SV làng ĐH ăn bẩn, sống bẩn với 'núi rác' khổng lồ
Làng ĐH Thủ Đức không chỉ bị vẩn đục bởi nhiều tệ nạn như: bài bạc, cá độ bóng đá, gái mại dâm… mà nơi đây còn là vùng “rốn rác” của TP. HCM.
Đi giữa muôn trùng rác
Làng ĐH Thủ Đức, TP.HCM là nơi tập trung hàng chục ngàn sinh viên, cùng những người dân sống trên địa bàn và các tiểu thương từ khắp nơi trong cả nước đổ về mưu sinh.
Đáng lẽ ra làng ĐH phải là nơi có môi trường trong sạch để các cử nhân tương lai của đất nước làm nơi lý tưởng trong công việc học tập; nhưng dù đi đâu, mọi con đường ngõ hẻm tại nơi đây đều tràn ngập rác. Rác bao vây trường học, nhà trọ, nơi tập thể dục thể thao…khiến cho nhiều người đến đây lần đầu tiên phải ngộp thở vì mùi hôi thối bốc lên.
Con kênh rác gần trường ĐH KHXH&NV. |
Ở khắp nơi trong làng ĐH, hình ảnh dễ bắt gặp nhất chính là những “núi rác” to đùng lộ thiên bên cạnh mép đường, trong các bãi cây cỏ, thậm chí rác tràn ra ngoài đường cản trở giao thông và tạo thành “mùi” đặc trưng chỉ có ở làng sinh viên.
Mặc dù có các thùng rác, bảng hiệu cấm đổ rác treo khắp nơi; nhưng dường như người tham gia vệ sinh chẳng cần để ý đến những thùng rác, bảng hiệu đó làm gì, cứ vô tư xả rác ở bất kỳ nơi đâu mà họ cảm thấy là tiện cho bản thân.
Sống chung với rác là chuyện thường của Sinh viên làng Đại học |
Hoàng Văn Nam (sinh viên trường ĐH KHXH&NV) kể: “Từ đầu đường ngã ba 621 đi vào làng Đại học, hai bên đường đầy rác. Khoảng vài bước chân, mình lại vấp một đống rác to giấu trong đám cỏ ven đường”.
Theo nhiều sinh viên làng Đại học Thủ Đức, mỗi khi lên xuống xe buýt, hay cuốc bộ đi học đều gặp phải mùi hôi nồng nặc của rác trên khắp nẻo đường khiến nhiều sinh viên choáng váng.
Bảng chữ trên không có hiệu lực |
Nguyễn Thị Linh (năm 3, trường ĐH Kinh tế - Luật) cho biết: “Các bịch rác chất đầy bên vệ đường, nếu xe rác không lấy đi thì khoảng vài ngày sau người dân mới đốt để tiêu hủy hoặc đổ vào bãi đất trống ven đường. Đoạn đường đi vào cổng Ký túc xá Đại học Quốc gia có rất nhiều bãi rác tự phát chất thành đống. Lâu ngày, những đống rác này to dần lên và bốc mùi hôi thối kinh khủng”.
Ngoài những mùi hôi của rác tấn công sinh viên còn có mùi hôi thối của các hộ dân chăn nuôi lợn ngay tại nơi sinh viên trọ. Những ngày nắng hay ngày mưa mùi hôi của phân lợn bốc lên làm nhiều sinh viên đau đầu.
Thùng rác "cô đơn" vì không được nhiều sinh viên cho rác. |
Nơi ô nhiễm mạnh nhất của làng ĐH phải kể đến là khu vực Hồ cá sinh viên, nơi đây giáp ranh với trường ĐH KHXH&NV. Chúng tôi thấy ở đây có một con mương nhỏ chứa toàn rác và các loại nước thải đổ về Hồ cá. Những ngày nắng to làm cho các bạn sinh viên của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa học vừa phải đưa tay lên bịt mũi thật khó chịu. Hồ cá được mênh danh là “rốn” rác của làng ĐH.
Khi những “trí thức” xả rác
Điều đáng lưu tâm khi chúng tôi về thăm làng ĐH không phải là những “núi rác” di động làm khổ sinh viên mà chính là ý thức bảo vệ môi trường của nhiều sinh viên còn kém và yếu. Rác không chỉ tràn ngập trên các con đường đến trường mà ngay trong các trường ĐH trên địa bàn rác cũng được xả tự nhiên ngoài thùng rác.
Thật phản cảm khi chứng kiến cảnh rác “đậu bến” trên các bàn đá, hành lang, và ngay trên bàn học của nhiều sinh viên trường ĐH KHXH&NV. Có nhiều bạn nói vui rằng: “Trường KHXH&NV nhiều sinh viên nữ hay “ăn hàng” nên việc ném rác bừa bãi là chuyện đương nhiên”. Nhưng trước khi xả rác như thế các bạn sinh viên đã được học cách “giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ tài nguyên môi trường”.
Những sọt đựng rác cũng vô tác dụng vì cảnh xả rác bừa bãi của sinh viên và người dân |
Rồi đối thoại trực tiếp với một vài sinh viên xả rác, chúng tôi nhận được câu trả lời thờ ơ: “Nhà trường thuê lao công để làm gì? Anh cứ yên tâm bọn em làm như vậy để các cô chú lao công có việc mà làm”. Nghe xong câu trả lời chúng tôi không khỏi xót xa cho những bạn trẻ coi thường lợi ích chung của cộng đồng, họ vừa thiếu ý thức lẫn trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Thật lạ lùng khi chứng kiến nhiều bãi rác nằm ngay cạnh phòng trọ của nhiều sinh viên. Tất cả các loại rác như: bịch bóng, hộp cơm, đồ dùng sinh hoạt…không hẹn mà được gặp tại những “bến rác” như thế này, chỉ khổ những người sống xung quanh và những lao công dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Đủ các loại rác họp chợ được thải xuống khu dân cư |
Ngoài những sinh viên “vô tư” làm khổ môi trường còn có các tiểu thương góp phần tăng cấp độ độc hại cho làng ĐH. Những quán cơm, quán nhậu, các khu chợ tự phát… ngang nhiên xả những chất bẩn ra môi trường nơi đây.
Vào một buổi chiều mưa đi qua làng ĐH, nước chảy xiết trên nền đường kéo theo đông đủ các “anh chị rác” đi theo thật bùng nhùng. Đi qua đoạn đường từ ngã ba chợ về trường ĐH KHXH&NV, rác như “đánh đu” trên đường cùng dòng nước rồi cùng “họp chợ” tại một vùng trũng trước cổng trường thật đáng sợ.
Không chỉ vậy, tất cả các sinh viên ở làng Đại học đều chấp nhận cảnh sống chung với rác |
Trong khi các cơ quan chức năng, ban nghành cố gắng tuyên truyền bảo vệ môi trường thì việc “rác tràn ngập” một đô thị Đại học thật phản cảm. Phải chăng trước khi đi học Đại học chúng ta phải “dạy” cách sinh viên bảo vệ môi trường ?!.
KHANG KHANG
Theo Bưu Điện Việt Nam