Trà sữa nước ngoài thu hút nhiều bạn trẻ thưởng thức. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000, trà sữa trở thành loại thức uống được giới trẻ ưa chuộng vì thơm trà, đậm vị béo từ sữa và có thể phối hợp nhiều loại topping. Theo báo cáo của Momentum Works và qlub, trà sữa được ưa chuộng thứ 2 (23%) tại Việt Nam chỉ sau cà phê.
Từ 2013 đến nay, hàng loạt thương hiệu trà sữa đến từ Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… tiến vào Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và thu hút sự quan tâm của không ít bạn trẻ.
Hương vị khác biệt
Sau thời gian dài thưởng thức trà sữa Việt Nam, nhiều bạn trẻ cho rằng trà sữa nước ngoài mang đến "làn gió mới" cho trải nghiệm ăn uống của họ. Mỗi loại trà sữa nước ngoài đều có hương vị riêng để tạo sự khác biệt nhằm thu hút thực khách.
Trà sữa Thái Lan và trà sữa Đài Loan mang đến trải nghiệm mới về hương vị. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh. |
Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh) thường uống 1-2 cốc trà sữa mỗi ngày. "Tôi rất thích trà sữa, đặc biệt là trà sữa Thái Lan và trà sữa Đài Loan. Mỗi loại đều có đặc điểm riêng, uống vào là biết ngay", bạn trẻ này cho biết.
"Trà sữa Việt Nam thường ít trà, chủ yếu vị béo đến từ sữa đặc, bột béo... Trà sữa Thái Lan uống vị béo dịu do pha từ sữa nước béo, mùi trà luôn thơm nức mũi. Còn trà sữa Đài Loan nổi tiếng là đậm trà, mùi thơm nhẹ và độ béo cũng cân bằng", Tuấn Anh nói thêm.
Ngoài hương vị, Tuấn Anh ưu tiên trà sữa nước ngoài vì ít topping, thường chỉ có trân châu, thậm chí một số quán không cho topping. "Nếu trà sữa nhiều topping, tôi chỉ tập trung ăn, trong khi uống trà sữa là phải thưởng thức vị của trà sữa. Trà sữa ít topping giúp tôi cảm nhận được rõ vị khi nhấp từng ngụm", người này đưa ra quan điểm.
So với trà sữa đến từ Thái Lan, Singapore, Đài Loan, trà sữa Ấn Độ chưa phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, trà sữa masala chai từ trà đen ủ kết hợp với nhiều loại thảo mộc vẫn được nhiều bạn trẻ săn đón.
Trà sữa Ấn Độ thích hợp uống nóng, ăn kèm bánh ngọt. Ảnh: Thanh Điền. |
Thanh Điền (sống tại quận 6) bắt đầu uống trà sữa Ấn Độ từ năm 2018. Trước đây, bạn trẻ này từng đi ngang quán trà sữa Ấn Độ và tò mò nên ghé vào uống thử. Đến nay, trà sữa masala chai và trà sữa hồng đã trở thành thức uống yêu thích của Điền.
"Trà sữa masala chai không ngọt, đậm mùi thảo mộc. Trà sữa hồng thì có thêm vị mặn của muối. Đây là điều khác biệt khiến trà sữa Ấn Độ nổi bật hơn tất cả thương hiệu trà sữa có mặt tại TP.HCM hiện nay", Điền chia sẻ.
Mỗi khi đến quán trà sữa Ấn Độ, Thanh Điền đều mua số lượng nhiều về cho vào tủ mát và đun nóng lại khi uống. Vào những ngày mưa, bạn trẻ này thường thưởng thức cốc trà sữa nóng cùng món bánh bơ dừa.
"Ngoài trời lạnh, uống trà sữa nóng cảm giác rất đã. Trà sữa từ thảo mộc nên tốt cho sức khỏe", Điền bộc bạch.
Kinh doanh trà sữa nước ngoài để tăng sức cạnh tranh
Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu trà sữa mới du nhập vào Việt Nam, thu hút sự hiếu kỳ của thực khách. Theo một số chủ quán, việc kinh doanh trà sữa nước ngoài cũng là một cách để tăng sức cạnh tranh giữa thị trường trà sữa ngày càng đa dạng.
Yashmita, chủ quán Little India Coffee, cho biết: "Hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, khách hàng có xu hướng quan tâm nhiều hơn về vấn đề sức khỏe. Đây là điểm cạnh tranh của trà sữa Ấn so với những loại khác khi hương vị thuần thảo mộc, ít ngọt và được thưởng thức nóng".
Nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ mua trà sữa đến từ Thái Lan. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Những năm qua, lượng khách của quán tăng đều, phần lớn khách bị thu hút, muốn thử món trà sữa Ấn Độ, số khác đến vì muốn giao lưu, tìm hiểu về văn hóa Ấn Độ.
Việc sử dụng nhiều loại thảo mộc vừa là ưu điểm, tạo nên sự khác biệt, nhưng cũng chính là nhược điểm của thức uống này khi khá kén khách. "Không phải tất cả khách hàng đều quen với mùi thảo mộc. Tuy nhiên, nếu thực khách thưởng thức đúng cách sẽ có được cảm nhận tốt hơn", Yashmita chia sẻ.
Là một người con lai Việt - Ấn, Yashmita mong muốn lan tỏa văn hóa Ấn Độ đến với mọi người thông qua thức uống này. Nữ chủ quán giữ nguyên công thức pha chế để đảm bảo đúng hương vị gốc và nét đặc trưng của trà sữa, tỷ lệ giữa những thành phần được điều chỉnh theo phản hồi của khách để phù hợp khẩu vị người Việt, Ấn, Âu tại TP.HCM.
Tương tự, Quốc Thanh - chủ cửa hàng trà sữa kéo Malaysia tại TP.HCM - cho biết Việt Nam không có nhiều cửa hàng bán trà sữa Teh Tarik nên nhờ một người bạn sống ở Malaysia giúp nhập nguyên liệu về bán.
Để có một ly trà sữa Teh Tarik chuẩn hương vị nguyên bản, bên cạnh nguyên liệu thì cách pha chế cũng đóng một phần quan trọng. Người pha chế phải để 2 ly nhôm cách nhau tầm một mét, rót qua rót lại nhiều lần, tạo nên một lớp bọt thơm ngon trên mặt.
"Tôi đã từng thưởng thức trà sữa Teh Tarik khi đi du lịch Malaysia. Ở TP.HCM, thỉnh thoảng tôi cũng thường rủ bạn mình tìm đến những quán trà sữa Malaysia để đổi khẩu vị", Ngọc Mai (TP.HCM) chia sẻ.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Tri thức Trực tuyến giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.