Lịch sử du lịch khu ổ chuột
Thế kỷ 19, những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở London (Anh) từng đến khu East End để xem cuộc sống của người nghèo, khiến một khái niệm mới có tên “ổ chuột” được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford năm 1884. Trong khi đó, nhiều du khách hiếu kỳ bắt đầu đến vùng Lower East Side ở Manhattan (New York, Mỹ).
Gần đây, cả thế giới hướng sự chú ý tới phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Nhiều du khách kéo đến nơi khởi đầu của phong trào, và “du lịch khu ổ chuột” bắt đầu hình thành một cách chính thức.
Ngày nay, du lịch khu ổ chuột đã trở thành một ngành công nghiệp hợp pháp trên thế giới, thu hút hơn một triệu du khách mỗi năm. Các hãng lữ hành chào mời các tour đến Cape Town và Johannesburg, hay Rio de Janeiro, Mumbai, New Delhi, thậm chí cả những nơi như Los Angeles, Detroit, Coppenhagen, và Berlin.
Một người đàn ông Ấn Độ đang tắm ngoài trời ở Dharavi, Mumbai. Ảnh: Punit Paranjpe/ Getty.
|
Sức hấp dẫn của những khu ổ chuột
“Tôi thích khám phá thành phố, và nghiên cứu về những người vô gia cư ở các nước phát triển. Tôi tò mò về sự đối lập của giới nhà giàu sống liền kề những khu ổ chuột”, một du khách có tên David Ways cho biết. “Tò mò không phải về việc họ sống như thế nào, mà về câu chuyện cuộc đời họ, và cả sự phân biệt đối xử mà họ phải hứng chịu từ chính quyền địa phương và những người có nơi an cư”, anh giải thích.
Mối quan tâm về các vấn đề xã hội cũng như điều kiện sống của con người nói chung là điểm thu hút của du lịch khu ổ chuột. Điều này được Giáo sư Fabian Frenzel ở Đại học Leicester (Anh) chỉ ra. “Với du lịch khu ổ chuột, điều tôi nhận thấy rõ ràng là người ta hứng thú với sự bất bình đẳng”, ông cho biết.
Mặt khác, Giáo sư Frenzel cho rằng, căn nguyên của du lịch khu ổ chuột ở New York (Mỹ) và London (Anh) có liên quan tới nhiếp ảnh. Khi xem những bức ảnh chụp các khu ổ chuột, nhiều người mong muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống ở đó.
Theo các hãng lữ hành, hiệu ứng của bộ phim Slumdog Millionaire của đạo diễn Ấn Độ Danny Boyle từ năm 2008 thu hút số lượng lớn các du khách đến khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai. Mặc dù các tour có từ trước khi phim ra mắt rất lâu, bộ phim đã khiến chúng trở nên nổi tiếng, và giúp du khách hình dung được khu vực này.
Hàng trăm nghìn người sống tại các khu ổ chuột ngoại ô Salvador, Brazil. Ảnh: David Turnley/ Getty.
|
Tour du lịch khu ổ chuột gồm những gì?
Hầu hết các tour du lịch khu ổ chuột thường đưa du khách đến một số nơi được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, như trường học, trung tâm giáo dục, trại trẻ mồ côi, hay các dự án như biến phân thành khí gas để nấu ăn.
Thông thường, những địa bàn này được chọn để du khách thấy những gì đang được thực hiện để cải thiện cuộc sống của người dân. Đôi khi, các tour còn gợi ý cách du khách hỗ trợ cho người dân nếu họ muốn.
Một trong những tác động lớn của du lịch khu ổ chuột là sự thay đổi nhận thức cho du khách. “Đây chính là khía cạnh giáo dục của du lịch”, Giáo sư Frenzel nói.
Phản ứng của người dân
“Tôi nhớ khi đi qua một khu vực ở Mumbai, với một nhóm du khách khá đông, mọi người phản ứng kiểu ‘Tại sao các anh đến đây? Đây không phải là Cổng vào Ấn Độ’. Đôi khi, bạn gặp sự thù địch, đặc biệt là khi người ta cảm giác như bạn giẫm lên chân họ. Nó cũng giống như hiện tượng mà bạn bắt gặp với du lịch ở mọi nơi”, Giáo sư Frenzel cho biết.
Một nghiên cứu của đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy, “sự mâu thuẫn” là phản ứng phổ biến nhất ở Dharavi (Mumbai, Ấn Độ). “Dù tôi đến bất cứ khu ổ chuột nào, người dân vẫn cảnh báo tôi cẩn thận với ví, hoặc mất mạng. Điều này xảy ra ngay cả trong các khu ổ chuột. Ở Sabah, Malaysia, một người đàn ông người Indonesia cảnh báo tôi nên tránh xa khu người Philippines, anh bán hàng người Pakistan bảo tôi tránh xa khu vực của người Indonesia, còn người Philippines nói tôi nên tránh tất cả. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì về tội phạm, ngoài mấy tay choai choai phiền phức mà tôi vẫn luôn cố tránh ở bất cứ đâu”.
Du khách đậu xe ở một khu ổ chuột ở Rio de Janeiro (Brazil). Ảnh: Mario Tama/ Getty. |
Tác động của du lịch khu ổ chuột
Du khách David Ways cho biết: “Các hãng lữ hành hứa hẹn cho người dân ở đó tiền, nhưng so với những gì họ kiếm được, thì quá ít”.
Giáo sư Frenzel cũng đồng tình rằng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế từ các tour du lịch tại những cộng đồng này không đáng kể. “Các tour này thường đi kèm khái niệm làm từ thiện. Người điều hành tour sẽ nói rằng một phần tiền thu của khách sẽ được dành cho một dự án trong khu vực, hoặc chúng tôi sẽ làm này làm nọ với tiền của anh. Hoặc chúng tôi sẽ thuê hướng dẫn viên người địa phương. Nhưng thực tế, rất ít tiền của tour đến được những nơi này”, giáo sư nói.
Tuy nhiên, tác động của du lịch khu ổ chuột chính là sự kết nối. Du khách giờ đây đã đến những nơi từng bị tách biệt khỏi cuộc sống thành thị. Sự tồn tại của những khu vực này được biết đến, và không bị bỏ qua. Nói một cách khác, những khu vực này có thể xuất hiện trên bản đồ.
“Tôi nghĩ đây là bước đầu tiên trong việc nhìn nhận các khu vực này, và hy vọng bạn có thể góp phần xây dựng nó. Khi đó, du lịch có thể trở nên hữu ích bằng cách tạo sự kết nối”, Giáo sư Frenzel nói.