Sức mạnh của thư cảm ơn
Gửi thư cảm ơn sau một cuộc phỏng vấn không chỉ chứng tỏ bạn biết cách cư xử, mà còn mở ra cơ hội thuận lợi đưa bạn đến với công việc mới.
![]() |
Việc gửi thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn sẽ để lại ấn tượng tốt về bạn với nhà tuyển dụng. (Ảnh minh họa: GlobalPhoto) |
Cảm ơn là một trong những điều đơn giản nhất bạn thừa sức để làm. Bằng cách bày tỏ lời cảm ơn, bạn có thể thay đổi thái độ và nhận thức của một người về bạn ngay tức thì. Vì sao hai tiếng “cảm ơn” lại có sức nặng đến vậy?
Viết thư cảm ơn sau một buổi phỏng vấn không chỉ cho thấy bạn là người biết cách cư xử, mà còn giúp bạn không để vuột mất công việc mơ ước. Theo kết quả của cuộc khảo sát “How to Get in the Front Door” (Làm cách nào xin được việc một cách đường đường chính chính), do trang Career Builder thực hiện, gần 15% giám đốc tuyển dụng cho biết họ sẽ không thuê những ứng viên không “thèm” gửi thư cảm ơn sau cuộc phỏng vấn; khoảng 32% nói vẫn xem xét ứng viên đó, nhưng ít ưu tiên hơn các đối tượng khác.
Dù phần đông nhà tuyển dụng mong nhận được thư cảm ơn, nhưng không phải tất cả đều thích cùng một hình thức thư. Cứ 4 giám đốc tuyển dụng lại có một người thích nhận lời cảm ơn qua email hơn; 19% muốn email đó đến sau một lá thư bằng “giấy trắng mực đen”; 21% chỉ thích đọc những dòng cảm ơn trên giấy và 23% lại chuộng kiểu thư cảm ơn viết tay hơn.
Bất kể bạn chọn hình thức nào, điều quan trọng là phải gửi thư cảm ơn thật nhanh cho người phỏng vấn. 26% nhà tuyển dụng hy vọng thư sẽ đến tay họ chỉ hai ngày sau buổi phỏng vấn và 36% chọn khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày. Tốc độ gửi thư cũng góp phần chứng tỏ lòng nhiệt tình của bạn với công việc đó và giúp bạn đứng ở vị trí ưu tiên trong sự lựa chọn của nhà tuyển dụng.
Có vài bí quyết để thư cảm ơn thêm "sức nặng":
- Trung thành với “nguyên tắc” 3 đoạn: Ở đoạn đầu tiên, hãy cảm ơn người phỏng vấn đã tạo cơ hội cho bạn chứng tỏ mình. Dùng đoạn thứ hai để PR về bản thân bằng cách nhắc cho nhà tuyển dụng nhớ những ưu điểm của bạn. Với đoạn thứ ba, đừng quên nhấn mạnh sự quan tâm của bạn dành cho vị trí đã nộp đơn.
- “Điền vào chỗ trống”: Thư cảm ơn là một cách tuyệt vời để khéo léo bổ sung thông tin quan trọng mà bạn trót quên cung cấp trong buổi phỏng vấn, làm rõ bất kì ý kiến nào còn mơ hồ hoặc cố gắng xóa tan mọi nghi ngại về bạn từ phía nhà tuyển dụng.
- Kiểm tra lỗi chính tả cẩn thận: Nhớ xem đi xem lại để đảm bảo thư cảm ơn không mắc lỗi chính tả và soạn thảo văn bản. Không nên chỉ dựa dẫm vào công cụ kiểm tra lỗi (spell-checker) trên máy tính.
- Tạo dấu ấn riêng: Đừng gửi thư cảm ơn chung chung có thể dùng cho bất cứ công việc nào. Thay vào đó, hãy chỉnh sửa sao cho có thể tạo cảm giác lá thư này chỉ dành riêng cho một vị trí cụ thể và mối giao hảo bạn đã xây dựng với nhà tuyển dụng.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam