Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết vừa gắp vỏ viên thuốc ra khỏi thực quản của bà Lý (55 tuổi, ở Tây Ninh).
Trước đó, bệnh nhân được nhập viện trong tình trạng đau họng, tức xương ức và ngực. Nội soi cho thấy trong thực quản của bà Lý có vỏ thuốc, góc sắc nhọn, đâm xuyên niêm mạc thực quản gây chảy máu nhẹ.
Các bác sĩ đang nội soi gắp dị vật ra khỏi thực quản cho bệnh nhân. Ảnh: N.P. |
Theo bác sĩ Phạm Công Khánh, Phó trưởng khoa Nội soi Bệnh viện ĐH Y Dược, bệnh nhân may mắn nhập viện sớm khi dị vật chưa gây biến chứng loét và thủng thực quản.
Bác sĩ Khánh cho biết dị vật đường tiêu hóa là tình trạng tương đối phổ biến. Có trường hợp dị vật sẽ đi ra ngoài qua hậu môn mà không gây biến chứng. Những dị vật sắc nhọn như xương cá, xương động vật khác (gà, vịt, heo...), vỉ thuốc thường gây thủng đường tiêu hóa.
Dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhất là từ 6 tháng đến 6 tuổi. Những người rối loạn tâm thần, tù nhân, những người sử dụng răng giả cũng hay bị hóc dị vật. Biểu hiện khi nuốt dị vật như nghẹn, bỏ ăn, nôn, chảy nước bọt, khò khè, nước bọt có máu và khó thở.
Vỏ viên thuốc bà Lý nuốt phải được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: N.P. |
Nếu dị vật làm thủng thực quản sẽ gây phù nề cổ, đỏ da, tràn khí dưới da. Nếu thủng dạ dày, chúng sẽ gây tình trạng viêm phúc mạc (nhiễm trùng ổ bụng) với các biểu hiện đau bụng nhiều, sốt, vùng hầu họng có thể gây rách và chảy máu, khó thở, thủng và tạo áp xe. Đối với thực quản, chúng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, viêm quanh tim và chèn ép tim, dễ dẫn đến tử vong.