Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh của phim ảnh lấy đề tài từ vụ án có thật

Ngày càng nhiều bộ phim Hàn Quốc xây dựng nội dung dựa trên sự kiện có thật. Các tác phẩm này giúp nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của công chúng với vấn nạn xã hội.

Trong thời gian gần đây, những bộ phim truyền hình Hàn Quốc lấy cảm hứng từ câu chuyện ngoài đời thực như Through The Darkness, Tòa án vị thành niên, Công tố viên quân sự Doberman liên tục ra mắt khán giả. Mỗi tác phẩm lại khai thác bối cảnh, chủ đề khác nhau.

Through The Darkness được chuyển thể từ cuốn sách phóng sự cùng tên do Kwon Il Yong, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm đầu tiên của Hàn Quốc, và nhà báo Ko Na Mu đồng chấp bút. Nội dung cuốn sách bao gồm kinh nghiệm thực tiễn của Kwon xuyên suốt quá trình anh thực hiện công việc.

Công tố viên quân sự Doberman thu hút người xem nhờ câu chuyện gợi liên tưởng đến loạt bê bối tai tiếng ngoài đời thực, điển hình như scandal hộp đêm Burning Sun. Trong khi đó, bằng cách lồng ghép nhiều vụ án gây chấn động Hàn Quốc do trẻ vị thành niên gây ra, Tòa án vị thành niên giúp người xem suy xét vấn đề tội phạm vị thành niên dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Lấy cảm hứng từ vụ án ngoài đời thực

Gần đây, Through The Darkness - bộ phim do Kim Nam Gil thủ vai chính - nhận nhiều sự quan tâm từ khán giả. Phim liên tục phá vỡ kỷ lục tỷ suất người xem trung bình cao nhất của tác phẩm.

Kịch bản tỉ mỉ được đánh giá như yếu tố chính làm nên thành công cho Through The Darkness. Cốt truyện của bộ phim gợi cảm giác pha trộn giữa hư cấu và tự truyện.

Ở mở đầu tác phẩm, nhà sản xuất khẳng định nội dung trong phim không liên quan đến sự kiện ngoài đời thực. Tuy nhiên, khi theo dõi phim, khán giả không khỏi liên tưởng tới một số kẻ sát nhân khét tiếng giết người hàng loạt như Yoo Young Chul và Jeong Nam Gyu.

Seol Yi Na, biên kịch bộ phim, chỉ ra đánh giá tích cực của người xem dành cho Through The Darkness: "Through the Darkness phản ánh tội ác dựa trên câu chuyện có thật, do vậy, có rất nhiều điều phải được thực hiện cẩn thận. Những điểm đó đã được truyền tải trọn vẹn đến trái tim người xem".

Biên kịch Yoon Hyun Ho, người chấp bút cho tác phẩm The Attorney và bộ phim truyền hình Lawless Lawyers, nhắc nhở người xem về các bê bối xảy ra ngoài đời thực thông qua bộ phim Công tố viên quân sự Doberman. Loạt sự kiện quen thuộc với công chúng Hàn Quốc, điển hình như tranh cãi xoay quanh việc thực thi nghĩa vụ quân sự của con trai một chính trị gia, hay tội phạm ma túy, tội phạm tình dục ở hộp đêm đều được điểm lại trong bộ phim.

Đặc biệt, chi tiết nam thần tượng Allen (Park Sang Nam thủ vai) thường xuyên mời phụ nữ tới quán bar Cartel để xâm hại, quay lén họ bất hợp pháp bằng điện thoại di động khiến không ít người xem liên tưởng đến bê bối hộp đêm Burning Sun và nhóm chat tình dục với sự dính líu của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Seungri (Big Bang), Jung Joon Young, Choi Jong Hoon (F. T. Island), Lee Jong Hyun (CNBlue), Yong Jun Hyung (BEAST).

Phản ánh vấn nạn xã hội

Tòa án vị thành niên ra mắt khi việc xử phạt tội phạm vị thành niên đang nổi lên như vấn đề xã hội tại Hàn Quốc. Trọng tâm của bộ phim là Đạo luật vị thành niên.

Theo Đạo luật vị thành niên, dù có phạm tội nghiêm trọng như hành hung theo băng đảng, xâm hại tình dục, giết người, tội phạm vị thành niên trong độ tuổi 10-14 sẽ không phải chịu trách nhiệm theo luật hình sự. Họ nhận được quyền bảo vệ và chấp hành biện pháp xử lý mang tính khoan hồng hơn.

Lợi dụng điều này, sự gia tăng trong số lượng tội phạm vị thành niên tại Hàn Quốc đang trở nên đáng báo động, với hành vi phạm tội ngày càng tàn bạo và số tuổi của tội phạm hiện có dấu hiệu trẻ hóa.

Nếu tìm kiếm cụm từ "bãi bỏ Đạo luật vị thành niên" trên bảng kiến ​​nghị công khai của Nhà Xanh, khán giả sẽ tìm thấy khoảng 6.000 đơn kiến ​​nghị. Hầu hết số đơn này yêu cầu xóa bỏ Đạo luật vị thành niên, hoặc giảm khung độ tuổi có thể áp dụng đạo luật. Đạo luật vị thành niên được ban hành vào năm 1953 và hiện được duy trì trong gần 70 năm. Do vậy, có nhiều ý kiến ​​cho rằng việc thiết lập tiêu chuẩn mới cho đạo luật này là điều cần thiết.

Biên kịch Kim Min Seok đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trong vòng 4 năm để hoàn thiện nội dung tác phẩm. Ông ghé thăm các tòa án địa phương và tòa án gia đình (tòa án phụ trách vụ án liên quan đến tội phạm dưới 19 tuổi và vụ án xảy ra trong gia đình), trại giáo dưỡng, Viện Thẩm tra Phân loại Trẻ vị thành niên, cơ quan có liên quan được ủy thác, và trung tâm cải tạo thanh thiếu niên nhằm phỏng vấn hơn 50 người.

Đây là chủ đề nhạy cảm, nhưng Tòa án vị thành niên đã phản ánh một cách bình tĩnh thực trạng tội phạm vị thành niên, đồng thời soi chiếu một cách khách quan trẻ vị thành niên phạm tội dưới nhiều góc nhìn khác nhau thông qua khai thác sự kiện có thật.

Các vụ án được bộ phim lấy cảm hứng gồm: Sự cố 3 học sinh tiểu học tại Yongin thả gạch xuống từ nóc tòa nhà chung cư, khiến một người phụ nữ thiệt mạng vào năm 2015, vụ án giết hại, phân xác học sinh tiểu học tại Incheon năm 2017, bê bối rò rỉ đề thi trong trường trung học nữ sinh Sookmyung năm 2018, vụ 8 học sinh trung học cướp ôtô từ công ty cho thuê xe hơi rồi gây tai nạn chết người tại Daejeon năm 2020, và vụ án cưỡng hiếp tập thể một nữ sinh cấp hai ở Incheon vào năm 2019.

Tạo nên tác động tích cực

Khi phim truyền hình đề cập đến sự kiện có thật, chúng có thể tạo nên tác động tích cực rất lớn.

Đầu tiên, những tác phẩm này khiến công chúng nhìn nhận lại các vụ án ngoài đời thực. Through The Darkness nhấn mạnh vào tinh thần cảnh giác, ý thức của người dân về vụ án hình sự, trong khi Công tố viên quân sự Doberman phơi bày mặt tối tại xã hội Hàn Quốc, nhắc nhở người xem về mức độ nghiêm trọng của chúng.

Đặc biệt, Tòa án vị thành niên thể hiện sự quan ngại về trách nhiệm, vai trò của xã hội trong việc tiếp cận tội phạm vị thành niên.

Sau khi ra mắt, không ít khán giả kỳ vọng ảnh hưởng của bộ phim có thể dẫn đến sự sửa đổi trong Đạo luật vị thành niên và Đạo luật hình sự. Bộ phim đặt câu hỏi về những gì xã hội có thể thực hiện, và đâu là giải pháp chính xác đối với tội phạm vị thành niên.

Lời thoại của nhân vật Shim Eun Seok (Kim Hye Soo thủ vai) ở cuối tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc cùng thông điệp nặng nề: "Có câu để nuôi dạy một đứa trẻ cần đến cả một ngôi làng. Nói ngược lại, nếu cả ngôi làng vô tâm thì có thể hủy hoại một đứa trẻ. Liệu có phải những đứa trẻ đó là thủ phạm duy nhất biến Kang Seon Ah thành nạn nhân? Không ai có tư cách chỉ trích chúng. Chúng ta đều là thủ phạm".

Bên cạnh đó, nội dung dựa trên câu chuyện có thật giúp phim ảnh gia tăng tính hiện thực. Sự kiện càng quen thuộc với công chúng, mức độ quan tâm của khán giả càng cao. Khi có được sự đồng cảm từ công chúng, bộ phim có thể thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức về tệ nạn xã hội.

Sự tôn trọng dành cho nạn nhân

Tuy nhiên, những bộ phim lấy cảm hứng từ đời thực cần dành sự tôn trọng cho nạn nhân và gia đình.

Thực tế, nhiều khán giả bày tỏ ​​lo ngại rằng các bộ phim dựa trên vụ án có thật có thể khiến nạn nhân cảm thấy đau đớn khi nhớ lại sự việc, hoặc tổn thương nạn nhân nếu sự kiện đó bị diễn tả sai cách.

Trả lời điều này, đội ngũ sản xuất Taxi Driver - bộ phim kể về dịch vụ taxi bí ẩn trả thù thay cho những nạn nhân bất lực vì không thể có được công lý từ pháp luật - cho biết: "Khi viết kịch bản về một sự việc cụ thể, chúng tôi đã rất cẩn thận để không làm hành động tổn thương nạn nhân, chẳng hạn như cầu xin sự tha thứ cho thủ phạm. Đây là tác phẩm ra đời với mong muốn các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết thông qua pháp luật, nên chúng tôi không sử dụng sự kiện thực tế chỉ để mua vui".

Tuy nhiên, một số ý kiến ​​cho rằng cần có quy định nhất định dành cho phim ảnh dựa trên đời thực, vì đây là vụ án liên quan đến người thật.

Ko Na Mu, Giám đốc điều hành của Fact Story - công ty sản xuất nội dung dựa trên câu chuyện có thật, chia sẻ: "Các bộ phim lấy cảm hứng từ sự kiện có thật phải kiểm tra vấn đề pháp lý, đạo đức trong quá trình lập kế hoạch và phát triển. Chúng tôi kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ để xem xét xem có khả năng phỉ báng, xâm phạm quyền cá nhân về hình ảnh không, mà còn phải cẩn thận trong việc khắc họa hình ảnh nạn nhân của tội phạm".

Hankook Ilbo nhận xét: "Quan trọng hơn cả vấn đề thu hút khán giả, bộ phim cần đi kèm với tính xác thực. Nếu tập trung vào thể hiện hình ảnh kẻ sát nhân hiếm thấy, chỉ có một bức tranh tàn ác được tạo nên. Phải luôn khẳng định rằng nạn nhân thực sự tồn tại".

Thăng trầm đời tư của nam chính phim 'Tòa án vị thành niên'

Theo Sport Seoul, vai thẩm phán Cha Tae Joon trong “Tòa án vị thành niên” đã đánh dấu màn tái xuất đầy ấn tượng của Kim Moo Yeol sau 5 năm vắng bóng màn ảnh nhỏ.

Son Ye Jin cũng không cứu nổi bộ phim nhàm chán

Khán giả tỏ ra thất vọng với kịch bản cũ, phi thực tế của "Thirty-Nine". Tuy nhiên, nữ diễn viên Son Ye Jin nhận lời khen ngợi nhờ kỹ năng diễn xuất.

Phim Hàn khơi dậy sự phẫn nộ

Chính kịch trở thành dòng phim xu hướng tại Hàn Quốc. Dù chưa chạm tới cốt lõi nhiều vấn đề, phim Hàn phản ánh rõ rệt vấn nạn xã hội hiện tại.

Thúy Hà

Bạn có thể quan tâm