
Hoàng Vân (25 tuổi), nhân viên truyền thông tại phường Cầu Giấy, Hà Nội, từng ủng hộ bạn trai có sở thích riêng. Hơn nửa năm trở lại đây, khi pickleball rộ lên, cô vui vì nửa kia tham gia, có thêm niềm đam mê mới.
Tuy nhiên, khi người yêu bắt đầu ra sân 4-5 buổi/tuần, cả tối thứ bảy lẫn chủ nhật, thậm chí nghỉ lễ 30/4 cũng say sưa đi đánh pickleball từ sáng đến chiều, Vân bắt đầu cảm thấy không thoải mái.
Đỉnh điểm là lần bạn trai hủy buổi hẹn với Vân vì đồng đội rủ đi nhậu. Suốt cả tuần, anh cũng có nhiểu lý do để ít dành thời gian cho bạn gái. Tình trạng kéo dài khiến Vân cho rằng đối phương thay đổi vì pickleball.
Pickleball vốn được xem là hoạt động cặp đôi lý tưởng nhờ tính giải trí, dễ chơi và tạo cơ hội gắn kết. Tuy nhiên, với không ít người, cây vợt và trái bóng nhỏ lại vô tình trở thành tác nhân khiến chuyện tình rạn nứt vì nhiều lý do khác nhau.
"Đánh cắp" thời gian bên nhau
Sau nhiều ngày thấy ấm ức, Hoàng Vân quyết định trao đổi thẳng thắn với người yêu. "Em không cản anh chơi, nhưng có cần thiết ngày nào cũng ở sân không? Chút thời gian cho buổi hẹn hò giờ cũng trở nên hiếm hoi", cô nói.
Trước đó, bạn trai Vân không để tâm nhiều, cho rằng đây là đam mê cá nhân, là cách anh giải tỏa căng thẳng sau giờ làm. Anh tin chỉ cần vẫn nhắn tin, gọi điện cho nửa kia là đủ để giữ kết nối. Khi cả hai ngồi xuống nói chuyện, chàng trai bắt đầu hiểu rằng sự cân bằng trong mối quan hệ cũng quan trọng không kém.
![]() |
Hoàng Vân cảm thấy xa cách với bạn trai vì anh đi chơi pickleball quá nhiều. |
Sau đó, thay vì đi chơi riêng, người yêu rủ Vân ra sân pickleball cùng cho vui. Ban đầu chỉ đứng ngoài xem, dần dần, Vân thử cầm vợt rồi thấy cũng vui. Dù không chơi thường xuyên, cô nói việc tham gia một phần vào "thế giới" của anh khiến họ gần nhau hơn.
Bên cạnh đó, bạn trai Vân cũng điều chỉnh chỉ ra sân 2-3 lần/tuần, chủ động để trống ngày cuối tuần cho bạn gái.
Hạnh Ngọc (26 tuổi), nhân viên kinh doanh tại phường Thanh Xuân, Hà Nội, cũng từng ủng hộ người yêu chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Nhưng gần đây, cô bắt đầu thấy "nóng ruột" khi thói quen tiêu pha cho bộ môn pickleball của anh ngày càng lớn, trong khi cả hai dự định kết hôn vào năm tới.
Bạn trai Ngọc thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, bắt đầu chơi pickleball cách đây nửa năm. Ban đầu chỉ là cây vợt tầm trung giá 3 triệu đồng, sau ít tháng, anh nâng cấp lên cây vợt mới gần 7 triệu.
Kèm theo đó là giày chuyên dụng 2 triệu, đồng phục đội 800.000 đồng, mũ, kính, băng tay khoảng 1 triệu đồng. Chưa kể các khoản nhỏ như bóng (200.000 đồng/tháng), tay cầm vợt, túi đựng cũng đều "nhỏ mà cộng lại không nhỏ".
Chưa dừng lại ở đó, hầu như tháng nào, người yêu Ngọc cũng có chuyến giao lưu tỉnh xa, tốn kém khoảng 1-1,5 triệu đồng/lần chi phí đi lại, ăn ở và thêm 300.000-500.000 đồng góp quỹ đội. Trung bình mỗi tháng, anh chi từ 2,5 đến gần 4 triệu đồng cho pickleball, tức khoảng 1/4 thu nhập.
"Tôi hiểu ai cũng cần đam mê, nhưng khi đã sắp bước vào hôn nhân thì không thể tiêu xài như thời còn độc thân được", Ngọc bày tỏ.
![]() |
Hạnh Ngọc từng khó chịu vì người yêu chi tiêu phung phí cho pickleball. |
Ngọc quyết định nói chuyện rõ ràng với người yêu sau nhiều lần căng thẳng vì tiền bạc. Cô nhận ra mâu thuẫn chủ yếu đến từ việc cả hai chưa thống nhất cách quản lý tài chính.
Trong cuộc trò chuyện, bạn trai thừa nhận đã "vung tay" vì đam mê thể thao, còn Ngọc cũng hiểu rằng việc cấm đoán hay phàn nàn liên tục chỉ khiến anh cảm thấy bị kiểm soát.
"Tiền bạc có thể là lý do khiến người ta xa nhau, nên em nghĩ mình cần thẳng thắn trước khi bước vào hôn nhân", Ngọc nói với nửa kia.
Cả hai cùng xem lại các khoản chi tiêu gần đây và thống nhất mỗi tháng, chỉ dành khoảng 1 triệu đồng cho thể thao. Ngân sách này không đủ cho những chuyến giao lưu xa hay đồ mới liên tục, nhưng đủ để người yêu Ngọc tiếp tục đam mê theo cách có trách nhiệm hơn.
Không để pickleball "chia rẽ" tình yêu
Nếu một số cặp đôi rạn nứt vì pickleball "đánh cắp" quá nhiều thời gian bên nhau hay dẫn đến mâu thuẫn về tài chính, Đăng Khoa (27 tuổi, nhân viên thiết kế tại phường Tân Thuận, TP.HCM) và người yêu lại trục trặc vì trình độ không cân xứng.
Một lần có giải đấu nội bộ, Khoa được chọn ghép cặp với đồng đội nữ có trình độ tốt hơn bạn gái. Hai người phối hợp ăn ý, giành giải nhất cuộc thi.
Trong lúc mọi người ăn mừng, người yêu Khoa ngồi một góc với khuôn mặt không vui. Một người trong nhóm bạn còn trêu nếu Khoa còn độc thân, anh và bạn nữ kia chắn chắn là một cặp "đẹp đôi từ sàn đấu đến ngoài đời”. Khoa vội ra dỗ dành nhưng bạn gái tủi thân bỏ về.
Sau đó, Khoa gọi điện hay nhắn tin, người yêu đều không bắt máy. Cuối ngày, cô mới nhắn tin cho anh: "Anh có biết cảm giác phải nhìn người yêu mình thân thiết, ăn mừng rồi còn đi ăn uống, giao lưu với cô gái khác khiến em đi cùng mà lạc lõng thế nào không?".
Khoa hẹn gặp nửa kia để nói chuyện rõ ràng. Anh giải thích thể thao là sở thích, còn mối quan hệ tình cảm vẫn luôn là điều quan trọng nhất. Người yêu anh cũng thừa nhận mình đã ghen vì cảm giác bị bỏ lại phía sau.
Những lần sau đó, Khoa chú ý hơn: hạn chế những tình huống dễ gây hiểu lầm, dành thời gian riêng cho bạn gái sau mỗi trận đấu, rủ cô đi ăn cùng cả nhóm. Bạn gái Khoa cũng dần tách bạch giữa chuyện thi đấu và tình cảm, chăm luyện tập mỗi ngày để nâng cao trình chơi pickleball.
“Giận thì giận nhưng sau đó hiểu nhau hơn. Nhờ những mâu thuẫn như vậy, cả hai học được cách lắng nghe và điều chỉnh để đi đường dài”, Khoa nói.
![]() |
Pickleball được xem là môn thể thao gắn kết tình yêu, song đôi khi cũng châm ngòi cho những mâu thuẫn phát sinh. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Hoàng Lâm (28 tuổi, nhân viên IT tại Đà Nẵng) cùng bạn gái là Thảo bắt đầu chơi pickleball với mong muốn có thêm thời gian bên nhau và cùng rèn luyện sức khỏe. Ban đầu, cả hai khá hào hứng, nhưng chỉ sau vài buổi, Lâm bắt đầu cảm thấy… hụt hơi. Thảo chơi tốt, nhanh nhẹn và phối hợp ăn ý với đồng đội, còn Lâm thì hay đánh hụt, mất điểm ở những pha đơn giản.
Dù không hề cáu gắt hay chỉ trích gay gắt, Thảo đôi khi vẫn buột miệng góp ý thẳng: "Mấy pha đó anh cần tập thêm, không thì khó phối hợp được đấy". Lâm hiểu cô không có ý gì xấu, nhưng sự chênh lệch trình độ khiến anh dần cảm thấy áp lực.
Sau một tình huống căng thẳng với Thảo giữa sân, Lâm chủ động đề nghị tạm nghỉ chơi chung để giữ hòa khí. Anh chuyển sang thử chơi cầu lông ở một sân gần nhà. Ban đầu chỉ để thay đổi không khí, sau vài buổi, Lâm nhận thấy thoải mái hơn.
Thảo ban đầu tỏ ra hơi buồn vì đã quen với việc cùng nhau chơi pickleball mỗi tuần. Nhưng sau một thời gian, cô thừa nhận quyết định này là hợp lý. Cả hai không còn tranh cãi như trước. "Người yêu không nhất thiết phải chơi chung môn thể thao. Mỗi người có sở trường và đam mê riêng, miễn cảm thấy thoải mái", Lâm nói.
Theo Psychology Today, để giữ gìn mối quan hệ của các cặp đôi khi chơi pickleball, một số yếu tố then chốt có thể đóng vai trò như "chìa khóa". Đó là sự thích nghi khi các cặp đôi chọn cách nhường nhịn, vun đắp thay vì tranh cãi đúng sai; sự hy sinh khi đặt lợi ích của người kia lên trước mong muốn cá nhân; lòng tha thứ khi biết bỏ qua những lỗi lầm nhỏ để tiếp tục đồng hành.
Bên cạnh đó, duy trì cái nhìn tích cực về người yêu/bạn đời giúp củng cố niềm tin, giảm thiểu sức hút từ những lựa chọn thay thế cũng là cách giữ cho trái tim không dễ bị xao động.
Dopamine tạo ra động lực và cảm giác hài lòng, Endorphin mang đến cảm giác thăng hoa, trong khi Cortisol lại "sản sinh" cảm giác căng thẳng, giúp bạn có tâm trạng phấn khích để phiêu lưu ra khỏi vùng an toàn… Nếu hiểu được cơ chế hoạt động của những hormone then chốt này, bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, như tác giả David JP Phillips bật mí trong cuốn sách Cho đời nhẹ lên cao.