớn.
Dưới danh xưng tự đặt "nữ thừa kế Anna Delvey đến từ Đức", Anna Sorokin (sinh năm 1991) đã lừa đảo nhiều người thuộc giới thượng lưu ở New York (Mỹ) trong giai đoạn 2013-2017. Cô tuyên bố mình là người thừa kế quỹ tín thác 60 triệu USD cùng nhiều khách sạn sang trọng tại Đức, thuyết phục những tên tuổi giàu có ở New York đầu tư vào một câu lạc bộ nghệ thuật mang tên mình.
Tự nhận mình là con trai của tỷ phú kim cương Lev Leviev, Simon Leviev (sinh năm 1990) đã lừa tình, lừa tiền hàng chục cô gái ở châu Âu trên ứng dụng hẹn hò. Tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 10 triệu USD.
Kể cả trong lúc ngồi trong song sắt hay đã được phóng thích, "nữ thừa kế giả mạo" Anna Sorokin vẫn được truyền thông và dư luận săn đón. Ảnh: People. |
Ngoài ra, người xem còn thích "tìm hiểu, thưởng thức" hành vi của kẻ phạm tội vì họ coi đó như một biện pháp để bảo vệ cho bản thân.
Nếu các cá nhân nhận thức được những điều tồi tệ nhất đã xảy ra với người khác trong các vụ việc liên quan đến tính mạng, khả năng bản thân trở thành nạn nhân sẽ thấp hơn.
Niềm tin tương tự cũng áp dụng đối với việc đề phòng trước các "siêu lừa" với cách thức lừa đảo không ai có thể nghĩ tới.
“Biết được thủ đoạn, mánh khóe của những kẻ lừa đảo còn nói lên phần vô thức trong mỗi chúng ta là đề phòng sự phản bội", nhà trị liệu tâm lý Jack Worthy cho biết.
“Mỗi người trong chúng ta đều đã trải qua ít nhất một sự phản bội nào đó: đồng nghiệp chơi xấu, người yêu không chung thủy, bạn thân cố tình nói dối. Một câu chuyện về kẻ lừa đảo giống như một phiên bản nâng cao của thực tế bình thường", Worthy nói thêm.
Với nhiều khán giả, tìm hiểu, xem phim về kẻ lừa đảo là một cách giúp họ thu thập kiến thức, tránh rơi vào cái bẫy tương tự. Ảnh: Straits Times. |
Niềm vui trước bất hạnh của người khác
Những bộ phim về tội phạm lừa đảo còn khai thác khái niệm schadenfreude - một thuật ngữ tiếng Đức để chỉ cảm giác thích thú hoặc vui sướng khi điều gì đó tồi tệ xảy ra với người khác.
“Nhiều người có khuynh hướng sống tiêu cực, nơi mà sự thoải mái hoặc hạnh phúc có được khi nhìn thấy bất hạnh ập đến với người khác. Điều này làm cho tính chất mãn nhãn của các câu chuyện lừa đảo cực kỳ hấp dẫn đối với một bộ phận nhất định", nhà trị liệu sức khỏe tâm thần Zoe Clews cho biết.
Nói cách khác, suy nghĩ "mình sẽ không dễ dàng sập bẫy" cùng cảm giác hả hê thúc đẩy sự yêu thích của người xem.
Hơn nữa, các bộ phim làm về "siêu lừa" thường tập trung khắc họa phong cách sống sang chảnh của kẻ lừa đảo. Khi xem những bộ phim như The Tinder Swindler hay Inventing Anna, rất nhiều siêu xe, phi cơ, du thuyền, biệt thự, đồ hiệu... xuất hiện.
Một bộ phận người xem không để tâm tới những tác động nguy hại mà "siêu lừa" gây ra đối với các nạn nhân, mà thay vào đó là chuyển qua hâm mộ phong cách sống cũng như đầu óc của những người như Anna Sorokin, Simon Leviev.
"Bạn có thể xem The Tinder Swindler và thích thú nhìn sự xấu xa của 'kẻ săn mồi' nhưng lại đảo mắt trước vẻ ngây thơ của nạn nhân. Đó là một phần sức hấp dẫn của chương trình.
Mỗi người, trong hoàn cảnh thích hợp, đều từng nảy sinh mong muốn thao túng niềm tin của người khác để chuộc lợi về cho mình. Và những lúc khác, ai cũng dễ bị lừa gạt nếu lời nói dối đủ sức thuyết phục. Đó là những phần tính cách thường thấy của số đông", Worthy nói thêm.