Nhiều người cho rằng để theo dòng tranh thủy mặc, trước khi nói đến năng khiếu hay lòng kiên trì, họa sĩ cần có một chút hoài cổ, yêu thích văn hóa cổ điển phương Đông. Về điều này, họa sĩ Tạ Duy cho ràng anh không chỉ có “một chút” mà đúng nghĩa là “cuồng”, là đam mê.
Chàng 8X hoài cổ
Văn hóa phương Đông thấm đẫm trong Tạ Duy từ khi mới bắt đầu tượng hình. Gia đình anh có truyền thống Nho học và mọi thứ xung quanh đều mang hơi thở của dòng văn hóa ấy. Anh thừa nhận suy nghĩ, việc làm, tư duy, con người... của mình rất Á Đông chứ không Tây như phần lớn bạn bè cùng thế hệ 8X.
Niềm đam mê với tranh thủy mặc có trong Duy từ những ngày thơ bé. |
Thế giới đậm đặc Á Đông ấy đã cho Tạ Duy được biết đến tranh thủy mặc khi còn là một đứa trẻ. Từ tủ sách của cha mình, anh được tiếp xúc với các tác phẩm của nhiều danh họa Trung Quốc và Nhật Bản như Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, Ogata Korin, Kano Sansetsu... Nuôi mộng vẽ tranh thủy mặc từ bé, nhưng ở Việt Nam không có chuyên ngành đào tạo nên Tạ Duy chỉ biết nuôi mơ ước.
5 năm học ở trường Mỹ thuật Việt Nam, được dạy đủ thể loại hội họa nhưng Tạ Duy vẫn thấy không đủ. Chỉ đến khi nhận được học bổng của Học viện Mỹ thuật Trung Quốc tại Hàng Châu, Chiết Giang, anh mới thực sự thỏa “cơn khát”. 4 năm học thạc sĩ tại ngôi trường đào tạo thủy mặc họa lớn và lâu đời Trung Quốc đã khiến anh tìm được chính mình.
Không gian Flamingo Đại Lải Resort, nơi diễn ra triển lãm nghệ thuật đương đại “Art in the forest”. |
Đến nay, Việt Nam có ít họa sĩ được đào tạo bài bản về thủy mặc họa. Dù nghiệp của Tạ Duy là vẽ, công việc mang tới nguồn thu nhập chính để nuôi dưỡng đam mê thủy mặc họa lại là giảng viên. Tạ Duy chia sẻ, anh không thấy phiền lòng khi chưa “sống được” bằng nghiệp vẽ.
“Tôi bằng lòng với cuộc sống vừa đủ, có cơm ăn áo mặc và thời gian dành cho sáng tạo. Niềm vui cho sáng tạo là mục tiêu hàng đầu của tôi, sau đó mới đến cơm áo gạo tiền”, họa sĩ sinh năm 1989 nói.
Không đặt quá nhiều kỳ vọng vật chất và danh tiếng, Tạ Duy cứ vẽ tranh với tình yêu đắm đuối như một nhu cầu sống.
Đặt cái đẹp lên hàng đầu
Gặp Tạ Duy khi anh đang chuẩn bị tranh tham gia Không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải - Art in the forest 2018, anh mang đến triển lãm bốn bức tranh thủy mặc trên lụa. Đây là những tác phẩm nằm trong mạch cảm hứng của anh với chất liệu mới từ tháng 5 tới nay. Trước đó, anh vẽ thủy mặc trên giấy và từ sau triển lãm cá nhân đầu tiên với tên gọi Sự khởi đầu vào tháng 4, anh chuyển sang tìm tòi, khám phá chất liệu lụa.
Bốn bức thủy mặc của Tạ Duy có thể coi như là một bộ tranh tứ bình về các mùa trong năm: Mưa tháng 2, Hạ sớm, Chớm thu và Mùa tàn. Có thể mới về chất liệu và cách thể hiện nhưng đều nằm trong mạch chủ đề mà Tạ Duy theo đuổi từ trước tới nay: Khai thác những vẻ đẹp dung dị của thiên nhiên.
Anh cũng thừa nhận, tranh của mình không mang nhiều tính trừu tượng mà rất hiển minh: “Tôi không phải là người lạc vào thế giới quá mông lung, trừu tượng. Những đề tài, sự vật, hiện tượng tôi khai thác từ cuộc sống rất giản đơn và bình dị. Đó là những cái đẹp giản đơn của cuộc sống”.
Điều mà Tạ Duy muốn hướng đến, “truy tìm” chính là cái đẹp. “Tôi là họa sĩ có khuynh hướng duy mỹ”, anh khẳng định. Điều anh quan tâm đầu tiên là tranh của mình phải đẹp, còn cái đẹp ấy sẽ khuếch tán như thế nào trong tâm trí người xem và họ cảm nhận như thế nào về ý tưởng là tùy thuộc mỗi người thưởng lãm.
Tạ Duy mang đến triển lãm nghệ thuật đương đại “Art in the forest” bộ tranh tứ bình về 4 mùa trong năm, gợi cảm xúc lãng mạn những chân thực về cuộc sống. |
Cũng chính vì duy mỹ, Tạ Duy như “cá gặp nước” khi được mời tham gia Art in the forest 2018. “Theo tôi, đây là không gian nghệ thuật độc đáo nhất ở Việt Nam thời điểm này. Nó rất hiện đại nhưng lại hướng về tự nhiên, nguyên sơ, thơ mộng. Ý tưởng đặt những không gian trưng bày nghệ thuật làm bằng container trong cánh rừng thông 40 năm tuổi rất thú vị”, Tạ Duy chia sẻ.
Chàng họa sĩ trẻ Hà Nội hào hoa và đặt cái đẹp lên hàng đầu hài lòng bởi: “Tôi luôn mong tác phẩm của mình được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất có thể, vì lúc đó tác phẩm mới có thể phô diễn hết vẻ đẹp của nó. Một không gian như Art in the forest đã cho tôi thỏa mãn được ham muốn cho tác phẩm của mình. Đây là cơ hội mà không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng may mắn có được”.
Họa sĩ Tạ Duy từng được mời tham gia một số triển lãm trong và ngoài nước như Triển lãm lưu học sinh quốc tế tại Hàng Châu 2016, Triển lãm tốt nghiệp Hàng Châu 2017, Triển lãm quốc tế March Connecting lần thứ 2 và thứ 3 tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Triển lãm quốc tế Sasaran tại Malaysia 2018... Triển lãm cá nhân đầu tiên của anh với tên gọi Sự khởi đầu được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 4.