Persuasion (Tựa Việt: Thuyết phục) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Jane Austen - tác giả của chuỗi kiệt tác văn học kinh điển Kiêu hãnh và Định kiến, Lý trí và Tình cảm.
Nhiếp Chính (Regency) là bối cảnh lịch sử thường xuất hiện trong các áng văn của bà. Đây là giai đoạn trước thời của Nữ hoàng Victoria, khi các định kiến xã hội còn nặng nề. Từ sự phân ly và những nỗi đau, tình yêu như hoa dại, luôn tìm cách để đâm chồi. Đây cũng là lý tưởng lớn trong văn của Austin, luôn được các nhà làm phim cố gắng truyền tải trong phiên bản điện ảnh.
Giống Kiêu hãnh và Định kiến, Persuasion cũng lấy thế kỷ 19 làm mốc thời gian thiêng liêng cho mối tình vượt ngoài giai cấp. |
Persuasion xoay quanh Anne Eliot (Dakota Johnson đóng) - cô tiểu thư đã gần 30 tuổi, sống trong gia đình quý tộc Anh đang trên đà sa sút. Tình cờ, cô có cơ hội gặp lại tình xưa - chàng thủy thủ Frederick Wentworth (Cosmo Jarvis đóng). Sau 8 năm, anh đã trở thành thuyền trưởng của tàu Laconia danh giá. Anne và Frederick sẽ để quá khứ ngủ yên, hay trao cho đối phương cơ hội thứ hai?
Nét duyên của Dakota Johnson
Nổi lên sau bom tấn 18+ 50 sắc thái, minh tinh người Mỹ cho đến nay vẫn luôn tìm kiếm cơ hội khẳng định năng lực qua những phim nghệ thuật, không chịu đóng khung "bình hoa di động" hay "bom sex".
Đến với Persuasion, khán giả được thấy một Johnson "kín cổng cao tường" với lối diễn đường hoàng mà vẫn duyên dáng, trong một bộ phim chính kịch nghiêm túc.
So với vai nam chính "chuẩn quý ông tân thời" (cách Frederick được miêu tả trong sách), vai Anne của Johnnson có những nét chấm phá riêng, vừa mê mẩn trong tình yêu, song cũng đầy lý trí trước thời cuộc.
Dakota Johnson thanh lịch và quyến rũ trong phim mới. |
Có khán giả cho rằng biên kịch Persuasion vận dụng kiến thức chiêm tinh học phương Tây khi xây dựng Anne Eliot. Ở cảnh đầu phim, sinh nhật của Anne tiết lộ cô thuộc cung Sư Tử. Xuyên suốt phim, Anne được khắc họa với tính cách của một Sư Tử điển hình: Hào phóng, nhiệt thành, trẻ thơ, nhưng cũng kiêu hãnh, ngang bướng và cường điệu.
Nhà làm phim chủ trương khắc họa tính cách nhân vật qua hình ảnh, thay vì lời kể. Khi thường nhật, Anne Elliot là tiểu thư nề nếp, học cao hiểu rộng. Nhưng tới lúc bối rối, cô đột nhiên nói năng ngọng nghịu, chân đăm đá chân chiêu.
Anne cũng có nhiều phân cảnh chơi đùa và kết nối với những đứa cháu trong nhà - phản ánh sự trẻ trung và vô tư trong tâm hồn.
Nữ chính hiện lên đa sắc, đầy sức sống. |
Phong cách “Phá vỡ bức tường thứ 4” (break the fourth wall) - độc thoại với khán giả - được áp dụng tinh tế.
Kỹ thuật mang đậm tính sân khấu này khiến nhân vật của Anne hiện lên vừa thân thương vừa hài hước. Đặc biệt là ở các phân cảnh dở khóc dở cười - khi Anne vừa tâm sự buồn khổ mà cũng có thể tấu hài về hoàn cảnh bản thân.
Tác phẩm chưa phát huy trọn vẹn tinh thần Jane Austen
Các tác phẩm của Jane Austen luôn nổi bật với yếu tố trữ tình, lãng mạn. Tuy nhiên giá trị hơn cả ở những áng văn mà Austen sáng tạo lại nằm ở những yếu tố thời cuộc: Sự mâu thuẫn giai cấp, sự vượt lên khoảng cách giàu nghèo được phản ánh trong tình yêu. Đáng tiếc là bộ phim lần này chưa làm nổi bật được tư tưởng quý báu đó.
Sự mâu thuẫn giai cấp được đề cập một lần duy nhất: Tình yêu giữa Anne Eliot và Frederick Wentworth bị gia đình phản đối vì trong quá khứ, Wentworth là thủy thủ không gia thế, không tiền bạc.
Tuy nhiên, chuyện phim diễn ra lúc anh quay trở về gặp Anne khi đã có tước hiệu và của cải, nên khán giả khó tìm được sự đồng cảm.
Tình thân của Jane Austen bị truyền tải một cách hời hợt. |
Câu chuyện ở Persuasion đáng ra có thể lồng ghép và truyền tải được thông điệp nữ quyền hiện đại - vốn là giá trị được thế hệ ngày nay quan tâm. Vậy mà, trong nhóm nhân vật nữ đông đảo của Persuasion, sau cùng không ai thực sự vượt qua khuôn mẫu phụ nữ điển hình, thoát khỏi ước muốn tình yêu và hôn nhân “nữ nhi thường tình” cả.
Nam chính nhạt nhòa
Dường như phim của đạo diễn Carrie Cracknell quá tập trung vào Anne, mà quên đi công đoạn phát triển tính cách nam chính. Chàng thủy thủ Frederick Wentworth dường như không để lại dấu ấn sâu đậm, trừ vẻ điển trai của tài tử Cosmo Jarvis.
Ngôi sao của loạt phim Peaky Blinders không có cơ hội trổ tài diễn xuất, khi nhân vật của anh quá một màu. Được mô tả là mối tình day dứt của Anne, nhưng xuyên suốt phim, Frederick xuất hiện khô cứng, hời hợt.
Cosmo Jarvis có lối diễn nhàm chán, dù từng được đánh giá cao trong Peaky Blinders. |
Khán giả không khỏi thắc mắc: Tại sao cô tiểu thư giỏi giang như Anne lại phải lòng anh, đến nỗi đắm chìm trong nỗi nhớ dài tận… 8 năm? Lý do là phim thiếu đi những lý giải và cảnh tương tác cần thiết giữa hai diễn viên chính.
Phim chỉ đạt cao trào trong khoảnh khắc “dằn mặt” giữa Wentworth với Mr. Eliot (Henry Golding đóng). Với thời lượng vỏn vẹn dưới 2 phút cùng lời thoại hạn chế, ánh mắt của hai nhân vật lập tức thể hiện bầu không khí căng thẳng và lúng túng giữa họ.
Henry Golding (Crazy Rich Asians) xuất hiện trong vai trò đối trọng. |
Nếu đạo diễn dẫn dắt mạch phim đi theo hướng này - truyền tải tâm lý và sẵn sàng “nặng tay” hơn với những phân đoạn cảm xúc, có lẽ Persuasion đã là một bộ phim rất khác.