Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Suýt mất con vì tự ý xông mũi

Môi trường bụi bẩn, ô nhiễm kèm theo thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Khi trẻ bị bệnh, thay vì đưa con đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn hướng điều trị, nhiều phụ huynh lại mua các loại máy xông mũi họng để tự điều trị tại nhà cho con. Theo các chuyên gia y tế, việc làm này có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Rước họa vì tự ý xông mũi cho con

Cậu con trai 3 tuổi thường xuyên mắc các vấn đề về đường hô hấp khiến chị Nguyễn Ngọc Dung (ở Đống Đa, Hà Nội) luôn lo lắng cho con mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Chị Dung cho biết: “Từ khi sinh ra, hệ hô hấp của con đã yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác, nên chỉ cần bị lạnh hoặc không đeo khẩu trang cẩn thận cho con khi ra ngoài là y như rằng, con bị tái phát bệnh ngay. Nặng nhất là con hay bị “tắc” mũi, thở khò khè, nhất là ban đêm”.

Phụ huynh khi dùng loại máy xông mũi cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây hại cho trẻ. Ảnh: T.L

 

.

Theo chị Dung, để tiết kiệm thời gian, vợ chồng chị quyết định mua một chiếc máy xông mũi để phòng khi con có bị ngạt sẽ lấy ra sử dụng. Lâu dần, thấy con quen với chiếc máy xông nên vợ chồng chị đâm ra ỷ lại vào nó. Hễ con sụt sịt mũi, chị lại mang máy ra xông, xông đến khi con thở đều thì dừng lại.

Tuy nhiên, khi thắc mắc, việc xông nhiều cho con như vậy có theo chỉ dẫn của bác sĩ hay không, chị Dung lắc đầu thừa nhận: “Vợ chồng tôi đọc hướng dẫn sử dụng máy và làm theo. Còn thời gian xông dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng mũi bị “tắc” của con thế nào. Cũng có lần, đang xông, con đột nhiên ho dữ dội, ứa nước mắt rồi im bặt, người tím tái. Vợ chồng tôi phải cấp tốc đưa con đi viện ngay, may mắn được cứu chữa kịp thời”.

ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết: Bản chất của việc xông mũi (khí dung) là biến thuốc từ dạng chất lỏng thành dạng sương mù để tác dụng trực tiếp lên niêm mạc đường hô hấp.

Đây là phương pháp được sử dụng trong những trường hợp trẻ em không hợp tác theo đường uống hoặc đường tiêm để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, để tránh tác dụng phụ của một số thuốc điều trị toàn thân, có thể sử dụng khí dung để điều trị tại chỗ, vẫn đem lại hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, với những bệnh cần thiết phải sử dụng khí dung, các bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng khí dung. Việc nhiều cha mẹ hễ thấy con bị “tắc” mũi là vội vàng sử dụng máy xông cho trẻ ngay là không nên. Bởi lẽ khi bị bệnh, trẻ cần được đưa đến khám bác sĩ.

Nếu được chỉ định sử dụng khí dung trong điều trị, phụ huynh cần tuân thủ các hướng dẫn trong việc sử dụng thuốc và thời gian của mỗi lần xông. Chẳng hạn, cần phải nhỏ thuốc thông mũi trước khi khí dung mũi để mũi thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho hơi thuốc vào được sâu bên trong đem lại tác dụng điều trị hiệu quả. Ngược lại, nếu không nhỏ thuốc trước mà khí dung mũi luôn khi mũi của trẻ đang trong tình trạng bị ngạt sẽ làm giảm tác dụng của việc khí dung.

ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thay vì đưa con đến các cơ sở y tế, nhiều phụ huynh có thói quen tự ý mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Đây là một trong những sai lầm phổ biến mà bố mẹ hay gặp phải trong việc điều trị bất cứ bệnh nào cho con.

Bố mẹ thường bỏ qua những vấn đề như thuốc tự mua có thực sự phù hợp với thể trạng bệnh của trẻ hay không; liều lượng và thời gian dùng như thế nào cho hợp lý; trẻ có dị ứng với các thành phần nào của thuốc không… đã tự ý cho con dùng thuốc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều trẻ nhập viện điều trị trong tình trạng bệnh đã nặng lên hoặc có nhiều biến chứng, gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm bệnh cho trẻ.

Không nên lạm dụng

Đưa thắc mắc, về việc bố mẹ thường xuyên sử dụng khí dung để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ có dẫn đến hiện tượng “nghiện” phương pháp này hay không, ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng giải thích, có nhiều đứa trẻ thích được khí dung vì cảm giác thoải mái, “dễ thở” tức thì. Mặt khác, cũng có nhiều trẻ sợ khi bị đặt máy xông vào mũi. Do vậy, việc trẻ có bị “nghiện” hay không còn tùy thuộc vào từng trẻ và thói quen của các bậc phụ huynh.

Bên cạnh đó, ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, thời gian của mỗi lần khí dung cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và liều lượng thuốc sử dụng trong quá trình khí dung. Ví dụ, thuốc được pha trong khoảng 1 ml dung dịch chất lỏng, thời gian khí dung dao động trong khoảng 2-5 phút.

Không nên khí dung cho trẻ quá nhanh vì như thế thuốc sẽ chưa kịp ngấm, không đem lại hiệu quả mong muốn. Trường hợp khí dung quá lâu vừa tốn thời gian không cần thiết vừa có nguy cơ gậy hại cho trẻ. Bởi lẽ, niêm mạc mũi của trẻ chỉ có thể tiếp nhận một mức độ thuốc vừa phải trong thời gian nhất định. Do đó, nếu “ép” chúng phải khí dung trong thời gian dài sẽ gây tổn thương đến niêm mạc mũi của trẻ.

Đặc biệt, theo ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, với trẻ nhỏ từ 1-2 tháng tuổi, phụ huynh không nên sử dụng các máy khí dung mũi cho trẻ.

ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng khuyến cáo, khi thấy trẻ có các biểu hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và có hướng điều trị phù hợp. Không nên tự ý cho con dùng thuốc hoặc khí dung mũi cho con tại nhà.

Trong trường hợp sử dụng máy khí dung tại nhà cho trẻ, phụ huynh nên chú ý vệ sinh máy sạch sẽ, để nơi thoáng mát sau mỗi lần sử dụng, tránh để máy ẩm, bụi bẩn vì dễ đưa thêm mầm bệnh vào đường hô hấp của trẻ. Đối với các loại máy xông bán trên thị trường, bố mẹ nên lựa chọn sản phẩm của các nhãn hàng uy tín, đảm bảo chất lượng; không mua các loại máy phát ra tiếng ồn trong quá trình sử dụng, dễ làm trẻ sợ khi tiếp xúc với máy…

Để phòng ngừa trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng tư vấn, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật cho trẻ. Bên cạnh đó, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, tránh việc trẻ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến đường hô hấp.

Ngoài ra, phụ huynh nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý cho trẻ hàng ngày; đeo khẩu trang khi cho trẻ ra bên ngoài, hạn chế để trẻ tiếp xúc với những nơi có khói, bụi, ô nhiễm.. tránh cho trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Lưu ý việc xông hơi từ tinh dầu tự nhiên

Để giúp thông mũi cho trẻ, nhiều phụ huynh còn áp dụng phương pháp xông hơi bằng tinh dầu. Tức là nhỏ tinh dầu vào nước nóng và đưa trực tiếp lên gần mũi của trẻ. Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, việc làm này là không nên, cần phải hạn chế. Bởi tinh dầu là những chất không tan trong nước, khi theo hơi nóng của nước xông lên mũi, sẽ có cảm giác dễ chịu và thông mũi tức thì. Tuy nhiên, do tính khó tan, lớp tinh dầu sẽ bám vào niêm mạc mũi của trẻ, có nguy cơ gây tổn thương bộ phận này vì chúng khá mỏng và nhạy cảm. Do đó, tốt nhất, nên hạn chế việc làm này để tránh gây hại cho trẻ.

Đừng coi thường chảy máu mũi

Chảy máu mũi, hay trong dân gian còn gọi là chảy máu cam, là tình trạng xuất huyết ở đường mũi, bệnh phổ biến và thường gặp trong cuộc sống hàng ngày

http://giadinh.net.vn/song-khoe/suyt-mat-con-vi-tu-y-xong-mui-20160831094208792.htm

Theo Mai Thùy / Báo Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm